Hạn chế nhập khẩu - Có xe gì cho người giàu ở Việt Nam?
- Thứ hai - 09/04/2018 20:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một phân khúc nhập khẩu toàn bộ
Nếu như các thương hiệu xe bình dân của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có nhà máy tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia…, để cung cấp cho toàn bộ khu vực thị trường ASEAN, thì hầu hết các thương hiệu cao cấp chọn hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam.
Các dòng xe sang và siêu sang nhập khẩu vào Việt Nam trong thời điểm này chủ yếu là các thương hiệu châu Âu, bao gồm Audi, BMW, Jaguar Land Rover, Bentley, Maserati, Lamborghini, Porsche, Volvo…; cùng với hai thương hiệu xe sang của Nhật Bản cũng được nhập khẩu nguyên chiếc là Lexus (do Toyota Việt Nam quản lí) và Infiniti - thương hiệu hạng sang của Nissan do nhà phân phối chính thức (tập đoàn TanChong - Malaysia).
Ngoài ra, hiện một số thương hiệu xe sang khác vẫn chưa có mặt tại Việt Nam do chưa có nhà phân phối chính thức, và quan trọng hơn là nhu cầu chưa lớn, như Chrysler, Lincoln, Cadillac, Alfa Romeo, Acura (thương hiệu thuộc Honda)…
Hiện chỉ có duy nhất Mercedes-Benz là thương hiệu xe sang có nhà máy tại Việt Nam, lắp ráp dòng sedan các cỡ (C-Class, E-Class, S-Class) và mẫu SUV 5 chỗ - GLC. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm khác của hãng vẫn được nhập khẩu nguyên chiếc.
Giai đoạn “cực kỳ khó khăn”
Những yêu cầu mới có trong Nghị định 116 của Chính phủ và Thông tư 03/2018 của Bộ Giao thông Vận tải khiến phân khúc xe sang tới đây sẽ có những chuyển mạnh mẽ theo một chiều hướng mà người tiêu dùng không hề thích thú: nguồn cung không đáp ứng nổi nhu cầu, giá xe tăng cao vì những chi phí phụ trội (đăng kiểm từng lô, từng chủng loại…).
Trong khi đó, với hơn 12 loại giấy tờ cần có trong Hồ sơ đăng ký kiểm tra Chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe nhập khẩu chưa qua sử dụng, khiến doanh nghiệp chưa biết cách nào để có thể hoàn thiện hồ sơ thông quan xe nhập khẩu. Và chính vì cách thức thực hiện chưa rõ ràng mà các hãng hiện không dám mạo hiểm đặt hàng nhà máy sản xuất xe cho thị trường Việt Nam. Dự báo tới đây sẽ khoảng thời gian “ăn dè” của các nhà phân phối chính thức, trong lúc đợi thủ tục nhập khẩu trở nên rõ ràng hơn.
Đại diện một nhà phân phối xe chính thức cho biết, khoảng thời gian sắp tới thực sự những giai đoạn “cân não” của của các hãng, khi mà số xe tồn trong kho không còn nhiều, hãng/đại lí cũng không dám đẩy mạnh truyền thông, bán hàng vì sợ không đủ lượng xe cung cấp, trong khi đó chưa biết bao giờ mới tiếp tục có xe để bán.
Trên thực tế, đối với những dòng xe nhập khẩu từ châu Âu, thời gian từ khi nhận hợp đồng của khách hàng, đặt hàng nhà máy sản xuất, vận chuyển về Việt Nam cũng phải mới tới 4 tháng, sau đó là khoảng thời gian hoàn thiện thủ tục thông quan và đăng kiểm cũng phải mất tới 2 tháng. Do vậy, thời gian tới đây, dự báo phân khúc xe sang sẽ trở nên “lắng đọng” hơn trừ những thương hiệu khá… đặc biệt.
Kẻ khóc, người cười
Từ đầu tháng 3/2018, Thông tư 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 đã chính thức có hiệu lực, nhưng cho đến tận bây giờ, các thương hiệu vẫn chưa thể nắm rõ ràng mọi thủ tục để có thể nhập khẩu xe về Việt Nam, bất chấp việc Honda đã thông quan được lô xe gần 2.000 chiếc.
Infiniti, Maserati, Volvo và nhiều thương hiệu xe sang khác nữa hiện đang nỗ lực hết sức để hoàn thiện các thủ tục cần thiết trước khi có thể thông quan cho các mẫu xe mới về thị trường Việt Nam. Trong khi đó, Lexus đã dừng hẳn việc sản xuất xe cho thị trường Việt Nam, đợi các bước thực hiện thủ tục, giấy tờ mới được hoàn thiện mới có kế hoạch tiếp theo.
Audi bước vào năm 2018 với một sự “may mắn” không hề nhỏ; đó là 400 xe nhập khẩu tài trợ vận chuyển cho hội nghị APEC 2017 tổ chức tại Việt Nam đã được mở bán từ cuối năm 2017, giúp thương hiệu này có đủ nguồn cung cấp cho thị trường trong vài tháng tới đây. Tuy vậy, về lâu dài, Audi cũng sẽ phải lo giải quyết vấn đề chung của thị trường.
Hai thương hiệu xe sang nước Đức là BMW/MINI hiện đang có “số phận” khá lí thú, khi mà nhà phân phối chính thức - tập đoàn Trường Hải (cùng với Hyundai) lại là một trong hai doanh nghiệp ủng hộ mạnh mẽ nhất việc siết chặt quản lí phân khúc xe nhập khẩu. Hiện bài toán lắp ráp xe BMW trong nước được nêu ra (với các chính sách thuế hỗ trợ từ Chính Phủ về thuế/phí), nhưng cũng rất khó thành hiện thực (vì hiệu quả kinh doanh), khi mà BMW đã có khá nhiều nhà máy trong khu vực ASEAN, như Thái Lan (lắp ráp các mẫu 3-series, 5-series, 7-series, X1/X3, cùng với dòng Countryman của MINI), tại Indonesia (7-series) và đặc biệt là tại Malaysia (3-Series, 5-Series, 7-Series) - nơi mà theo kế hoạch trong năm 2018 sẽ cho ra mắt các mẫu xe dành riêng cho các nước trong khu vực sử dụng tay lái bên trái như Việt Nam.
Lô xe đầu tiên mà Trường Hải nhập về từ khi chính thức tiếp nhận phân phối hai thương hiệu này vào tháng 1/2018, bao gồm 306 chiếc BMW và 52 chiếc MINI, thuộc nhiều phân khúc khác nhau nên số lượng xe ở từng chủng loại không nhiều (bao gồm các dòng sedan 3-series, 4-series, 5-series và 6-series, cùng các mẫu hiệu suất cao M2/M4, và các mẫu xe địa hình từ X3 đến X6).
Chính vì vậy, trước mắt, Trường Hải cũng sẽ phải nhập khẩu BMW/MINI để phục vụ nhu cầu của thị trường (nếu có) và không có cách nào khác, cũng sẽ phải dấn thân vào cuộc chạy đua đáp ứng các hàng rào kỹ thuật đối với xe nhập mà chính bản thân tập đoàn này ủng hộ.
Trong khi đó, Mercedes-Benz lại là một trường hợp cá biệt. Vì có danh mục sản phẩm lắp ráp trong nước khá phong phú - toàn bộ dòng sedan các cỡ (C/E/S-Class) và mẫu xe thể thao đa dụng GLC, hãng xe sang của Đức tỏ ra khá tự tin trong việc tận dụng thời cơ, chiếm lĩnh thị trường ở phân khúc này.
Thực tế là trong lúc các đối thủ khác còn đang vất vả tìm cách đưa xe về Việt Nam, chứ chưa cần nói đến một chính sách giá bán hợp lí, thì MBV vẫn âm thầm giành thị phần, với các sản phẩm lắp ráp trong nước. Và con số hơn 1.400 xe đến tay khách hàng trong quý I/2018 vừa qua đã giúp MBV ghi vào lịch sử của mình với quý I thành công nhất trong 23 năm lịch sử có mặt tại Việt Nam.
Không phải đến lúc Nghị định 116 và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT ra đời, mà trước đó, đa số các hãng xe có mặt tại Việt Nam đều lựa chọn phương thức kinh doanh kết hợp giữa việc lắp ráp trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc. Tuy nhiên, do đặc thù sản phẩm (giá trị lớn) và doanh số thị trường chưa cao, nên các hãng kinh doanh ở phân khúc xe sang (cũng như phân khúc xe bán tải tại Việt Nam) đều lựa chọn phương thức nhập khẩu nguyên chiếc, thay vì đầu tư dây chuyền lắp ráp. Do vậy, tới đây sẽ là khoảng thời gian mà người tiêu dùng có ít sự lựa chọn ở phân khúc xe sang. Điều này ít nhiều sẽ dẫn đến những xáo trộn về thị trường, đặc biệt là tới nguồn thu ngân sách, cho dù nhiều chuyên gia cho rằng không lâu nữa, các hãng xe cũng sẽ tìm ra cách đáp ứng các yêu cầu mới.
Hồ sơ đăng ký kiểm tra Chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu (chưa qua sử dụng)
1- Bản đăng ký kiểm tra Chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ô tô nhập khẩu theo quy định.
2- Bản sao Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.
3- Bản sao Giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, kính được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
4- Bản chính Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng ô tô.
5- Bản sao tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.
6- Bản sao hóa đơn thương mại.
7- Bản sao Bản giải mã số VIN của nhà sản xuất xe (cho kiểu loại chứng nhận lần đầu).
8- Bản chính bản thông tin xe cơ giới NK theo mẫu quy định.
9- Bản sao tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật xe của nhà sản xuất.
10- Bản sao tờ khai hàng hóa NK đối với hồ sơ Giấy; Số ngày, tháng, năm của Tờ khai đối với hồ sơ Điện tử.
11- Bản sao báo cáo thử nghiệm khí thải.
12- Bản sao báo cáo thử nghiệm an toàn.
Việt Hưng