Đừng xem nhẹ lỗi túi khí Takata!
- Thứ tư - 05/10/2016 05:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trang tin Bloomberg cho biết, NHTSA đã tháo 245.000 cụm bơm túi khí Takata trên xe ô tô để thử nghiệm thì có tới 660 bộ bị gãy khi túi khí bung. Con số này tương ứng với tỷ lệ 1/371, tức là nguy cơ gây chấn thương dẫn tới tử vong cho tài xế và người ngồi trên xe không hề nhỏ.
Tính đến nay trên thế giới đã có 15 trường hợp tử vong do các mảnh kim loại sắc nhọn văng ra khi túi khí trên ô tô bung quá lực; trong đó có 10 trường hợp tại Mỹ. Bên cạnh đó là hơn 100 trường hợp bị chấn thương.
Kết quả thử nghiệm cho thấy mối nguy hiểm đang rình rập những người tiêu dùng không mang xe đi kiểm tra và sửa lỗi túi khí Takata, hoặc có xe chưa đủ cũ để được thay mới linh kiện. Việc thử nghiệm cho thấy cụm bơm túi khí bị xuống cấp theo thời gian, nên Takata đang ưu tiên thay linh kiện cho các xe đời cũ trước.
Tháng 11 năm ngoái, Takata đã nhận án phạt 70 triệu USD tại Mỹ và bị yêu cầu ngừng sử dụng ammonium nitrate làm chất kích nổ túi khí. Khoản phạt có thể tăng lên tới 200 triệu USD nếu Takata không tuân theo các điều khoản khác của một bản yêu cầu; trong đó có cam kết ngừng sử dụng ammonium nitrate nếu công ty không thể chứng minh rằng chất này an toàn để bơm túi khí.
Giải quyết đền bù, khiếu kiện, và thực hiện triệu hồi sản phẩm đã khiến nhà cung cấp túi khí Nhật Bản này lỗ thêm 189 triệu USD trong năm tài chính 2015 (kết thúc vào ngày 31/3/2016).
Trong bản thoả thuận ký với NHTSA hồi cuối năm ngoái, Takata đã đồng ý loại bỏ bộ kích nổ túi khí dùng ammonium nitrate. Nhiều ý kiến cho rằng chất này bị biến chất qua thời gian nếu tiếp xúc với hơi ẩm, dẫn tới nguy cơ tạo lực nổ quá mạnh và có thể làm nứt vỡ vỏ cụm bơm túi khí, làm văng các mảnh kim loại sắc nhọn vào người ngồi trên xe.
Honda, Toyota, Ford, Nissan and Mazda đều đã tuyên bố ngừng sử dụng cụm bơm túi khí đang gây tranh cãi của Takata. Nhà cung cấp túi khí lớn nhất thế giới này cho biết việc các khách hàng lần lượt bỏ đi đang đe doạ sự sống còn của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, nhiều hãng xe cũng đã thông báo triệu hồi xe để sửa lỗi túi khí; trong đó có Toyota với chiến dịch triệu hồi gần 4.000 chiếc Vios lắp ráp trong nước và Corolla nhập khẩu chính hãng; nhà phân phối chính thức Nissan triệu hồi xe bán tải Navara XE và LE nhập khẩu từ Thái Lan, Mitsubishi triệu hồi xe Zinger GLS và Triton ; Honda triệu hồi xe Accord , City, Civic và CR-V ...
Nhật Minh
Tổng hợp