Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Doanh nghiệp ôtô FDI chuyển hướng đi buôn?

Doanh nghiệp ôtô FDI chuyển hướng đi buôn?
Ngừng sản xuất, lắp ráp đồng thời chuyển hướng nhập khẩu nhiều dòng xe về bán là cách mà nhiều doanh nghiệp ôtô FDI đang thực hiện.

Doanh nghiệp ôtô FDI thu hẹp sản xuất, chuyển qua nhập khẩu

Ngày 26/2, hàng loạt nhà sản xuất ôtô trong đó có nhiều doanh nghiệp ôtô FDI thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã có cuộc gặp với lãnh đạo một số Bộ, ngành tại Văn phòng Chính phủ để trao đổi các kiến nghị liên quan đến Nghị định 116.

Tổng giám đốc của Toyota Việt Nam đồng thời là Chủ tịch VAMA, ông Toru Kinoshita bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về một số quy định hành chính trong Nghị định 116, mà theo ông này là không tuân thủ thông lệ quốc tế và gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất và nhập khẩu ôtô của các thành viên VAMA.

Ở cuộc gặp này và trong suốt quá trình kiến nghị khi Nghị định 116 ban hành từ tháng 10/2017, các doanh nghiệp FDI, trong đó có những nhà sản xuất lớn như liên doanh Toyota, Ford hay Honda, rất ít đề cập đến đóng góp cho các mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam theo định hướng của Chính phủ; thay vào đó là những đòi hỏi dỡ bỏ một số quy định nhằm dọn đường thông thoáng cho các mẫu ôtô, đặc biệt được sản xuất tại 2 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Thái Lan tràn vào Việt Nam.

Viễn cảnh ôtô từ Indonesia và Thái Lan được đưa vào Việt Nam khi thuế xuất nhập khẩu giảm về 0% vào năm 2018, thay vì sản xuất, lắp ráp trong nước, theo chuyên gia về lĩnh vực ôtô Nguyễn Minh Đồng, là đã nằm trong tính toán của các tập đoàn ôtô toàn cầu.

Chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho rằng, từ cách đây 3 năm, các hãng xe lớn đã đầu tư hàng trăm triệu USD xây dựng các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô ở Thái Lan và Indonesia để nhắm vào thị trường Việt Nam. Vì thế không khó hiểu khi các liên doanh ôtô FDI muốn thu hẹp sản xuất, cắt giảm chi phí đầu tư dây chuyền, nhân công, nhà xưởng, kho bãi... để chuyển qua nhập khẩu.

Toyota Fortuner - dòng xe chủ lực của Toyota Việt Nam từng sản xuất trong nước hiện được nhập khẩu từ Indonesia.

Thực tế, báo cáo kinh tế xã hội năm 2017 của tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đặt nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô của Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam cho thấy ngành công nghiệp có chỉ số giảm mạnh nhất trong năm 2017 của tỉnh này là ngành sản xuất ôtô.

Chỉ số sản xuất của hầu hết các tháng trong năm đều giảm so với cùng kỳ, tính chung cả năm giảm tới 19,16% so với năm 2016. Sản lượng ôtô 5-14 chỗ sản xuất tháng 12/2017 chỉ đạt 5.008 chiếc và cả năm 2017 là 51.820 xe, bằng 80,8% so với năm trước.

Thu ngân sách nhà nước trong năm 2017 ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tại Vĩnh Phúc dự toán 27.751 tỷ đồng nhưng chỉ thu đạt 18.001 tỷ, ước đạt 64,87% so với dự toán.

Trong khi đó, tại Hải Dương, nơi đặt nhà máy của Ford Việt Nam, báo cáo thu ngân sách năm 2017 của Sở Tài chính tỉnh Hải Dương cho thấy, các khoản hụt thu nội địa lên đến 1.576 tỷ đồng, trong đó, thu từ các doanh nghiệp FDI chỉ đạt 3.569 tỷ đồng, hụt 1.431 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do Ford Việt Nam hiện chủ yếu tiêu thụ xe nhập khẩu, đồng nghĩa cơ cấu tiêu thụ xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu cũng thay đổi.

Với các liên doanh ôtô Toyota, Honda, Ford tại Việt Nam, những dòng xe chủ lực trong danh mục sản phẩm bán trên thị trường hiện cũng chủ yếu là các dòng xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia.

Báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy trong gần 60.000 xe Toyota được tiêu thụ trong năm 2017 ở Việt Nam, có hơn 13.000 chiếc Toyota Fortuner nhập từ Thái Lan. Đây là mẫu xe bán chạy thứ 2 sau dòng Vios của Toyota Việt Nam. Hãng này chỉ còn sản xuất, lắp ráp 4 dòng xe là Camry, Corolla Altis, Vios và Innova.

Dòng xe chủ lực của Honda Việt Nam là Honda CR-V hiện cũng được nhập khẩu từ Thái Lan sau khi hãng này công bố ngừng sản xuất CR-V cũ từ tháng 9/2017. Lô hàng hơn 700 xe CR-V mới đây về Việt Nam cũng được tiêu thụ chỉ trong một tháng với mức giá bán lẻ cao hơn phiên bản cũ khá nhiều.

Với Ford Việt Nam, trong tổng số hơn 28.000 xe được tiêu thụ trong năm 2017 có đến khoảng 15.000 chiếc Ford Ranger nhập khẩu Thái Lan được bán ra, chiếm hơn 50% doanh số bán hàng của liên doanh này.

Loạt xe bán tải nhập khẩu từ Thái Lan với ưu đãi về thuế nhập khẩu, lệ phí trước bạ cũng nâng cánh doanh số cho nhiều liên doanh ôtô khác như GM Việt Nam, Mitsubishi Việt Nam hay Nissan Việt Nam.

Công nghiệp ôtô Việt Nam có thể dựa trên các trụ cột FDI?

Trong định hướng phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam, công nghiệp ôtô được xem là nghành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, sản phẩm ôtô có thể phục vụ nhu cầu nội địa lẫn xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, các mục tiêu của chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam về tỷ lệ nội địa hóa, sản lượng xe sản xuất trong nước hay phát triển công nghiệp phụ trợ nếu chỉ dựa trên trụ cột là các doanh nghiệp ôtô FDI vẫn còn khá xa vời.

Toyota Việt Nam với doanh số bán hàng đạt khoảng 60.000 xe trong năm 2017, chiếm thị phần 23,7% công bố tỷ lệ nội địa hóa cao nhất tại Việt Nam, đạt từ 19% đến 37% tùy theo từng mẫu xe (theo phương pháp tính giá trị của ASEAN).

Ford Việt Nam hay Honda Việt Nam có danh mục sản phẩm với nhiều mẫu ôtô nhập khẩu hơn là lắp ráp. Liên doanh Ford có 3/7 model, doanh số chiếm hơn 50% là xe nhập khẩu trong khi Honda Việt Nam có đến 5/6 model không sản xuất trong nước.

Các liên doanh ôtô ngừng lắp ráp nhiều mẫu xe ở Việt Nam.

Bình luận trên một tờ báo điện tử, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng với các doanh nghiệp ôtô FDI, việc gì có lợi là họ làm.

"Sau khi chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam năm 2002 thất bại hoàn toàn, chiến lược năm 2014 đã mang đến cho các nhà đầu tư nước ngoài quá nhiều ưu đãi. Cho đến hiện tại, nền công nghiệp ôtô Việt Nam dựa trên trụ cột các FDI chỉ mất chứ không hề được", ông Ngô Trí Long nhận định.

Chuyên gia về lĩnh vực ôtô Nguyễn Minh Đồng cho rằng việc ngừng sản xuất, lắp ráp chuyển qua nhập khẩu là bước đi bắt buộc của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khi không còn ưu đãi về chính sách, các hãng không dại gì đầu tư ở Việt Nam, thay vào đó họ đầu tư mở rộng sản xuất ở những nước có nền công nghiệp ôtô và phụ trợ phát triển như Thái Lan, Indonesia hay Ấn Độ.

Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng các hãng FDI nên nghiêm túc nhìn nhận về đóng góp cho nền công nghiệp ôtô Việt Nam. Trong suốt hơn 20 năm được ưu đãi nhưng họ phần lớn không đầu tư và chỉ muốn kiếm lợi nhuận cho mình.

Theo Sơn Đức
Tiền Phong

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây