Cửa siêu xe - Bạn biết mấy loại?
- Thứ tư - 17/08/2016 10:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sở dĩ như vậy vì bản chất siêu xe là sự vượt trội so với các khái niệm thông thường, cả về tính năng vận hành cho đến hình thức.
Hãy cùng khám phá những thiết kế cửa phổ biến nhất, đặc trưng nhất của thế giới siêu xe.
Cửa mở cắt kéo Lamborghini
Đây là thiết kế đặc trưng của Lamborghini, nên còn được gọi là "cửa kiểu Lambo".
Nhiều siêu xe khác (và vô số xe concept) cũng sử dụng kiểu cửa này và chúng đã trở thành một lựa chọn được yêu thích trên thị trường độ xe, nhưng phổ biến nhất vẫn là cửa mở cắt kéo của Lamborghini.
Tuy nhiên, thực tế là không phải mẫu xe nào của Lamborghini cũng dùng cửa mở cắt kéo. Dòng Aventador có cửa mở cắt kéo, còn Huracan (cũng như "người tiền nhiệm" là Gallardo) thì không.
Cửa mở xoay dựng đứng của Koenigsegg
Koenigsegg cũng thiết kế cánh cửa mở xoay lên trời, nhưng theo cách khác Lamborghini. Hãng xe Thuỵ Điển dùng cơ chế xoay dựng đứng cánh cửa trên ổ khớp trượt hẳn ra ngoài thân xe. Thiết kế này của độc quyền của Koenigsegg, được sử dụng lần đầu tiên trên xe CC8S.
Cửa cánh bướm của McLaren
Nhiều siêu xe đã sử dụng kiểu cửa mở như cánh bướm, và nhiều xe đua cũng vậy. Nhưng không có nhiều hãng trung thành với kiểu cửa này như McLaren.
Thực tế là tất cả các mẫu xe thương mại mà hãng sản xuất từ trước tới nay, từ huyền thoại McLaren F1 và mẫu SLR hãng sản xuất theo đơn đặt hàng của Mercedes, cho đến dòng Sports Series, Super Series và Ultimate Series ngày nay, đều có thiết kế cửa mở như cánh bướm. Ưu điểm của kiểu cửa này, ngoài việc đem lại vẻ độc đáo, khác biệt cho xe, còn giúp việc ra vào xe dễ dàng hơn so với kiểu cửa truyền thống. Tuy nhiên, nhược điểm là cần một không gian đủ rộng để cửa "sải cánh" và giống như các kiểu thiết kế đặc biệt khác, chi phí sản xuất và sửa chữa khá cao.
Cửa lật cánh chim của Mercedes
Hầu hết xe Mercedes đều có cửa bình thường, nhưng vẫn có một số trường hợp đặc biệt. Vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, hãng ra mắt mẫu 300 SL với thiết kế cửa mở lên như cánh chim hải âu.
Và thiết kế này đã trở thành nét đặc trưng cho dòng 300 SL. Nhiều thập kỷ sau, hãng đưa thiết kế này trở lại, trên mẫu SLS AMG (ảnh trên); và dù khi đó, nhiều hãng khác, nổi bật là DeLorean và Pagani, cũng đã dùng thiết kế này, nhưng khi nhắc tới cửa lật cánh chim - Gullwing, người ta vẫn nghĩ ngay đến xe Mercedes.
Cửa cánh chim thiên nga của Aston Martin
Không muốn chơi trội, nhưng cũng không muốn quá bình thường, Aston Martin chọn một thiết kế mang tính trung hoà giữa hai thái cực - thiết kế cánh chim thiên nga.
Cửa chỉ hơi nâng chếch lên khi mở ra. Kết cấu này nhẹ hơn so với kiểu mở lật hẳn lên, vì không cần piston lớn. Thiết kế cửa mở kiểu cánh chim thiên nga được Aston Martin dùng lần đầu tiên trên các xe DB9 và V8 Vantage, nhưng giờ đây được dùng ở tất cả các xe của hãng, trong đó có DB11 và Lagonda Taraf.
Cửa "tự sát" của Rolls-Royce
Cửa tự sát - "suicide doors" được dùng từ cách đây rất lâu, nhưng đã gần như biến mất khỏi ngành ô tô, cho đến khi Rolls-Royce đưa nó trở lại, và vì thế gắn liền với tên tuổi hãng xe siêu sang Anh quốc này.
Sở dĩ có tên gọi như vậy vì kiểu cửa này vốn bị cho là kém an toàn - khi xe chạy, nếu cửa đóng xuôi ra sau sẽ khó bị gió làm bật mở, còn nếu cửa đóng về phía trước thì có thể bị gió bật tung. Đó cũng là lý do Rolls-Royce không thích cách gọi "tự sát", mà thường gọi là cửa xe ngựa - “coach doors”.
Theo đó, cửa được thiết kế mở ngang như thông thường, nhưng hai cửa ở cùng bên lại mở ngược chiều nhau, giúp không gian bên trong xe rộng mở, việc ra vào xe thuận tiện hơn. Với các mẫu xe chỉ có 2 cửa như Wraith, Dawn, Phantom Coupe và Phantom Drophead Coupe, cửa cũng mở ra sau.
Những thiết kế độc đáo khác
Ngoài các thiết kế nổi bật nói trên, còn có một số kiểu ít được biết đến hơn, nhưng cũng không thua kém về độ độc đáo, như kiểu cửa mở tương tự cắt kéo của chiếc Alfa Romeo Pandion Concept 2010, với bản lề cửa nằm ở tít đuôi xe (ảnh trên) hay kiểu cửa kéo tụt xuống như của mẫu xe mui trần BMW Z1 1989 (ảnh dưới).
Theo Carscoops