Các mẫu xe hạng nhỏ sẽ "đổ bộ" Việt Nam trong 2018
- Thứ sáu - 18/08/2017 06:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời điểm 2018 khi thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN về 0%, lựa chọn nhập khẩu hay lắp ráp trong nước từng làm đau đầu các hãng xe tại Việt Nam, giờ đây đang dần sáng tỏ.
Toyota cho biết sẽ nhập khẩu và phân phối mẫu compact hạng A Wigo và MPV Avanza định vị dưới Innova trong 2018. Tương tự là hatchback đô thị Jazz của Honda và Suzuki Celerio, đối thủ mới của Kia Morning lẫn Hyundai Grand i10. Mối quan tâm lúc này, mức giá của những mẫu xe nhập khẩu sẽ thế nào vào thời điểm có mặt trên thị trường.
Người Việt vẫn đang chờ đợi diễn biến giá ôtô có giảm trong 2018 khi áp dụng thuế mới. Trong ảnh, khách hàng xem xe tại triển lãm ôtô Việt Nam (VMS) 2017.
Các mẫu xe thương hiệu Nhật kể trên đều mang những chỉ dấu rõ ràng, đủ điều kiện để hưởng những ưu đãi về thuế trong sự kỳ vọng giá xe giảm vào năm sau, dù khó thành hiện thực.
Các yếu tố bao gồm động cơ từ 1,5 lít trở xuống áp thuế TTĐB còn 35% từ mức 40% hiện hành. Đặc biệt, nếu chứng minh mức nội địa hóa nội khối đạt trên 40%, thuế nhập khẩu là 0% theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do của khu vực ASEAN.
Với một mẫu xe A nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam, cách tính giá cơ bản nhất là: A = giá vốn x (1+%NK) x (1+%TTĐB) x (1+%VAT). Công thức này chưa kể phần giá tăng do liên quan đến các yếu tố như chi phí vận chuyển nội địa, kho bãi, chi phí tài chính, duy trì hệ thống bộ máy đơn vị nhập khẩu, marketing, bảo hành...
Với mức thuế nhập khẩu và TTĐB mới áp dụng cho thời điểm 2018 và giả sử những yếu tố còn lại không thay đổi, công thức giá xe tính lại như sau:
A = giá vốn x (1+%TTĐB) x (1+%VAT) = giá vốn x (1+35%) x (1+10%) = 1,5 x giá vốn.
Như vậy, nếu Wigo và Avanza của Toyota nhập khẩu Indonesia, Honda Jazz và Suzuki Celerio nhập Thái Lan, giá của chúng có thể gần gấp rưỡi giá xe xuất xưởng (giá vốn) ở các nước sở tại khi về Việt Nam. Cộng các chi phí khi về đến đại lý, giá xe lại tăng thêm.
Giả sử mẫu Toyota Wigo có giá vốn 150 triệu đồng tại Indonesia (giá sau thế là từ 9.900 USD), khi nhập về nước, mức giá chưa tính các chi phí khác đã là 225 triệu đồng. Đối thủ Kia Morning và Hyundai Grand i10 lắp ráp trong nước có giá bán sau thuế từ các đại lý lần lượt từ 315 triệu và 340 triệu.
Suzuki Celerio tại VMS 2017, một trong nhiều mẫu xe mới nhập khẩu từ ASEAN dự kiến có mặt tại Việt Nam trong 2018.
Phần giá vốn là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến giá xe nhập khẩu khi về Việt Nam và thấp hơn nhiều so với giá xe hiện hành trên thị trường nước sở tại. Bởi tại Indonesia, Thái Lan giá xe cũng chịu những khoản thuế, phí và bán hàng như Việt Nam.
Nếu không có những biến động về chính sách thuế, giá này sẽ có cơ hội cạnh tranh rất nhiều so với giá hiện tại mà Kia Morning hay Hyundai Grand i10 đang bán. Trong khi đó, cả Kia và Hyundai đều định hướng lắp ráp ở Việt Nam nên sẽ là thách thức cho các nhà làm chính sách.
Giả sử giữ nguyên thuế, các xe nhập như Wigo sẽ đánh bại xe lắp ráp và mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô gặp khó khăn. Các doanh nghiệp đang đặt mục tiêu tăng cường nội địa hóa sẽ không còn mặn mà. Nhưng nếu thay đổi thuế, Việt Nam sẽ phải tính toán kỹ để không vi phạm nguyên tắc của các tổ chức thương mại quốc tế.
Chỉ còn 4 tháng nữa để các cơ quan quản lý ra quyết định.
Phạm Trung