Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


CSGT có được phạt qua ảnh trên điện thoại?

CSGT có được phạt qua ảnh trên điện thoại?
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật cục CSGT (Bộ Công an), khẳng định CSGT cho người vi phạm xem hình ảnh trên điện thoại, máy tính bảng… là để tham khảo ban đầu.

Gần đây, vụ việc ông Nguyễn Cao Cường (quận 7, TP.HCM) khiếu nại các CSGT ở Đội 6, Phòng 10 (Cục CSGT, Bộ Công an) về việc xử lý vi phạm tốc độ được dư luận quan tâm.

Khi bị xử lý hành vi đi quá tốc độ, ông Cường yêu cầu đưa hình ảnh chứng minh thì được CSGT cho xem qua điện thoại cá nhân. Ông Cường cho rằng hình ảnh này không chứng minh được vi phạm, ngoài ra biên bản xử phạt không có dấu mộc của cơ quan nên không có giá trị.

Nhiều bạn đọc thắc mắc đặt câu hỏi: Người vi phạm có quyền đòi xem bằng chứng không, xem trên thiết bị nào là đúng luật? Biên bản xử phạt có cần phải có dấu mộc không?

Để trả lời những câu hỏi này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật Cục CSGT (C67, Bộ Công an).

CSGT Hà Nội hóa trang bắn tốc độ. Ảnh: Tuyến Phan

Xem qua điện thoại hay máy tính đều được

Theo Thượng tá Nhật, về tính pháp lý, máy đo tốc độ có ghi hình ảnh được lực lượng CSGT sử dụng đều đảm bảo thỏa mãn các điều kiện quy định tại Nghị định 165/2013. Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định người vi phạm có quyền được yêu cầu lực lượng CSGT cho xem hình ảnh chứng minh vi phạm.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật Cục CSGT (C67, Bộ Công an).

Thượng tá Nhật khẳng định CSGT cho người vi phạm xem hình ảnh trên điện thoại, máy tính bảng… là để tham khảo, biết được hành vi của mình. Nếu đủ điều kiện, CSGT sẽ cho người vi phạm xem hình ảnh (từ máy đo tốc độ có ghi hình ảnh) tại chỗ, trường hợp chưa có ngay hình ảnh thì khi người vi phạm đến trụ sở công an sẽ được xem. Hình ảnh gốc sẽ được in, lưu vào hồ sơ, là chứng cứ hành chính để chứng minh vi phạm.

“Điện thoại hay máy tính đều chỉ là vật truyền tải, bản chất là hình ảnh vi phạm được thể hiện dưới dạng file nên có thể truyền tới điện thoại hoặc máy tính thông qua hệ thống đường truyền” - Thượng tá Nhật giải thích.

Nếu cho rằng hình ảnh đó là cắt ghép hoặc chưa thỏa mãn, người vi phạm có thể khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính. Trường hợp người vi phạm nhất quyết không ký tên, CSGT vẫn có thể lập biên bản có chữ ký của người làm chứng.

Theo ông Nhật, có nhiều trường hợp vì không muốn thừa nhận vi phạm hoặc thiếu hiểu biết pháp luật nên đưa ra những yêu cầu vô lý với lực lượng CSGT.

Biên bản không cần có dấu mộc

Về biên bản không có dấu mộc, Thượng tá Nhật cho rằng người dân đang hiểu chưa đúng. Biên bản xử lý vi phạm hành chính theo quy định không cần phải có dấu mộc. Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ việc này. Ngoài ra, Nghị định 81/2013 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính) và Thông tư 34/2014 của Bộ Công an (quy định về các biểu mẫu để sử dụng khi xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của CAND) cũng không quy định biên bản vi phạm hành chính phải đóng dấu treo.

“Mẫu biên bản là do cơ quan có thẩm quyền ban hành, do người có thẩm quyền đang thi hành công vụ sử dụng nên không nhất thiết phải có dấu treo. Việc đóng dấu vào góc biên bản lâu nay là do thói quen của các đơn vị” - Thượng tá Nhật nói.

Biên bản vi phạm hành chính được quản lý chặt chẽ từ việc in, cấp phát, sử dụng và phải lập sổ sách theo dõi. Bản thân mẫu biên bản đã có số thứ tự và đóng theo quyển 100 trang, cơ quan chức năng căn cứ vào đây để quản lý, kiểm soát việc lập biên bản.

Thượng tá Nhật khẳng định khi lực lượng CSGT ra đường làm nhiệm vụ đã lập thành tổ công tác, mỗi chiến sĩ đều mặc trang phục cảnh sát, có biển số, thẻ chứng nhận tuần tra…, do đó không thể có chuyện sử dụng biên bản giả.

“Nếu nghi ngờ, người dân có thể gọi đến đường dây nóng của CSGT tỉnh/TP hoặc của Cục CSGT. CSGT thi hành nhiệm vụ mà sử dụng biên bản giả thì đương nhiên là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm” - ông Nhật nhấn mạnh.

Theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an, CSGT được hóa trang, bí mật trong các trường hợp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (núp, đứng chỗ khuất bắn tốc độ...).

Không chỉ mặc thường phục, CSGT bắn tốc độ còn có thể ngồi trên xe cải trang hoặc xe không phải của công an để làm nhiệm vụ.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây