Bất chấp gian lận, xe Nissan và Subaru vẫn đủ tiêu chuẩn
- Thứ tư - 15/11/2017 06:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
2017 là một năm nhiều sóng gió với ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Chỉ ít lâu sau khi tập đoàn Takata phá sản do bê bối túi khí, thép Kobe bị phanh phui không kiểm soát đúng chất lượng công bố, thì gần đây nhất đến lượt Nissan và Subaru là 2 hãng duy nhất phải thu hồi xe tại quốc gia này với nguyên nhân đến từ việc để những người không đủ thẩm quyền nghiệm thu sản phẩm ở bước cuối của dây chuyền.
Theo một người giấu tên có liên quan đến sự việc, Nissan đã thực hiện việc giám định gian dối trong gần 4 thập kỷ. Subaru thừa nhận họ đã vi phạm trong 3 thập kỷ. Đây được xem là vụ bê bối lừa dối người tiêu dùng suốt gần 40 năm của hai thương hiệu lớn Nissan và Subaru. Tuy nhiên, sự việc thực ra không quá nghiêm trọng như cách giới truyền thông loan truyền tin tức.
Xe Nissan và Subaru vi phạm pháp luật chỉ bị ảnh hưởng ở Nhật Bản
Chính phủ Nhật quy định rằng, các nhà sản xuất ô tô phải bổ nhiệm những nhân viên nhất định được chứng nhận để thực hiện khâu giám định cuối cùng cho những chiếc xe được lắp ráp tại đây (chỉ tại Nhật). Nhưng Nissan và Subaru đã để những người không được cấp quyền sử dụng con dấu của người có thẩm quyền thông qua cho những chiếc xe ra khỏi dây chuyền.
Các hãng xe được quyền tự lên chương trình riêng để đào tạo những chuyên gia giám định phương tiện khâu cuối cùng và trao chứng chỉ cho họ. Cả Nissan và Subaru đều yêu cầu giám định viên được đào tạo tại chỗ với những người đã có chứng chỉ. Họ đã vi phạm luật. CEO của hai công ty đều cho biết nhân viên trong phân xưởng không biết rằng việc làm như vậy là sai.
Đối với khách hàng mua xe Nissan và Subaru không phải tại Nhật Bản, vụ bê bối này không ảnh hưởng. Trong khi đó, chủ xe tại Nhật có thể sẽ được yêu cầu đưa xe đến đại lý. Nissan đã bắt đầu thu hồi khoảng 1,2 triệu xe. Chi phí mà hãng này phải bỏ ra ước tính khoảng 25 tỷ yên Nhật (gần 5.000 tỷ đồng). Subaru dự kiến thu hồi khoảng 225.000 xe.
Nhưng những chiếc xe có tuổi đời hơn 3 năm không bị triệu hồi. Vì luật pháp sở tại yêu cầu tất cả những phương tiện 3 năm sau khi được bán ra và đăng ký phải được giám định lại tại những nơi được chính phủ cấp thẩm quyền. Quy trình này tương tự, nhưng không giống hoàn toàn so với việc kiểm định bước cuối tại nhà máy. Do đó, giới hạn tuổi đời dành cho cả xe Nissan và Subaru là khoảng 3 năm.
Nissan ước tính việc thu hồi xe tiêu tốn khoảng 3,8% lợi nhuận ròng của công ty trong năm tài chính tính đến hết tháng 3 năm sau và 0,2% doanh thu của năm tài chính trước. 90% số lượng xe của Nissan bán ở thị trường ngoài Nhật Bản.
Các dòng xe Nissan và Subaru ngoài phạm vi nước Nhật đều đạt chất lượng
Bất chấp khủng hoảng, đến nay cả hai hãng xe này đều không bị tố tụng như Takata hay Volkswagen AG. Vì những chiếc xe đều trải qua rất nhiều giai đoạn kiểm tra sau mỗi quá trình tại dây chuyền, nên khả năng chiếc xe kém chất lượng đến được giai đoạn kiểm định cuối là rất thấp. Nissan đã nhiều lần khẳng định rằng, không có vấn đề liên quan tới chất lượng xe và việc thu hồi chỉ để thực hiện đúng thủ tục pháp lý. Subaru cũng cam kết xe của họ an toàn.
Có thể thấy, sự việc của Nissan và Subaru thực chất không đến nỗi quá nghiêm trọng như vụ bê bối túi khí Takata và thép Kobe. Dù vậy, uy tín của nền công nghiệp xe hơi Nhật Bản nói chung đã ít nhiều giảm sút trong lòng người tiêu dùng.