"U20 VN nên rèn luyện cơ bắp để thắng trận"
- Thứ ba - 30/05/2017 16:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tôi là một người rất yêu bóng đá. Gần đây, việc đội tuyển U20 Việt Nam tham dự FIFA U20 World Cup đã trở thành đề tài nóng của những fan hâm mộ bóng đá nước nhà và đương nhiên, tôi cũng không phải là ngoại lệ.
Tôi đã theo dõi những tin tức về đội tuyển khá thường xuyên từ lúc đội mới tập trung cho giải U19 châu Á năm ngoái, cho đến bây giờ khi những chàng trai đó trở thành đại diện cho tổ quốc tại sân chơi lớn nhất cho lứa trẻ.
Tôi đọc ý kiến của các fan hâm mộ trên mạng cũng nhiều, nhưng hiếm khi bình luận (cùng lắm chỉ là một vài dòng ngắn). Tuy nhiên, gần đây khi đọc những ý kiến sau trận thua 0-4 của tuyển U20 Việt Nam trước U20 Pháp, có quá nhiều tâm tư thôi thúc khiến tôi muốn viết một bài thật dài. Không phải chỉ là suy nghĩ của tôi về đội tuyển, mà còn muốn kể một câu chuyện khác, và từ đó gửi một thông điệp đến các fan hâm mộ Việt Nam.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đá bóng từ nhỏ. Tuổi thơ của tôi chỉ là những trận bóng ngoài đường bêtông, rồi theo chân các anh hàng xóm lăn lê đá ở những sân đất gần nhà. Thời học THPT, tôi tham gia đội tuyển trường thi đấu ở giải thành phố.
Đó cũng là lúc mà Hà Nội bắt đầu phổ biến sân cỏ. Khi đó, suy nghĩ của tôi từ sân bê tông, sân đất chuyển sang sân cỏ là một bước thay đổi rất lớn. “À, đá trên sân cỏ cảm giác như thế này đây! Không còn dùng được giày bata nữa rồi”. Tôi đã nghĩ vậy và luôn tự hào khoe với chúng bạn, lắm khi nói “tao bây giờ không phải đá sân đất nữa đâu mày ơi”. Đó là bước tiến đầu tiên trong việc đá bóng của tôi.
Chưa tốt nghiệp THPT, tôi sang Anh du học. Tất nhiên, một trong những lý do khiến tôi cố gắng đi du học bằng được ở xứ sở sương mù cũng là vì đây là quê hương của bóng đá, niềm đam mê lớn nhất của cuộc đời tôi. Ngoài việc học trên lớp, tôi cũng tham gia đội tuyển bóng đá trường.
Khi vào đại học, tôi cũng được chọn vào trong đội tuyển bóng đá sinh viên và tham gia một số giải. Tất nhiên vì thể hình không ăn thua với người châu Âu, mà lại đá trung vệ nên tôi không bao giờ được vào đội hình chính. Thế nhưng, đây cũng là một bước tiến nữa trong việc đá bóng của tôi, chuyển từ tư duy sân 7 sang sân 11.
Tư duy sân 7 và tư duy sân 11 khác nhau như thế nào? Trước đây khi ở Việt Nam, mỗi khi ra sân tôi đều có một “tư duy sân nhỏ” như sau: cố gắng phải giữ bóng thật tốt, di chuyển nhanh, chuyền ngắn thôi chứ không nên chơi bóng dài. Muốn thắng thì phải giữ bóng tốt hơn họ và ban bật thật nhuần nhuyễn. Đó cũng là lối đá của nhiều đội bóng “phủi” nổi tiếng ở Việt Nam.
Và tôi thấy theo như nhiều fan bóng đá bình luận, đó cũng là kim chỉ nam hướng đến thành công của nền bóng đá nước nhà. Vậy còn “tư duy sân to” thì sao? Sân 11, với một diện tích to gấp 4 lần sân 7, cần một nền tảng thể lực cực kỳ lớn để duy trì nhịp độ thi đấu như mong muốn.
Người Việt Nam vốn nhỏ con, có thể có bước chạy bức tốc rất nhanh trong 20 mét đầu, nhưng chiều dài của sân 11 thường khoảng 100 mét. Với độ dài như vậy, đua tốc độ dọc theo sân với những cầu thủ to khỏe hơn của châu Âu là rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Vậy làm thế nào để cầm bóng, chuyền bóng thật chắc trên sân 11 và hạn chế đua thể lực?
Chuyện này nghe thì dễ, nhưng làm thì khó. Trên sân 7, khoảng cách giữa các cầu thủ là rất nhỏ, việc chuyền bóng dính vào chân nhau khá đơn giản. Nhưng trên sân 11, đó là một câu chuyện khác. Cùng với một lực chân, thời gian bóng đến chân đồng đội trên sân 11 có thể dài gấp 2-3 lần trên sân 7.
Trong khoảng thời gian này, một cầu thủ nhanh hơn chỉ cần vài bước chạy là có thể cắt được đường chuyền. Thậm chí, nếu họ không nhanh hơn nhưng chỉ cần khỏe hơn, họ chỉ cần một cú huých nhẹ đã có thể làm ta ngã.
Rất nhiều bạn đọc có mong muốn đội tuyển Việt Nam đá theo phong cách ban bật, thêu hoa dệt gấm như Barcelona. Tuy nhiên, để đạt đến trình độ thượng thừa như vậy trên sân 11 người, cầu thủ cần một tốc độ siêu việt và một nền tảng cơ bắp đủ khỏe để bù đắp cho sự thiếu hụt về chiều cao.
Các bạn có thể thấy Messi, Suarez hay Alexis Sanchez có cơ bắp to ra sao. Với các cầu thủ trẻ Việt Nam, tôi e rằng họ chưa có điều đó. Vậy nên khi U20 Việt Nam quá thua thiệt, không thể cầm nổi bóng trước U20 Pháp, mong các bạn đừng trách các em. Rõ ràng là, khi người Việt Nam có thể hình tốt hơn một chút, các cầu thủ sẽ không mất quá nhiều sức khi thi đấu: bật lên đánh đầu sẽ cao hơn, bước chạy sẽ dài hơn, lực sút sẽ tốt hơn.
Nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để phát triển thể trạng cầu thủ Việt Nam? Sau hơn 6 năm sống ở Anh, tôi qua Nhật sống và hiện tại đang làm việc tại Nhật. Tại đây, tôi có dịp quan sát cách người Nhật đào tạo cầu thủ trẻ. Theo thống kê, hiện tại chiều cao trung bình của con trai Việt Nam là 162 cm, tức là ngang với con trai Nhật vào năm 1950.
Tất nhiên, việc tăng trưởng chiều cao không phải là vấn đề đơn giản, nó còn phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề kinh tế, giáo dục... Thế nhưng, với những người có đam mê và có ý định nghiêm túc với một môn thể thao, thì những thanh niên Nhật đã làm gì để phát triển cơ thể họ một cách tốt nhất?
Tôi có tập gym cùng một cậu bạn người Nhật, là thủ môn chính cho một trường đại học. Hàng ngày, cậu học xong lại ra tập cùng đội trên sân. Tập xong các bài tập ấy, cậu lại vào phòng gym tập các bài tập bổ trợ: cơ chân, lưng, bụng, tay… Cậu luôn mang theo một cuốn sổ, ghi chép lại quá trình tập luyện một cách cực kỳ nghiêm túc.
Điều khiến tôi khâm phục nhất, đó là tại phòng gym nơi tôi đang tập thì ngoài cậu, có rất nhiều sinh viên Nhật thi đấu cho các CLB thể thao của trường cũng đang tập những bài tập bổ trợ để nâng cao khả năng của bản thân. Bóng bầu dục có, bóng bàn có, cầu lông cũng có.
Dù họ chỉ là những học sinh – sinh viên bình thường, nhưng cách họ tập luyện thì nghiêm túc và trách nhiệm không kém gì những vận động viên trẻ chuyên nghiệp. Điều này cũng lý giải vì sao, rất nhiều ngôi sao của đội tuyển Nhật Bản đã từng được chọn thẳng từ những giải sinh viên. Nói đến Nhật là vậy, nhưng còn Việt Nam thì sao?
Tại Việt Nam, tôi cũng có không ít bạn bè quen trên các sân bóng phủi, và đã từng là những cầu thủ nòng cốt của các đội sinh viên tại các trường đại học Việt Nam. Khi tôi hỏi rằng thời gian rảnh có tập luyện thêm gì không, họ luôn đi kèm những câu chuyện về việc hút thuốc, hút bóng cười, hút đủ thứ và những câu chuyện về nhậu nhẹt. Tất nhiên, không phải ai cũng thế, nhưng nó tạo cho tôi một cảm giác là người trẻ Việt chưa chuyên nghiệp trong việc luyện tập thể thao.
Điều này gián tiếp dẫn đến việc thể trạng của thanh niên Việt Nam sau 27-28 tuổi bắt đầu đi xuống, trong khi đó bạn có thể dễ dàng gặp một người đàn ông Nhật hoặc Anh với thân hình 6 múi dù đã đến ngưỡng gần 40. Đến ngay cả một trung vệ xuất sắc như Huy Hoàng của Sông Lam Nghệ An còn từng bị bắt gặp trong tình trạng ngáo đá, thì chúng ta liệu có còn hy vọng về sự chuyên nghiệp của thể thao nước nhà?
Vậy nên, câu chuyện về đội tuyển U20 Việt Nam dự World Cup dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn là một câu chuyện đáng để hy vọng. Trong lần tham dự U20 World Cup này, chắc chắn đội tuyển Việt Nam không thể đi xa. Thế nhưng, những gì các em học được từ những lần cọ xát với các đối thủ hàng đầu thế giới mang nhiều giá trị hơn chúng ta nghĩ: học từ cách thi đấu, cách chuẩn bị trận đấu, cách ăn ngủ, nghỉ, sinh hoạt…
Có thể các em sẽ không vào được vòng knock-out, và sẽ bị thủng lưới hơn chục quả, nhưng biết đâu những kinh nghiệm đó sẽ giúp các em chinh phục được vàng ở AFF Cup, SEA Games. Xa hơn nữa, biết đâu 30-40 năm nữa các em sẽ trở thành một thế hệ HLV, chủ tịch CLB mới với tư duy vô cùng chuyên nghiệp (như Công Vinh bây giờ vậy).
HLV Hoàng Anh Tuấn, một người được tu luyện khắp thế giới và đã trải qua những khóa huấn luyện khắc nghiệt của UEFA, thừa hiểu điều đó. Đây là tiền đề để thay đổi bóng đá Việt Nam. Tôi chỉ mong các bạn fan hâm mộ cũng hiểu điều đó, và hãy thật kiên nhẫn chờ ngày bóng đá nước nhà thành công.
>> Xem thêm: Bóng đá Việt như 'hội làng'
Lê Quang HuyVideo được xem nhiều: Chàng trai leo cây gỡ tảng mật ong rừng nặng 5 kg
Chia sẻ video, bài viết của bạn tại đây .