Tương lai bóng đá Việt Nam không dựa vào một trận đấu
- Thứ tư - 30/08/2017 18:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bà Nguyễn Thị Thu Phương - Tổng giám đốc VPMilk, nhà tài trợ sữa chính thức cho đội tuyển bóng đá quốc gia - chia sẻ quan điểm: dù các cầu thủ đã thua nhưng không nên "ném đá" họ, cần tìm lý do vì sao Việt Nam sở hữu nhiều tài năng nhưng thường thất bại trước các trận then chốt.
SEA Games 29 của môn bóng đá nam kết thúc tối 29/8 khi Thái Lan một lần nữa lên ngôi vô địch. Điều đáng nói là chính thủ môn của Malaysia “tặng” cho Thái Lan một bàn thắng sau khi đấm bóng phản lưới nhà từ một pha phạt góc.
Malaysia gục ngã kể từ sau bàn thua đó. Ngồi trước màn hình tivi, tôi nhớ lại trận U22 Việt Nam gặp Thái Lan vào tuần trước. Thua Thái Lan khiến U22 Việt Nam tan mộng HCV SEA Games. Trên trang cá nhân của một người quen xuất hiện những dòng trạng thái đượm buồn sau khi rời sân vận động Selayang. Trước khi sang Malaysia, họ hy vọng sẽ cùng đội bóng của Công Phượng, Quang Hải, Tuấn Anh... đi đến trận chung kết. Thế nhưng quả bóng thì tròn và chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Khi U22 Việt Nam trở về sau thất bại trên đất Malaysia, chỉ có vài chục cổ động viên chờ đón thầy trò HLV Hữu Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cảnh tượng không kèn, không trống ấy được dự báo trước sau nỗi chua chát từ thất bại ở SEA Games 29.
Cảm xúc lấn át kỳ vọng, cuộc công kích của cộng động đẩy U22 Việt Nam vào thế chịu trận. Không phải cầu thủ nào cũng gồng mình như Xuân Trường khi đối diện với những chỉ trích: “Bọn em đã vào trận với rất nhiều vết đau trên thân thể, đã cố gắng hết mình và không đáng bị nhận chỉ trích, chửi rủa...”.
Bà Nguyễn Thị Thu Phương - Tổng giám đốc VPMilk.
Việc Công Phượng lấp lửng chuyện giải nghệ trên trang cá nhân, thủ môn Phí Minh Long tránh né trả lời các câu hỏi trong buổi tập trung chuẩn bị cho trận đấu gặp Campuchia ngày 5/9 giống như ẩn ý về nỗi cay đắng mà các cầu thủ U22 đã nếm trải: yêu và giận luôn nằm ở hai đầu thái cực. Liệu có cảm xúc cân bằng vào lúc này thay vì dồn hết sự giận dữ vào lứa cầu thủ được xem là tài năng, tại sao không dạy và đầu tư cho thế hệ này biết cách đứng dậy sau thất bại?
Tại SEA Games 2007, U23 Việt Nam thua Myanmar tại bán kết và HLV A.Riedl đã phải từ chức ngay trên đất Thái. Một năm sau, chính lứa cầu thủ gây thất vọng ở Korat như Công Vinh, Tấn Tài, Quang Thanh... đã đưa tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2008. Đương nhiên, ngoài việc lứa cầu thủ ấy chín chắn hơn thì chuyện tạo ra điểm tựa giúp họ đứng dậy sau thất bại là yếu tố cốt yếu.
Câu chuyện cũ, thời điểm cũ nhưng bài học luôn có ý nghĩa. Thứ cần nhất sau cuộc khủng hoảng vì thất bại ở SEA Games 29 là trao cho Công Phượng, Tiến Dũng, Quang Hải... chính là niềm tin. Hay hiểu đơn giản hơn tiếp tục đầu tư một cách quyết liệt mới là mấu chốt.
Ở góc độ người hâm mộ, tôi nhận thấy lứa cầu thủ U22 Việt Nam tài năng và nhiệt huyết. Không tự nhiên mà có đến năm cầu thủ Việt Nam có mặt trong đội hình tiêu biểu của vòng bảng SEA Games 29 do FOX Sport bình chọn. Bên cạnh những mặt mạnh, tâm lý, bản lĩnh và thể lực vẫn là những hạn chế cần cải thiện.
Sau trận U22 Việt Nam thua Thái Lan, nhiều bạn bè, đồng nghiệp và cả một số doanh nhân hỏi tôi rằng kết quả này có khiến tôi thất vọng và ảnh hưởng gì đến giá trị thương hiệu khi VPMilk là nhà tài trợ sữa chính thức của Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam?
Thú thật là tôi buồn như hàng chục triệu người hâm mộ, nhưng thất vọng thì không. Khi quyết định đồng hành cùng các đội tuyển bóng đá nam nữ, hơn ai hết tôi hiểu đã dấn thân với trái bóng tròn, chiến thắng hay thất bại đôi khi chỉ là khoảng cách rất mong manh.
Hơn nữa, chúng tôi không tài trợ một giải đấu mà hướng đến đầu tư dài hạn cho đội tuyển để cải thiện thể lực, tầm vóc chinh phục "Giấc mơ lớn Việt Nam." Tuy nhiên, lúc này thể lực quan trọng một, nhưng giúp các cầu thủ lấy lại niềm tự tin của các cầu thủ quan trọng gấp 10.
Nhà tài trợ VPMilk cùng các cầu thủ.
Thực tế cho thấy, U22 Việt Nam thua U22 Thái Lan về tâm lý chứ không thua trình độ. Chỉ vì kết quả một trận đấu mà lên án các em, chúng ta khó giải quyết bài toán tâm lý cho các cầu thủ trước những trận đấu quan trọng. Nhìn xa hơn, đá bóng một nghề, đừng vì những cảm xúc nhất thời làm tổn thương khiến các cầu thủ không được sống trọn vẹn với ước mơ nghề nghiệp của mình.
Kiên nhẫn lúc này là hết sức cần thiết.
Việt Nam không thể thiếu bóng đá. Khi xác định được những việc cần làm để phát triển bóng đá thì đầu tư bài bản và đường dài. Như câu chuyện uống sữa, không thể một sớm một chiều là cải thiện chiều cao, thể lực mà cần duy trì dài hơi cho lứa cầu thủ trẻ, thậm chí là những em út của Công Phượng, Xuân Trường...
Tương tự câu chuyện bóng đá, tương lai của môn thể thao vua không chỉ căn cứ vào một trận đấu.
Niềm tin của tôi về bóng đá nước nhà vẫn mãnh liệt khi được chung vui niềm hạnh phúc với HCV SEA Games của đội tuyển nữ Việt Nam. Tôi tiếp tục chờ đợi tin chiến thắng từ sân Olympic - Phnom Penh vào ngày 5/9 - nơi đội tuyển nam gặp Campuchia trong khuôn khổ vòng loại Asean Cup 2019.
Nguyễn Thị Thu Phương