Thịt heo rớt giá thảm: Lỗi của người nông dân
- Thứ tư - 03/05/2017 14:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài phân tích về nguyên nhân người dân Việt Nam hay lâm vào tình cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa".
Tôi cảm thấy giống như phát bệnh khi nghe rằng thịt heo đang dội hàng, giá rẻ nhất thế giới.
Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thu mua, trữ đông, tìm nguồn ra, quản lý lợn nái... đây là những biện pháp đúng đắn và cần thiết trong thời gian ngắn. Trước đây những biện pháp này đã được áp dụng, nhưng người nông dân dường như miễn nhiễm với những bài học đắt đỏ trong nông nghiệp. Mặc cho cả xã hội cố gắng, mặc cho nhà nước lo toan, người nông dân cứ làm những gì mà họ đã làm đi làm lại từ hàng chục năm nay.
Tôi lớn lên ở miền Tây. Trong 18 năm tuổi thơ, tôi đã chứng kiến nhiều đợt được mùa mất giá: từ hạt tiêu, dừa khô, nhãn, chôm chôm, táo (loại hạt cứng), vú sữa, bưởi, cam... Mỗi đợt quy mô khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ những người bị ảnh hưởng bèn thôi, không trồng loại cây đó nữa. Nên tôi đã thấy những chuyện quái gở như củi nhãn, củi chôm chôm, cam rụng đầy vườn, cây tiêu khô trên những cột leo...
Đó là lúc internet chưa phát triển còn những phương tiện truyền thông khác thì ít hiệu quả. Sau này thì chúng ta lại thấy phong trào cứu chuối, cứu dưa, cứu thịt heo, cứu hành tím, may là chưa ai đi cứu ớt.
Sinh viên Sài Gòn bán chuối cứu nông dân Đồng Nai
Nguyên nhân của việc được mùa mất giá có nhiều: thị trường xuất khẩu đột nhiên không nhập hàng, thị trường trong nước bị dội hàng, nông sản chất lượng quá kém khiến người tiêu dùng bỏ chạy... Nhưng quan trọng nhất vẫn là người nông dân tham gia phong trào trồng "cây thế mạnh".
Cái bệnh "phong trào" nó vốn trầm kha trong cả xã hội Việt Nam, từ trong cuộc sống thường ngày tới việc làm ăn nuôi trồng. Người tiêu dùng có bỏ món chè khúc bạch hay bún đậu mắm tôm thì không thiệt hại gì cho chính họ, còn người bán thì rất đau khổ.
Nhưng người nông dân là đau khổ nhất. Quán bán bún đậu có thể cải biên thành bún riêu trong phút chốc chứ còn trồng cây khác thì phải mất ít nhất là một năm. Vậy mà điều đó đâu khiến người nông dân chùn bước, họ dũng cảm tới mức cây nhãn trồng 5 năm cũng chặt, cây chôm chôm suốt 10 năm cũng đốn. Dưa hấu, cải bắp, súp lơ thì chỉ việc cho bò ăn rồi đi cải tạo đất trồng cái khác.
Sinh viên "giải cứu" dưa hấu cho nông dân Quảng Ngãi