Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Thảo Tươi: Từ người bay đến "bà Tị"

Thảo Tươi: Từ người bay đến "bà Tị"
Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương ngành tiếng Pháp thương mại, đã từng làm việc tại một số công ty về truyền thông, thử sức trong kinh doanh nhưng rút cục Nguyễn Thị Phương Thảo lại “nhùng nhằng” với nghệ thuật. Cô gái 24 tuổi thổ lộ “Thu nhập chính là nhờ môn nhảy múa mà tôi học tại câu lạc bộ sinh viên”.

Tranh của Nguyễn Văn Hổ.

Cô gái tháp bay

Khi Thảo kể chuyện về mình ở ngoài đời hay trên Facebook, bố mẹ của cô gần như là những nhân vật chính, truyền cảm hứng. Bố là công nhân, mẹ là kế toán trường tiểu học ở Chí Linh (Hải Dương), từ lúc bé Thảo đã được bố mẹ cho đi học guitar, organ, thấy con có giọng họ kỳ vọng con gái sau này lên Hà Nội thi Nhạc viện.

Thảo bé nhỏ, không xinh đúng như cô tự nhận nhưng tươi, nói chuyện có duyên. Thời đầu lấy nick Facebook “tươi cười toe toét” vì khẩu hình bẩm sinh cười và do hài hước nên Thảo luôn tả về mình thậm xưng lên một tí. Có lần thử đặt nick TiTi Thảo cho có vẻ tây tây, rồi thấy chả ai nhớ lại bỏ.

Tên Thảo Tươi là do đạo diễn Phi Phi Anh đặt hồi 2012. Mọi người nghe thấy hợp, thế là lấy luôn làm nghệ danh từ đó. “Tôi cá tính và sinh động là thừa hưởng ưu điểm, cách giáo dục và sự tin tưởng con của bố mẹ”. Thảo yêu lần đầu, bố chẳng tò mò can thiệp chỉ nói mỗi câu “nó thấy yêu thì hẳn cậu đó có lý do để yêu”. Lúc Thảo bỏ người đó, bố lại nói “nó bỏ hẳn phải có lý do. Tôi tin con gái tôi tuyệt đối”.

Vừa đỗ ĐH Ngoại thương Thảo đã xin nhập Câu lạc bộ (CLB) Dancing của trường. Thi tuyển thêm vào CLB Music, Thảo bị trượt. Lúc đó cô khá sốc, sau này nghĩ lại thấy cũng phải “cùng có giọng nhưng tôi xấu và đen thì họ phải chọn người xinh hơn chứ”.

Trong CLB Thảo chọn HipHop một thời gian sau chuyển sang tập cheerleading (nhảy cổ vũ) đội Pinky của trường. Môn nhảy này đòi hỏi sức khỏe, khổ luyện, động tác mạnh mẽ, dứt khoát, đe dọa chấn thương, là môn thể thao nguy hiểm thứ hai sau bóng chày. Hồi đầu do khả năng kém cỏi, ngoại hình không bắt mắt, cô bị xếp vào vị trí khuất. Nhiều lần phải khóc vì ngã bầm giập cơ thể và tủi thân nhưng cô vẫn theo tập bằng được.

Cầm sách học bài cũng trong tư thế áp tường xoạc chân thẳng căng. Tới một lần nhờ lợi thế thấp bé nhẹ cân cô được chỉ định thay vị trí của một flyer (người lên tháp và thực hiện các động tác trên không - nên gọi là “người bay” không sai) bị chấn thương, Thảo đã làm rất tốt.

Cơ duyên với nhảy cổ vũ đã gắn bó với cô tới tận bây giờ. Từng có hai năm giữ chức đội trưởng, sau đấy đã có những bạn trẻ kế tiếp nhưng trong mắt các fans, Phương Thảo luôn là flyer chuyên nghiệp nhất đội cheer Pinky ĐH Ngoại thương.

Huấn luyện viên Hà My, đội Pinky từng nhận xét: “Chưa ai ở Việt Nam có thể thực hiện tháp bay đẹp được như Thảo”. Một số huấn luyện viên người Singapore cũng cho rằng, Phương Thảo là một flyer rất có năng lực. Vui vẻ, hoạt náo, Thảo ở đâu không khí rộn ràng ở đó đúng như tên gọi gắn với cô từ thời phổ thông “linh hồn của những cuộc vui”.

Thảo Tươi biểu diễn tháp bay.

Mặc dù đang liên quan đến nhiều thể loại nhảy khác, cheer vẫn là tình yêu cồn cào trong cô gái này. “Cheer giúp tôi từ đứa có tầm nhìn 1,5m được thấy mọi vật ở độ cao 7 - 8m. Nó giúp tôi từ chỗ toàn phải ngước nhìn mọi người trở thành mọi người phải ngước nhìn tôi”.

Thảo cùng đội của mình đã giành được nhiều huy chương và giải thưởng trong các cuộc thi cheerleading trong nước và khu vực Đông Nam Á. Tuổi 24, với cô chưa là cản trở cho môn mạo hiểm này. “Mặc dù đã ra trường, hầu như mỗi ngày rảnh tôi vẫn tập luyện cũng các em trong CLB trường. Có cơ hội chúng tôi lại lên đường đi thi đấu, cũng là kết hợp du lịch luôn”. Thảo tuyên bố “chưa sẵn sàng chia tay với cảm giác bay tháp tuyệt đỉnh đó đâu”.

Thảo Tươi trong đồng phục đội cheerleading Pink. Ảnh: Đỗ Tặng.

Từ Chim non đến bà Tị

Năm 2012 du học sinh, đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN) về nước tuyển diễn viên cho vở nhạc kịch đầu tay “Góc phố danh vọng”. Thảo cùng nhiều bạn bè trong CLB Dangcing và Music của trường đi thử vai.

Có giọng hát, nhảy đẹp, thể hình bé nhỏ cô được nhận vai Chim non và một vài màn múa tập thể của vở diễn. “Góc phố” thành công bất ngờ, nhóm Chim non ngộ nghĩnh nhận được cảm tình của khán giả nhiều hơn dự kiến. Lúc đó báo chí chỉ tập trung viết về PPAN và vai nữ chính Roxanne (Việt Nga) nhưng Thảo và nhiều vai phụ khác cũng đã thấy vui và thỏa mãn với trải nghiệm nhạc kịch lắm rồi.

Gần một năm sau, PPAN lại từ Mỹ trở về với dự án kép dựng “Góc phố” phiên bản mới và ra mắt vở nhạc kịch thứ hai “Đêm hè sau cuối”. Thảo Tươi nhẹ nhàng vượt qua vòng tuyển vào vai trợ lý thám tử trong vở “Đêm hè”, đương nhiên vai Chim non của vở đầu tiên vẫn được giữ nguyên cho cô.

Trong quá trình tập, thấy vai diễn bị nhạt, thiếu hợp lý, cô thắc mắc với đạo diễn. PPAN có cùng cảm nhận, anh thay đổi nhân vật trợ lý từ cô gái trẻ thành bà già có máu trinh thám. Thảo 21 tuổi vào vai bà già phá án tưng tửng và bùng nổ. Những câu thoại cô tự nghĩ ra làm rộ không khí khán phòng. Hầu hết lời thoại ngẫu hứng sau đó được giữ lại trong kịch bản.

Dư chấn của bà Tị trong dự án kép nhạc kịch làm nhòa một số vai chính. Hiệu ứng bà Tị và “Đêm hè” một lần nữa vượt ngoài dự kiến của PPAN. Nhiều khán giả tự thay tên vở “Đêm hè” thành “Bà Tị”. Ekip sản xuất quảng cáo mùa nhạc kịch mới cũng kích thích người hâm mộ bằng lời quảng cáo “Phòng vé Bà Tị sắp mở cửa”.

Mùa hè 2016 này, đạo diễn PPAN tốt nghiệp về nước, khởi động dự án Hope 35 đêm nhạc kịch với “Góc phố”, “Đêm hè” phiên bản mới và “Mộng ước không xa vời” ra mắt lần đầu. Ngoài việc tiếp tục làm Chim non và bà Tị, năm nay Thảo được giao cùng Vũ Đỗ Quang Minh biên đạo múa cho cả ba vở của dự án.

Sát ngày công diễn “Đêm hè” của 2016 Thảo tỏ ra lo lắng: “Thành công của bà Tị 2013 là một áp lực. Tôi không còn hồn nhiên như 3 năm trước, đã trải qua một cuộc tình, là cô giáo đi dạy múa cho các em nhỏ, ở vị trí biên đạo đã có lúc mắng mỏ mọi người. Diễn kiểu chọc cười có lẽ không còn hợp với tôi và với tinh thần của cả vở nữa”.

Hình ảnh bà Tị của Thảo Tươi.

Trong đội cheer Thảo tự tin tuyệt đối nhưng ở bên PPAN cô không chắc chắn mình giỏi. Thấy biên đạo không ổn, đạo diễn 9X bĩu môi chê tại chỗ “động tác gì mà quê thế, cũ thế!”. Còn 6 ngày nữa diễn mở màn “Đêm hè”, Thảo tiếp tục nỗi băn khoăn lặp lại từ hai mùa nhạc kịch trước.

Mùa đầu vào vai Chim non, cô chẳng dám mời gia đình lên Hà Nội xem vì sợ bố mẹ kêu “nhí nhố”. Mùa hai, có vai bà Tị nhưng trong mọi poster không hề thấy mặt bà Tị. Thảo ái ngại không biết mình ở mức nào mà khoe. Nói khó mãi, mẹ Thảo mới chịu lên xem.

Lần đầu xem nhạc kịch, chứng kiến hiệu ứng khán phòng với vai diễn của con gái , lúc ra về mẹ Thảo nói “Đúng là con đã lún quá sâu vào vụ này rồi. Khó mà ra nổi”. Cũng sau đêm diễn, mẹ Thảo hiểu ra “con mình hình như cũng có năng lực gì đó…”.

Trong lúc đang khó hiểu vì chưa thấy mặt bà Tị trong những poster mùa 2016, Thảo thầm lý giải “giấu mặt bà Tị là một ý đồ của PPAN. Có thể anh ấy muốn khán giả bất ngờ?”. Mọi suy diễn sai bét khi Thảo bỗng thấy hình ảnh bà Tị to đùng trên poster đặt ở nhiều địa điểm sang chảnh cùng lúc.

Kinh doanh, du học hay nhạc kịch?

Thủ lĩnh tháp bay cảm thấy mình may mắn khi được làm con gái của bố mẹ thông minh, hóm hỉnh và tôn trọng con tuyệt đối. Nhờ kinh doanh thêm phòng karaoke và một hãng taxi nho nhỏ, kinh tế gia đình Thảo khá ổn định. Bố mẹ cho cô toàn quyền lựa chọn, về nhà mở rộng và đứng ra quản lý quán karaoke hoặc tự kinh doanh hoặc đi du học thạc sĩ.

Tốt nghiệp xong Thảo xin tự kinh doanh tại nhà cùng lúc ba nội dung: mở cửa hàng thời trang, quầy bán gà rán và lớp dạy nhảy. Cầm 90 triệu tiền vốn mẹ cấp, Thảo sang Quảng Châu mua một lô mẫu thời trang cá tính lạ mắt. Cô dự định tạo thương hiệu bằng hình ảnh cô chủ học Ngoại thương, có chất nghệ thuật nhưng buồn thay giới trẻ thị trấn không thưởng thức được ý đồ và mẫu thời trang “kỳ cục” mà Thảo mang về.

Đống quần áo ế lay lắt, phải đổ ra sân nhà bán thanh lý 20-30 nghìn đồng/chiếc. 200 cái balo đánh về muộn mùa khai giảng phải chất kho. Nhiều lần Thảo tha lôi lên Hà Nội nhờ bán tại các hội chợ mà giờ vẫn tồn đọng. Quầy gà rán thưa khách có lẽ do gia vị ướp không hợp với người sở tại. Lớp nhảy cũng không trúng nhu cầu người thị trấn. Dẹp cả ba tiệm, mẹ Thảo chẳng trách móc gì chỉ bảo “cứ phải thử mới biết kinh doanh khó thế nào”.

Bố mẹ tuyên bố để một khoản lớn cố định cho con gái: Nếu con mua căn hộ thì thôi đi du học. Tùy con quyết định. Đang làm hồ sơ đi du học ngành quảng cáo ở Úc thì đùng một cái đạo diễn PPAN gọi từ Mỹ: “Anh sắp về hẳn, khởi động dự án 6 tháng….”. Thế là Thảo như lên cơn “vật sân khấu”, bảo lưu vô thời hạn hồ sơ du học, buông bỏ tất để theo tiếng gọi trái tim. “PPAN luôn xuất hiện đúng lúc tôi đang hoang mang”.

“Tôi cảm thấy cuộc đời mình đi lên từ vai Chim non. Ở đấy tôi gặp được những người giỏi nhất. Những mối quan hệ đã giúp tôi được làm công việc mình yêu thích mà lại kiếm được tiền”. Thảo hy vọng “biết đâu đấy nếu dự án Hope thành công, tôi lại tiếp tục được PPAN mời cộng tác dự án mới”.

Thảo sẽ chẳng phải ân hận việc từ bỏ du học nếu đọc được những lời PPAN viết sau đây: “Nếu không có Tươi, tôi sẽ không bao giờ làm được “Góc phố” hay “Đêm hè”. Không phải vì vai diễn Chim Non hay vai diễn bà Tị, mà là vì nguồn năng lượng bừng bừng mà bạn ấy tỏa ra, nó khiến tất cả những người khác đều phải sống động theo. Nó làm tất cả mọi người nghiệp dư trong đoàn tôi cũng muốn đứng lên để diễn thật sâu, thật hay”.

Theo Hoàng Hoa

Tiền phong

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây