Người miền Trung kiên cường từ trong bão lũ
- Thứ năm - 20/10/2016 22:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cơn lũ lịch sử nhấn chìm miền Trung đã đi qua, hình ảnh tan hoang sau đó khiến đồng bào cả nước phải nghẹn lòng xót xa. Hàng nghìn ngôi nhà chìm trong dòng nước lũ, những con đường, đồng ruộng hóa thành sông.
Vậy là bao mồ hôi công sức tằn tiện, chắt chiu nhiều năm của người miền Trung đã bị “cơn hồng thủy” cuốn phăng ra sông, ra biển. Giờ đây họ hoàn toàn trắng tay. Trong cơn hoảng loạn thất thần, 30 người chới với giữa lòng nước dữ và từ đó vĩnh viễn không trở về với gia đình, người thân.
Vết thương do thảm họa môi trường chưa hết nhức nhối, người dân nghèo bốn tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh lại nếm chịu thảm cảnh thiên tai: một cơn lũ lớn chưa từng thấy trong nhiều năm.
Thương sao đứa trẻ mới chào đời chưa tới mười ngày đã phải cùng mẹ đi lánh lũ tại một ngôi trường, trong cảnh chen chúc, chật chội, bức bối. Xót xa thay những người mẹ, người cha từ trên xó nhà nhìn xuống dòng nước mà bất lực: ngày mai gia đình sẽ sống sao đây khi hoa màu, cây cối, gia súc, gia cầm, vật dụng chẳng còn chi?
Nhói lòng cảnh nhà dân có tang quyến trong đợt lũ dâng, nhiều người thân chỉ biết đứng nhìn từ bên này sông khóc lạy người quá cố. Nước dâng lên ngập bàn thờ, có gia đình ở Quảng Hóa (Quảng Bình) phải ôm lư hương, di ảnh của cha mẹ vừa mới mất cùng đi tránh lũ, khiến bao người chứng kiến xót xa, chạnh lòng.
Nói chi người, nhìn con vật trong cơn lũ ta đã thấy mủi lòng. Cảnh một con bò bị ngập sâu được chủ cột dây vào đầu, kéo hếch cái mũi lên để thở ngoi ngóp trong biển nước.
Qua hoạn nạn ta hiểu hơn về miền Trung, đó là mảnh đất hẹp, mặt hướng về biển Đông, lưng quay về dãy Trường Sơn hùng vĩ. Vì vậy, dân miền Trung luôn phải hứng chịu thiên tai dồn dập quanh năm, hạn hán chưa qua, bão lũ đã tới.
Sống trong thách thức thường trực, người miền Trung hay chịu sự bức bối. Có người cho rằng, thiên nhiên khắc nghiệt đã làm cho tính cách người miền này khí khái, quyết liệt. Với họ, mọi vấn đề phải rạch ròi, dứt khoát, chứ không thể nửa vời, dĩ hòa vi quý. Nói nôm na là “thà mất lòng trước, đặng được lòng sau”, “có chết cũng nói”, “chết đứng hơn sống quỳ”.
Lịch sử đã chứng minh sự nổi dậy quyết liệt của người miền Trung vì chính nghĩa. Xô Viết Nghệ Tĩnh là một ví dụ điển hình cho tinh thần bất khuất, kiên cường của nhân dân miền Trung, là cuộc khởi nghĩa đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam kể từ khi ra đời.
Còn biết bao tấm gương yêu nước, hết lòng vì cách mạng của người miền Trung mà hình ảnh của họ trở thành bất tử trong lòng dân tộc, đó là mẹ Suốt, mẹ Tơm, mẹ Thứ, mẹ Nhu, 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, chị Trần Thị Lý, anh Nguyễn Văn Trỗi ...
Hứng chịu thiên tai, quen với đói nghèo, cơ cực, tấm lưng miền Trung bao đời oằn cong để đỡ cho hai đầu đất nước, sức chịu đựng của người miền Trung quả thật phi thường. Mảnh đất tạo nên con người miền Trung cần cù, chịu thương chịu khó, tiết kiệm, hiếu học.
Không may mắn như người miền khác, người miền Trung nếu không cần kiệm, chắt chiu, dành dụm thì lấy gì xoay xở những khi mùa màng thất bát, thiên tai ập đến bất ngờ ? Vậy đừng hỏi sao người miền Trung ít hào phóng, ăn chơi “tới bến”. Ăn chắc mặc bền là cách ứng xử của họ với thiên nhiên không lấy gì gọi là ưu đãi.
Miền Trung là đất học, sản sinh nhiều nhân tài. Thiên nhiên khắc nghiệt, cuộc sống cay đắng đã tạo nên trong họ nhu cầu bứt phá, thay đổi con người với ý chí nghị lực mạnh mẽ, phi thường. Không phải ngẫu nhiên miền Trung sinh ra những con người mà tên tuổi của họ sống mãi trong lòng dân như Lê Lợi, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng...
Chỉ nói riêng trên phương diện những người bình thường, học là con đường duy nhất thôi thúc con em dân miền Trung thoát cái khổ, cái nghèo, để “con hơn cha là nhà có phúc”. Thanh niên lao động miền Trung tỏa đi khắp đất nước, trong Nam, ngoài Bắc, trên Tây Nguyên... đâu đâu cũng có mặt người miền Trung. Họ chăm chỉ, nhẫn nại, bền chí làm ăn nên ở đâu người miền Trung cũng thành đạt.
Sự chất phác, nhiệt tình, chịu khó, uy tín, miệng nói tay làm... là những phẩm chất làm cho người miền Trung trở nên dễ gần, dễ mến, đáng tin cậy trong giao tiếp, hợp tác làm ăn.
Trong đói nghèo, trên tinh thần cộng đồng chống chọi thiên tai, người miền Trung có tinh thần đoàn kết rất cao. Họ yêu thương đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách.
Hy vọng rằng với truyền thống kiên cường, bền bỉ, cùng với sự chia sẻ của cả nước, người dân miền Trung sẽ từng bước khắc phục hậu quả của thiên tai, ổn định cuộc sống và mảnh đất miền Trung sẽ lại sớm hồi sinh...
>> Xem thêm: Cứu trợ lũ lụt ở Hà Tĩnh
Lê Xuân ChiếnVideo được xem nhiều: Hàng loạt ôtô ngụp lặn ở Quảng Bình sau cơn mưa ngập nóc nhà
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây .