Nghị lực vươn lên của cô học trò mồ côi cha mẹ
- Thứ tư - 14/09/2016 18:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Em Trần Thị Thảo hiện là học sinh lớp 9C của trường THCS Phổ Hải, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 2011, căn bệnh đột tử đã bất ngờ cướp đi người bố thân yêu của em Trần Thị Thảo. Vài năm sau đó, mẹ em cũng tử nạn vì tai nạn giao thông.
Sớm thiếu đi bàn tay chăm sóc, chở che của người mẹ, cũng như mất đi sự khuyên răn, dạy bảo của người cha, nhưng em đã nỗ lực vượt khó, đạt kết quả cao trong học tập. Tấm gương của em đã khiến nhiều người cảm động và khâm phục.
Được nghe câu chuyện của Thảo từ cô giáo Huệ (giáo viên chủ nhiệm cũ của tôi), tôi đã tìm đến nhà chú Mự của Thảo ở xóm 6, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (nơi Thảo đang ở) vào một buổi chiều chủ nhật. Đúng lúc đó, em đang tất bật giúp chú Mự quán xuyến việc nhà.
Mồ hôi lăn dài trên đôi má hồng hào thơ ngây của em chảy tràn xuống chiếc áo hồng, khiến tôi không khỏi xót lòng. Thấy tôi, em liền chạy đến chào hỏi, rồi mời vào nhà uống nước, tâm sự.
"Năm 2011, bố em bất ngờ bị đột tử tại nhà dù đã được gia đình phát hiện và đưa cấp cứu, nhưng kết quả vẫn không qua khỏi", em kể. Từ đó bố đã bỏ lại bốn mẹ con Thảo không nghề nghiệp trong căn nhà tồi tàn, thiếu trước hụt sau.
Tưởng rằng mọi khó khăn, éo le sẽ dừng lại với bốn mẹ con Thảo, nhưng nào ngờ một cú sốc lớn tiếp nữa đã ập tới gia đình em. Mẹ của em đã tử nạn vì tai nạn giao thông trên đường đi làm về. Tâm sự đến đây, nước mắt của Thảo dâng trào. Em cho biết ít hôm nữa sẽ tới tròn một trăm ngày mẹ mất.
Hiện gia đình Thảo chỉ còn lại ba chị em. Chị của Thảo tên là Huyền, hiện học xong lớp 12 và đi làm tại một cửa hàng tạp hóa, còn em út đang học mẫu giáo. Thương nhất vẫn là người em út của Thảo, bởi khi sinh ra đã không thể thấy hình hài của bố mẹ mình ra sao, không được gọi một tiếng bố, tiếng mẹ như bao đứa trẻ khác.
Tôi chuyển sang trò chuyện với Huyền (chị của Thảo), Huyền cho biết, em đang làm thuê tại một cửa hàng tạp hóa với mức lương ít ỏi. Vì em vừa học xong lớp 12, nên chưa có ai thuê làm những công việc lớn. Với mức lương ít ỏi này, Huyền sợ một ngày sẽ không nuôi các em ăn học tới nơi tới chốn.
Khi được hỏi về con đường học tập của mình lúc trước, Huyền tâm sự: “Hồi thi đại học, em đã đăng ký vào Học viện An Ninh. Em rất tự tin với những kiến thức mình học bởi nó đủ để đỗ vào trường này".
Huyền chia sẻ thêm rằng em đã chuẩn bị tốt tất cả hành trang cho kỳ thi quan trọng này, nhưng rồi biến cố lớn xảy ra, mẹ mất, nên từ đó ước mơ của em không thể thực hiện. Từ ngày mẹ mất, em chỉ mong bản thân sớm được học xong phổ thông để đi làm.
Hiểu được những hy sinh to lớn của người chị, Thảo tự dặn lòng mình rằng, phải cố gắng học thật tốt, thật giỏi để hoàn thành ước mơ đang dang dở của chị.
Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, ở nhà, Thảo giúp chị quán xuyến việc nhà, chăn bò... Lúc rảnh rỗi, em còn xin đi nhặt ve chai để bớt phần nào gánh nặng cho chị.
Mặc dù phải bận bịu với công việc, nhưng Thảo luôn biết điều tiết thời gian học tập cho bản thân. Bằng chứng là những tấm giấy khen đạt giải nhì, giải ba... ở các môn toán, sinh cấp huyện. Ngoài ra, em còn có hàng loạt tầm bằng khen học sinh giỏi toàn diện khác.
Không chỉ vượt khó học giỏi mà trong các hoạt động Đoàn, Đội, Thảo đều tham gia tích cực, gương mẫu. Các thầy, cô giáo trong trường đều thương hoàn cảnh gia đình cô học trò nghèo nhưng đầy nghị lực. Thảo chính là tấm gương về nghị lực vượt khó vươn lên đối với các bạn trong lớp, trong trường.
Thương hoàn cảnh của cô học sinh nghèo học giỏi, nhà trường cùng các thầy cô thường phát động quyên góp ủng hộ cho gia đình em.
Thảo cho biết, năm học nào em cũng phải đi xin sách vở cũ của cách anh chị bên hàng xóm về để học và tự tay viết những lá đơn xin miễn giảm học phí.
Đây là một hoàn cảnh rất đặc biệt, tôi rất hy vọng em sẽ nhận được sự hỗ trợ từ chương trình để có thể tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ học tập.
Nguyễn Tuấn AnhTừ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây .