Ngàn lẻ một chuyện xóm trọ - Kỳ 8: Quay cuồng xoay xở thời “bão giá”
- Thứ tư - 28/09/2016 19:29
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thủ đoạn “vòi tiền” của chủ nhà trọ
Theo "kinh nghiệm", các sinh viên ở xóm trọ khi đến thuê nhà thường được chủ yêu cầu đặt cọc từ 1 - 1,5 triệu đồng và nộp luôn tiền trọ của tháng đó. Chưa kể, việc ngoài tiền thuê nhà, người thuê sẽ phải trả thêm khoảng 200.000 đồng tiền điện, nước và đường truyền Internet.
Như vậy, chi phí trung bình cho nhà trọ của mỗi sinh viên sẽ chiếm phần lớn trong quỹ chi tiêu của sinh viên trong điều kiện cuộc sống đắt đỏ hiện nay.
Rau là thực phẩm chính trong bữa ăn đạm bạc của sinh viên. Ảnh minh họa.
Vấn đề điện, nước sinh hoạt thường bị chủ nhà “ăn gian”. Một số chủ nhà trọ tự ý chỉnh đồng hồ đo nước để thu trội thêm khoản phí tiền nước... Riêng tiền điện, các chủ trọ “sòng phẳng” thường lắp riêng công tơ cho từng nhà trọ để tháng nào dùng hết bao nhiêu thì họ tự chi trả theo giá điện quy định.
Tuy nhiên, giá tiền điện ở phòng trọ có khi cao hơn giá quy định tới 2-3 lần. Giá tiền điện chủ yếu dao động ở mức tới 3.500 - 4.000 đồng/kWh (số).
Các chủ nhà trọ vẫn tảng lờ và vô tư tăng giá tùy ý, thậm chí nếu muốn mua thêm thiết bị gia dụng như điều hòa, quạt thì các em sinh viên cũng phải đóng thêm khoản “phí”.
Em Thanh Mai, sinh viên ĐH Phương Đông cho biết: “Trời mùa hè nóng nực, em tiết kiệm sắm thêm quạt đá để làm mát nhưng chị chủ nhà trọ cũng bắt em đóng mức tiền điện cao hơn mức mọi người đóng vì bảo thiết bị này “ngốn” nhiều điện nhất. Dù thi thoảng nóng quá mới dám bật lên nhưng tháng em vẫn mất thêm vài trăm nghìn tiền điện”.
Đủ chiêu tiết kiệm
Số tiền bố mẹ gửi lên để các sinh viên chi tiêu cho cuộc sống vốn có hạn, lại phải sinh hoạt đắt đỏ, cộng với các chi phí điện, nước, tiền nhà trọ bị chủ trọ hét giá khiến nhiều bạn càng trở nên chật vật. Để tiết kiệm, bữa cơm của các em mỗi ngày chỉ có giá từ 15.000 - 20.000 đồng và quanh quẩn cũng chỉ có mấy món bình dân như rau muống luộc, đậu rán, lạc rang, trứng rán… Nhiều khi, các em sinh viên đang tuổi ăn tuổi lớn còn phải nhịn bữa sáng đến lớp để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Mỳ tôm trở thành “cứu cánh” cho sinh viên những tháng không đủ tiền chi tiêu. Em Thanh Nga, sinh viên ĐH Kiến trúc Hà Nội chia sẻ: “Mỗi tháng mẹ gửi ở quê lên cho em 2- 3 triệu đồng. Nhưng tiền ở trọ có khi ngốn đến 1- 1,5 triệu đồng, chưa kể còn đóng quỹ lớp, tiền chi phí các hoạt động, tiền mua sách vở, dụng cụ học tập. Có tháng chỉ tiêu đến nửa tháng là hết tiền, cả tháng còn lại em phải ăn mỳ tôm, nấu cháo, nhịn bữa sáng mới “xoay xở” được”.
Để có bữa ăn rẻ, nhiều xóm trọ bàn nhau “góp gạo thổi cơm chung” và tìm mua thức ăn tại các chợ đầu mối bao giờ cũng rẻ hơn rất nhiều so với giá cả tại các chợ bán lẻ. Mỗi lần đi chợ đầu mối có thể tiết kiệm khoảng 20% mức giá so với mua lẻ, như vậy có thể dành ra một số tiền nhỏ, nhưng cả tháng góp lại thì đó là khoản tiền đáng kể với sinh viên. Do vậy, rất nhiều bạn sinh viên đã chọn cách này để chống chọi với "bão giá" hiện nay".
Tuy nhiên, mua hàng tại các chợ đầu mối, chọn thức ăn rẻ khiến cho bữa ăn của các em không đảm bảo chất lượng, bởi các loại thực phẩm bán rẻ đôi khi không phải là thực phẩm tươi ngon mà là loại hàng bị bầm dập, ô thiu. Nhiều bạn lại ham rẻ nên mua nhiều, nấu nhiều chia ra làm nhiều ngày để ăn dần. Trong khi xóm trọ ít người có tủ lạnh, thức ăn để ngoài dễ bị hỏng.
Chính vì chất lượng bữa ăn hàng ngày chưa cao mà hầu hết các sinh viên đều rơi vào tình trạng gầy yếu, sức khỏe kém. Tiết kiệm trong bữa ăn chưa đủ, nhiều em còn có tuyệt chiêu ngủ nướng đến tận trưa để... đỡ mất bữa sáng, hoặc buổi sáng vác bụng “cồn cào” đến giảng đường, chịu đói đến gần trưa tan học mới đi ăn.
(còn nữa)
Theo Phương Thu
Tuổi trẻ thủ đô