Khi nhóm học trò bịt mặt chặn đường đánh thầy giáo
- Thứ hai - 27/02/2017 19:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress quan điểm giáo dục bằng bạo lực chỉ thu về bạo lực.
Ngày xưa cha tôi có kể một câu chuyện về bạo lực học đường. Khi đó là những năm 60 ở miền Nam, trường học lúc đấy có một ông thầy giám thị rất dữ dằn. Ông chuyên bạt tai, đánh đấm học sinh. Hồi đấy cách cư xử đó là bình thường nên ông cứ thế mà làm.
Rồi một ngày đẹp trời trên quãng đường vắng thầy bị tập kích. Một nhóm các cậu nhóc choai choai bịt kín mặt xông vào đánh thầy một mẻ, tuy không gãy tay nhưng cũng sứt đầu mẻ trán, bầm tím mặt mũi. Thầy chỉ nhận diện được một người và ông cũng kêu tên cậu ta trong lúc ẩu đả.
Video Thầy giáo và nữ sinh đánh nhau trong lớp học :Cậu học sinh đó nói lại sự tình với cha tôi và hỏi kế đối phó. Cha tôi còn chưa suy nghĩ được gì thì ông thầy giám thị đã tới gọi cậu vào văn phòng. Một lúc sau thì cậu học sinh đi ra với một cuốn sách mới và cười thích thú. Hóa ra là ông giám thị chỉ cho một cuốn sách và nói là em đọc đi, từ nay đừng đánh người khác nữa. Ông thầy giám thị đó thì cũng chừa không đánh học trò nữa.
Khi còn nhỏ, trong lớp tôi học thường hay phân chia phiên trực nhật. Các bạn tới lượt trực thì phải quét dọn lớp học và chuẩn bị bàn của giáo viên, tức là phải trải khăn bàn, đặt một bình hoa, đem sổ đầu bài, và sau cùng là đem một cây thước để lên bàn.
Cái "quyền" được đánh học sinh hầu như là mặc nhiên trong mối quan hệ thầy - trò, ít nhất là thời những năm 90. Mãi tới khi tôi vào cấp ba, cái thước kẻ đó mới không còn hiện diện trên bàn giáo viên. Còn trước đó, các giáo viên cứ tha hồ mà đánh, có vị chỉ khẻ tay, có vị thì bắt nằm lên bàn hay úp mặt vào bảng mà đánh.
Nhưng mà nếu có gì mâu thuẫn thì học sinh sẽ lãnh đủ. Phàn nàn với cha mẹ ư? Thầy cô sẽ tha hồ mà đì, cha mẹ làm gì được? Con của lãnh đạo à? Bạn học của tôi là con của Phó giám đốc sở giáo dục tỉnh đương nhiệm đấy, nhưng vẫn bị đánh như thường. Cha của bạn tuy quyền to chức trọng nhưng cũng không dám lên tiếng, chắc vì ông sợ bị mang tiếng là bênh con.
Mối quan hệ thầy trò không phải là mối quan hệ một chiều, nhưng nhiều người Việt thường dùng tư duy một chiều để phân biệt đúng sai. Cái thói quen đó rất tiện dụng bởi vì nó giúp người ta không phải suy nghĩ nhiều trước một vấn đề cực kỳ rắc rối và nhạy cảm. Nếu người ta tin rằng thầy lúc nào cũng đúng thì mọi sự sẽ dễ hơn: một cuộc sống mà các thầy cô luôn như mẹ hiền thì dễ chịu biết mấy.
(Xem thêm: Bạo lực học đường là do đâu? )
Vậy là các mâu thuẫn trong vấn đề thầy trò đều được suy diễn theo hướng là trò sai và thầy cô đúng. Những chuyện đơn giản như một vụ ẩu đả giữa giáo viên và học sinh cấp ba được quay hình thì kết quả sẽ có rất nhanh: học sinh sao lại dám đánh lại thầy? Cũng có nhiều người lại nói rằng thầy sao lại vác sách mà đánh trò. Kết quả phân xử của nhà trường tương đối có lý, khi cả thầy lẫn trò đều phải kỷ luật.
Nhiều chuyện khác thì không. Đa số những chuyện đã lên tới mặt báo thì đã rất nghiêm trọng và thầy cô sai rành rành nhưng vẫn nhiều người nói đỡ cho các thầy cô. Có người lại bảo rằng ngày xưa thầy đánh tôi còn hơn nhưng tôi vẫn chịu, sao bọn này lại dám hỗn. Cũng như có người mẹ nói rằng cha mày ngày xưa mấy vợ, tao có nói gì đâu, bây giờ chồng mày mới có một con bồ, sao lại thế?
(Xem thêm: Cô giáo tát học sinh liên tục)