"Góp áo bơi cho dân vùng lũ - cần có tâm khi làm từ thiện"
- Chủ nhật - 13/08/2017 16:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đọc bài viết " Tặng áo bơi cho người dân vùng lũ và câu chuyện làm từ thiện ", tôi sẽ chia sẻ một vài mặt trái của từ thiện sau khi tôi đi Mường La (Sơn La).
Thứ nhất: Về phía người đi từ thiện
Tôi thấy có nhiều người đi làm từ thiện vì phong trào. Các bạn có tin không? Đi theo đoàn như đi trẩy hội. Làm màu làm mè, làm mình làm mẩy đủ thứ. Đi từ thiện như đi phượt, cả một đoàn chục người thấy cầm được hai thùng mỳ, chút quần áo. Đi thì nghênh ngang ở đường.
Có đoàn thì là tốp các em học sinh cấp 2-3, tuy nhiên nhóm này thường nhận ý kiến phản đối vì đi không có tổ chức, không làm được gì (do tuổi còn nhỏ). Đi sẽ gặp nguy hiểm vì những vùng đó còn ngổn ngang lắm.
Nhưng tôi thì ủng hộ nếu như các em có định hướng đúng đắn. Vì sau buổi đó các em sẽ có được trải nghiệm và biết thương cảm hơn. Không cần các em làm nhiều cho nhiều. Các em có tâm xuất phát chân thành là được.
Tiếp là vì hình ảnh của cá nhân, tổ chức, nói trắng luôn là đánh bóng tên tuổi. Dĩ nhiên, những hoạt động này khi toả ra sẽ chạm đến tấm lòng của mọi người, cộng đồng. Ừ thì, có công phải kể, nhưng tôi xin các bạn, đây không phải lúc kể công, hoặc nếu kể thì kể thì một lần, kể cho đúng cho vừa đủ, đừng làm một kể mười. Đừng lấy điều đó tạo "thương hiệu" cho mình.
Nữa là không tìm hiểu kỹ xem chính những người đang gặp nạn họ cần gì. Ngày thứ nhất thì chắc chắn họ cần lương thực và quần áo hơn bất cứ thứ gì khác, nhưng đến tận ngày 7-8, các bạn vẫn vác những thứ đó lên thì họ "để đâu cho hết". Phải tư duy được điều đó chứ?
Chưa kể khi góp quần áo thì hoàn toàn không có tâm. Đồ thì không phù hợp hoàn cảnh: áo dây, bikini, váy dạ hội... chất lượng thì mục, nát, rách, vơ vào được bao nhiêu cứ vơ thì phải. Khi ở vào hoàn cảnh bão lũ, điều người dân cần nhất là manh áo khô ráo, có thể che chắn được gió rét.
(Xem thêm: Quyên góp đồ rách, giày cao gót và áo hai dây cho bà con vùng lũ )
Bức hình tặng từ thiện bikini cho người dân vũng lũ quét Mù Cang Chải (Yên Bái) gây tranh cãi. |
Thứ hai: Về phía người gặp nạn
Tôi đủ hiểu biết để thấu nỗi khổ họ đang gặp phải, nên chuyện nhiều người tự nhận là gia đình có người nhà bị mất tích, thiệt mạng để được thăm hỏi, đồng cảm và cho tiền là chuyện có thật.
Rất đáng trách nhưng thử nghĩ xem, họ đang ở trong hoàn cảnh đó, nếu là mình thì mình có làm thế để lấy tiền không. Nhưng nói trắng ra là họ đang lợi dụng tình thương của đồng loại để làm những điều trái đạo đức. Vậy trách ai? Trách người cho tiền không tìm hiểu kỹ hay trách những người mạo nhận ?
Cũng giống với thế, nhiều gia đình không bị nạn, không bị thiệt hại, nhưng họ vẫn nhận rất nhiều đồ từ thiện. Họ không làm gì khác ngoài việc đi khuân vác những đồ từ thiện về nhà. Vì sao? Vì chẳng nhẽ cho thì không lấy. Nhưng họ có cái lý của họ vì họ không có gì để lao động sản xuất trong thời gian tới.
Còn rất nhiều nhưng tôi sẽ chỉ nói những gì tôi thấy và chứng kiến tận mắt. Chắc chắn những điều trên chỉ là rất rất ít gặp phải và đang diễn ra, xảy ra.
Tôi rời Mường La trong tâm thế khá an tâm. Bởi từng ngày, từng giờ luôn có các cá nhân, tổ chức quan tâm và đồng hành cùng bà con ở đây. Họ bỏ công việc, cuộc sống hàng ngày, xa gia đình con cái vài ngày để đến đây giúp đỡ người dân bị nạn. Tôi luôn khâm phục họ. Thậm chí họ xứng đáng được nhận bằng khen từ địa phương, nhà nước
Môi trường nào, ở đâu và lúc nào cũng vậy, đều có mặt trái. Nhưng với hoạt động từ thiện xin mọi người hãy làm bằng cái tâm và đừng vì gì nữa.
>> Xem thêm: MC Phan Anh quyên góp được 24 tỷ, đóng tài khoản ủng hộ miền Trung
Lê Trung HiếuChia sẻ bài viết của bạn tại đây .