Đại biểu 16 tuổi có màn phát biểu gây chú ý Diễn đàn Thanh niên sáng tạo
- Thứ hai - 29/08/2016 22:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Diễn đàn Thanh niên Sáng tạo nằm trong chuỗi hoạt động của Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, được diễn ra tại Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Trong chương trình, nhiều tham luận mang tính đóng góp cao, tuy nhiên, gây hứng thú hơn cả là chia sẻ của Lưu Thủy Tiên (lớp 11, chuyên Toán trường THPT Chuyên Hà Giang), Đặng Thị Ánh Tuyết (SN 1996, Ủy viên BCH Đoàn trường ĐH Khánh Hòa) và Tiến sĩ Lê Phước Cường (giảng viên khoa Môi trường, đồng thời là Bí thư Đoàn trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng)...
Cần những chương trình vinh danh ý tưởng sáng tạo của người trẻ
Đại biểu Lưu Thủy Tiên (sinh năm 2000) đề xuất ý kiến giúp thanh niên, đặc biệt là học sinh thêm tự tin, sáng tạo.
Với cách diễn đạt mạch lạc, đầy nhiệt huyết, Thủy Tiên đã thu hút mọi người vào phần phát biểu của mình. Thủy Tiên đưa ra hai ý kiến đề xuất giúp cho thanh niên thêm sáng tạo. Thứ nhất, là cần thay đổi việc không ít giáo viên đang thiếu tin tưởng vào học sinh trong quá trình học tập, tư duy.
Thủy Tiên chia sẻ: “Chúng ta có thể thấy rằng, giáo dục đã có những bước đổi mới như việc lấy người học làm trung tâm, thay đổi cách giảng dạy… Như học sinh có thể học lịch sử bằng cách hát rap, học toán thực tế ở ngoài trời…, tuy nhiên, vẫn còn đó việc áp đặt lên học sinh.
Chúng cháu từng đề xuất làm một con robot để dọn rác trên dòng sông quê hương, nhưng ngay lập tức, ý kiến đã bị bác bỏ vì giáo viên không tin rằng chúng cháu có đủ năng lực để làm được điều đó”.
Theo Thủy Tiên, mặc dù nhiệt huyết của tuổi trẻ rất lớn, nhưng nếu không có được sự tin tưởng, giúp đỡ của nhà trường thì không thể thực hiện được. Do đó, Thủy Tiên mong rằng có thêm nhiều diễn đàn để thay đổi được nhận thức, suy nghĩ của thầy cô đối với sự khả năng ở người trẻ.
“Chúng cháu không thể nào đợi đội ngũ giáo viên trẻ sẵn sàng đón nhận cái mới được, vì lúc ấy, rất nhiều ý tưởng sáng tạo đã bị thui chột, bị mất đi”, Thủy Tiên bày tỏ.
Bên cạnh đó, là một người trẻ, Thủy Tiên cho rằng các sân chơi sáng tạo dành cho học sinh cấp 3 được diễn ra khá nhiều. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, việc hai học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Hà Giang giành giải nhất với phát kiến hệ thống lưới thu sương để cung cấp nước ngọt cho người dân cao nguyên Đồng Văn thì không ai biết đến.
“Hiện nay các sự kiện tôn vinh sáng tạo thường tổ chức cho những giáo sư, tiến sĩ, Mặc dù sản phẩm của chúng cháu chưa thực sự hoàn hảo, nhưng mong rằng sẽ có nhiều chương trình giới thiệu, vinh danh giải thưởng học sinh cấp 3 để khích lệ và cổ vũ sự sáng tạo ở người trẻ, từ đó xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, Thủy Tiên nói.
Cần phổ biến rộng rãi các sáng kiến, phương pháp giáo dục
Là một sinh viên sư phạm chuyên ngành giáo dục tiểu học, Đặng Thị Ánh Tuyết lại có những trăn trở rất đơn giản, gần gũi về phương pháp đổi mới trong dạy học. Theo Ánh Tuyết, giáo dục là phương hướng hàng đầu để phát triển đất nước. Và mấy năm gần đây, phương pháp giáo dục đã có nhiều thay đổi.
“Em nghĩ, bên cạnh việc sáng tạo trong khoa học công nghệ, sáng tạo trong giáo dục là việc hết sức cần thiết để nâng cao dân trí. Hằng năm, các sinh viên tài năng trường em lại cho ra nhiều phương pháp đổi mới hay. Các thầy cô rất ủng hộ điều này, thậm chí còn động viên chúng em cố gắng phát huy”, Ánh Tuyết nói.
Tuy nhiên, khi đã hoàn tất các phương án đổi mới, thì chỉ cất vào trong tủ, không được giới thiệu, áp dụng rộng rãi. Ánh Tuyết mong muốn các phương án giáo dục hay, bổ ích của tất cả thầy cô, sinh viên trên cả nước đều được giới thiệu, phổ biến rộng rãi để được vận dụng phù hợp với từng địa phương của mình, từ đó giáo dục cũng sẽ phát triển hơn.
Cần thêm những mô hình, sân chơi thúc đẩy sáng tạo
Qua kinh nghiệm làm việc của mình, TS Lê Phước Cường cho biết, để có nhiều sáng tạo thì phải có nhiều sân chơi, để từ đó, các thành viên tham gia mới nảy ra những ý tưởng hay, có tính thực tế cao.
“Trọng dụng nguồn lao động sáng tạo không chỉ dừng lại ở việc đánh giá, tôn vinh mà cần hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động học tập, rèn luyện, phát huy được diễn ra thuận lợi nhất”, Phước Cường khẳng định.
Anh cho biết, tại trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Đoàn thanh niên đã tạo ra nhiều sân chơi như CLB Khởi nghiệp, CLB tiếng Anh, CLB năng khiếu nghệ thuật, triển lãm công nghệ… Và mỗi CLB lại tổ chức rất nhiều hoạt động, đặc biệt cuộc thi khác nhau để thu hút sinh viên tham gia, sáng tạo.
Ngoài ra, trường cũng kết nối các công trình, giải pháp, ý tưởng sáng tạo của sinh viên với các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp, để tăng cường khả năng hiện thực hóa của các sản phẩm sáng tạo.
Về vấn đề tạo sân chơi, Ánh Tuyết cũng đóng góp những ý tưởng hay, thực tế mà tỉnh Khánh Hòa đã áp dụng để phát triển sáng tạo trong thanh niên. Nổi bật nhất là chương trình Nếu tôi là Chủ tịch tỉnh: các bạn trẻ sẽ đóng vai trò lãnh đạo, đưa ra giải pháp cho các vấn đề liên quan đến môi trường, giáo dục, xã hội…sau đó đề xuất lên chủ tịch tỉnh.
“Ngoài ra, chúng em cũng có chương trình Festival sáng tạo, để người trẻ đưa ra những ý tưởng của mình, từ đó chọn ra các giải pháp, sáng kiến có tính hiệu quả nhất để ứng dụng thực tế, giải quyết các vấn đề thực tế ở tỉnh”, Tuyết chia sẻ.
Hoài Thư