Có gì trong bộ phim điên rồ bậc nhất của "lão đạo diễn" U80
- Thứ ba - 07/02/2017 11:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vào 11h sáng thứ 3 hàng tuần, sẽ có một bộ phim nằm trong danh sách 200 bộ phim hay nhất mọi thời đại được giới thiệu đến khán giả. Đây đều được xem là những siêu phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới từ trước đến nay. |
Mad Max: Fury Road nhận được những tràng pháo tay giòn giã của thế giới điện ảnh. Giới phê bình, lẫn người hâm mộ đều dành cho bộ phim những lời có cánh. Quả vậy, ở tuổi 70, George Miller đã làm sống lại một trong những nhân vật đã từng là biểu tượng của màn ảnh hành động thập niên 80- Mad Max.
"Lão đạo diễn" đã đưa một biểu tượng điện ảnh sống lại
Max không chỉ sống lại, thế giới của anh không chỉ quay lại, mà George Miller đã mang đến cho điện ảnh một trong những bộ phim hành động bom tấn hấp dẫn nhất trong cả thập kỉ gần đây.
Lần cuối cùng nhân vật phản anh hùng Mad Max xuất hiện là vào năm 1985 trong Mad Max 3: beyond Thunderdome, nhưng Mad Max: Fury Road kế thừa di sản của Mad Max 2.
Đấy là thế giới của George Miller, thế giới của Rock Metal, của Punk Rock, những cái đầu trọc lóc, những cơ thể trắng nhởn bởi sơn, những hình hài được trang bị những phụ kiện bởi đạn, bởi đầu lâu, bởi sự đe doạ, chúng ngồi trên những phương tiện di chuyển được chế độ, được lắp đặt với phong cách kì quái, lạ lẫm, nhưng quyến rũ, những chiếc xe được tạo ra để truy đuổi, để sẵn sàng chiến đấu, để được thể hiện mình trên Fury Road (con đường cuồng nộ).
Rõ ràng và không thể nhầm lẫn, mang đầy dấu ấn của đạo diễn, chỉ khác ở đây, nhân vật chính, Max Rockatansky không còn do Mel Gibson thủ vai chính như 30 năm về trước, thay vào đó là gã đàn ông nói 1 câu cũng khó, đầy nội tâm và khó gần Tom Hardy. Một sự thay thế hoàn hảo, không phải hoàn hảo theo kiểu anh có thể giúp ta thấy lại Mel GIbson nhiều năm về trước, mà hoàn hảo cho nhân vật Max: một kẻ cô độc không còn gì để mất, sống trong một thế giới mà anh không chỉ phải trốn chạy thần chết, mà còn trốn chạy cả người sống.
Trích đoạn hành động mãn nhãn của bộ phim
Đạo diễn George Miller không để thừa thãi thời gian trong một bộ phim đầy những màn hành động. Ngay cảnh truy đuổi đầu phim, ông đã khôn khéo cài cắm vào đấy những hình ảnh ám ảnh của Max về quá khứ, cộng với vài câu thoại, chân dung Max hiện ra cho ta biết anh là ai.
Một viên cảnh sát cố gắng duy trì trật tự cho một xã hội đổ nát hậu tận thế, để rồi mất hết gia đình, vợ và con cái. Anh trở thành một kẻ lang thang, một gã đàn ông cô độc, trên chiếc ôtô của mình tìm cách sống sót, chỉ là để sống sót với chứng bệnh rối loạn tâm lý sau chấn thương. Sau cảnh truy đuổi đó, Max bị bắt thành tù binh trong một địa điểm được gọi là Citadel.
Citadel, nơi chỉ có kẻ điên rồ mới sống sót. Thống trị ở đó là Immotan Joe, một kẻ bệnh tật đầy mình, nhưng lại là một hình ảnh biểu trưng cho sự bất tử, một người cha, lãnh tụ, một kẻ độc tài xây dựng một đôi quân từ những đứa trẻ bị tẩy não có tên “War Boys”.
Immotan Joe - kẻ thống trị tại thế giới của Mad Max
Immotan Joe chứa đựng tất cả những hình ảnh về một độc tài trong thế giới hiện đại, nơi một cái nhìn của hắn dành cho bất kì ai trong đội quân của mình cũng thành một đặc ân lớn. Hắn điều khiển nguồn nước để khiến những kẻ đói khát tuân theo lệnh mình, hắn tẩy não những đứa trẻ để tạo nên đội quân điên khùng không sợ chết, và bản thân hắn, hắn đang mong chờ đứa con trong bụng một trong năm người vợ đang mang thai cho hắn.
Bộ phim không đặt ra thiện ác, không có thiện ác trong thế giới hậu tận thế, với sa mạc mênh mông, sự sống chông chênh như ngọn cỏ đã gần tuyệt diệt. Câu chuyện là về nhân tính và thú tính. Nhân tính còn xót lại của 5 bà vợ muốn bảo vệ đứa trẻ sắp ra đời. Họ được Imperator Furiosa (Charlize Theron) bảo trợ và giúp đỡ để trốn thoát.
Furiosa đã phải cất bỏ nhân tính để leo lên đến vị trí như hiện tại, cánh tay phải đắc lực của Joe, cho đến khi cơ hội đến “Đây là cơ hội tốt nhất mà tôi từng có” để chạy khỏi cái nơi thú tính đấy, trở về nơi cô được sinh ra.
Những người vợ của Immotan Joe đang tìm cách bỏ trốn để bảo vệ đứa con trong bụng
Còn Max, anh không có gì ngoài nỗi buồn khổ sâu sắc đến trống rỗng, anh không muốn làm anh hùng, anh không muốn đi cùng ai, anh chỉ muốn sống sót như cái bản năng cuối cùng của loài thú. Anh đã không có chút lòng thương hại nào dành cho những cô gái lúc ban đầu. Chất phản anh hùng của Max nằm ở đấy.
Anh chỉ muốn sống, mà muốn sống, anh chỉ còn cách phải đi cùng Furiosa giúp 5 cô gái kia, cho đến khi anh tìm thấy nhân tính của mình để giúp đỡ họ vô điều kiện, và rồi cuối cùng, anh ra đi như một kẻ vô danh, một gã cao bồi không tên trong sa mạc rộng lớn, không cần ai chia sẻ, không cần ai thương hại, chỉ muốn chìm đắm vào sự trống rỗng của chính mình.
Mad Max trở lại, không phải là Max kẻ điên loạn, mà thế giới điên loạn của George Miller, nơi người ta sẵn sàng chết cho một lý tưởng chứng tỏ rằng mình mới thực sự “điên”. Điên là triết lý tồn tại, là giáo huấn của Immortan Joe. Trong đám quân của Immortan Joe, Nux (Nicholas Hoult), một War Boy, đã từng tôn thờ ông, và vẫn luôn tôn thờ. Nhưng Nux có nhân tính, cái nhân tính khi nhận được sự cảm thông từ cô gái tóc đỏ coi anh như một cậu em trai. Cái nhân tính được bộc phát khi thú tính trong anh bị chính Immortan Joe chối bỏ. Nux tham gia cùng Furiosa và Max cứu những cô gái.
Thế giới điên cuồng của Mad Max được đạo diễn 71 tuổi tái hiện
Vậy là chính diện và phản diện tôi đã giới thiệu đầy đủ. Và bây giờ, show diễn bắt đầu. Tiếng trống nổi lên, tiếng đàn guitar điện rít lên cùng ánh lửa, những chiếc quái xe tăng tốc, những phương thức tấn công sáng tạo, lạ mắt, nguy hiểm, độc đáo được thể hiện.
Đuổi nhau, tấn công, tiêu diệt, những kẻ không sợ chết và những kẻ có mục đích để sống sót, những kẻ còn nhân tính và thú tính. George Miller cùng nhà quay phim John Seale đã tạo ra những trường đoạn hành động vô cùng hoàn hảo, với bối cảnh thật, dàn cảnh thật, thiết kế bối cảnh, trang phục, phương tiện, vũ khí đều thật, màu sắc của bộ phim với sự sặc sỡ của sắc vàng, da cam, khiến phim của ông hoàn toàn khác biệt so với những phim khác cùng chủ đề.
Phim không lạm dụng kỹ xảo mà mọi cảnh đều được thực hiện với phương pháp truyền thống
Ông không dùng đến CGI, kĩ xảo điện ảnh, vốn đang trở thành một phương thức ưu thích được Hollywood ưa dùng trong nhiều phim hành động suốt nhiều năm qua. Ông muốn mọi thứ chân thật, và ta đã cảm nhận được sự chân thật đến nghẹt thở đó. bộ phim mang đến không khí choáng ngợp, âm thanh choáng ngợp, những trường đoạn truy đuổi, hành động dài không khiến ta cảm thấy chán, ngược hẳn lại, nó tạo nên một cảm giác hưng phấn khiến ta không muốn bộ phim kết thúc sau 120 phút.
Tôi không do dự khi nói rằng đây là phim hành động của thập kỉ, hay thậm chí là một trong những phim hành động hay nhất mà điện ảnh mang lại. Khi mà thế giới phim bom tấn của Hollywood đang trở nên sáo mòn về kịch bản, lạm dụng CGI như sự lười biếng, và bày ra rất nhiều chiêu trò để câu kéo khán giả thì Mad Max đã quay lại thật đúng lúc.
Nó không chỉ là một bộ phim giải trí, nó là lời nói đanh thép dành cho tất cả những phim hành động sắp tới về sự chỉn chu, sáng tạo, và không phải vì phim giải trí nên chỉ cần làm để giải trí. Nó cần có chất điện ảnh, tố chất để một bộ phim sống được cùng thời gian. Mad Max chính là giếng nước trong mát trong sa mạc của tất cả những phim hành động thường thường nhiều năm qua.