Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Chuyện của một ông cậu theo cháu đi bắt Pokemon

Chuyện của một ông cậu theo cháu đi bắt Pokemon
23h, cô cháu gái của tôi đang nằm trong phòng chợt bật dậy, lao nhanh ra cổng: “Mẹ, khoan đóng cổng, để con ra bắt con Pokemon đã”.

15 phút sau, cô cháu trở về, hớn hở khoe chiến tích vừa bắt được một con Pokemon khủng ngay hẻm tối om bên cạnh nhà. Sáng hôm sau, mới 6h, hai chị em nó bật dậy, nai nịt gọn gàng chuẩn bị lên đường đi bắt Pokemon. Nhìn hai đứa bỏ bữa sáng đã chuẩn bị sẵn để chạy theo mấy con thú ảo, bà chị tôi lắc đầu: “Không hiểu bọn nó nghĩ gì nữa, lớn rồi mà vẫn ham chơi game quá vậy”.

Mấy ngày qua, thấy bọn nhỏ háo hức với trò Pokemon, tôi cũng muốn biết nó hấp dẫn ra sao, nên năn nỉ tụi cháu cho tháp tùng đi săn Pokemon. Thương tình ông cậu già ham vui, hai đứa cho tôi đi theo với điều kiện phải là tài xế để bọn nó rảnh tay rảnh mắt theo dõi Pokemon trên tablet và smartphone.

Vậy là ba cậu cháu lên đường theo dấu chân Pokemon. Tôi nhìn đường còn tụi nhỏ nhìn màn hình. Xe đang ngon trớn ngang qua một tòa nhà thì chợt thằng em la lên: “Dừng, dừng, có Po ở gần đây”. Tôi vừa kịp giảm tốc độ, bật xi nhan tấp vào lề, xe chưa dừng hẳn, hai chị em đã lao ra khỏi xe đi không cần bận tâm đến tiếng la lối của hai phụ nữ đi xe máy phía sau, vừa thắng dúi dụi sau cú tấp xe khẩn cấp của tôi.

(Xem thêm:  Đi bắt Pokemon, cô gái vô tình tìm thấy xác người )

Bọn nhóc chạy đi bắt Pokemon ở đâu đó cả 20 phút, báo hại tôi vừa rề rề xe dọc đường vừa ngó trước ngó sau dòm chừng công an, vừa nghe tiếng còi xe inh ỏi vì làm tắc nghẽn giao thông.

Bọn trẻ quay lại với chiến tích là một con Pokemon cỡ làng nhàng. Mấy cậu cháu lại tiếp tục lên đường hướng về khu nhà thờ Đức Bà, nơi Pokemon tập trung đông đảo.

>> Video tín đồ Pokemon gây lo ngại ở Hà Nội:

Tôi ngạc nhiên khi thấy mới khoảng 7h mà số bạn trẻ tập trung ở đây khá đông dù hôm nay là ngày thường. Điểm chung của các bạn trẻ này là trên tay đều cầm theo một thiết bị di động, mắt dán vào màn hình, vừa đi vừa chạy vừa quẹt quẹt trên màn hình, thỉnh thoảng có bạn la to khoái trá rồi một nhóm các bạn khác xúm lại bình luận, rồi lại tản ra tiếp tục đi vòng quanh và lại quẹt quẹt…

Đi theo bọn nhóc một lúc, tôi vào một quán café ngồi nghỉ chân. Ngay trước mắt, cũng lại là một cặp bạn trẻ đang chăm chú trên màn hình điện thoại, quẹt quẹt, quan sát chung quanh, rồi lại chăm chú nhìn vào màn hình trước mặt, suốt 30 phút như thế, chẳng ai nói với ai lời nào.

Suốt buổi sáng, 3 cậu cháu đi cùng với nhau, ngoài những khẩu lệnh ngắn: “Dừng xe”, “Đợi một chút”, “Đi tiếp”… gần như chẳng hề trao đổi gì với nhau. Tôi tập trung lái xe theo đúng hiệu lệnh của bọn nhóc, còn tụi trẻ chăm chú theo dấu vết của những con Pokemon bất chợt xuất hiện đâu đó trên đường đi.

Sau một buổi sáng đi săn Pokemon cùng bọn trẻ, tôi cũng tạm hiểu được vì sao bọn trẻ lên cơn cuồng Pokemon Go như thế.

Có thể thấy, điều thú vị nhất mà trò chơi này đưa lại chính là khéo léo kết hợp giữa trò chơi ảo với môi trường thật, đem đến cho người chơi cảm giác rất thật dù đang trong thế giới ảo. Không thú vị sao được khi tự nhiên trong cái hẻm cụt vô danh bên cạnh nhà bất chợt có một con Pokemon đang thu lu ở đó chờ mình đến tóm. 

Tiếp theo, việc thay đổi cách chơi từ hình thức ngồi lỳ một chỗ chuyển qua hình thức di chuyển khắp nơi đã ít nhiều giúp các bạn trẻ có cơ hội vận động đôi chân, đi ra ngoài trời hít thở không khí trong lành.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác dụng tốt của trò chơi này, những nguy cơ tiềm ẩn lại khá lớn, các bạn trẻ cần được cảnh báo để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Thứ nhất, nguy cơ các tật về mắt sau một thời gian chạy theo Pokemon. Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi bạn căng mắt nhìn vào màn hình thiết bị di động hàng giờ liền dưới ánh nắng chói chang liên tục thay đổi về độ sáng, độ chói lóa trên màn hình? 

>> Video Những sự cố hài hước khi bắt Pokemon

Thứ hai, thay vì bắt được một chú Pokemon hùng mạnh, bạn có thể "bắt" được một chiếc xe tải, một chiếc xe máy hoặc một người nào đó khi quá mải mê Pokemon mà quên mất không gian xung quanh, chỉ chăm chú di chuyển theo lộ trình của bản đồ ảo.

Thứ ba, điều gì sẽ xảy ra khi 23h, một thân một mình với thiết bị di động kha khá tiền, bạn lao vào một ngõ hẻm, một góc khuất nào đó trong công viên để bắt một chú Pokemon. Liệu có xảy ra hay không chuyện “của đi thay người” hoặc tồi tệ hơn “mất cả người lẫn của”.

Đặc biệt, là một người làm công tác giáo dục, điều mà tôi cảm thấy lo lắng nhất là tác động của công nghệ làm thay đổi hành vi, nhận thức con người. Nhìn những bạn trẻ gần như miễn nhiễm với môi trường xung quanh, mọi hành vi, hoạt động đều bị chi phối bởi không gian ảo của trò chơi nơi công cộng có thể thấy rõ tác động của trò chơi đến hoạt động nhận thức như thế nào.

(Xem thêm: Tài xế taxi hồn nhiên vừa lái xe vừa bắt Pokemon )

Mới năm ngoái, trò chơi Flappy Bird đã tạo ra một cơn bão với những hành vi đập điện thoại, ném điện thoại… do tức tối khi không thể vượt qua thách thức trong game. Năm nay, các bạn trẻ đổ xô ra đường, tụ tập đến các chỗ đông người không phải để giao lưu mà là để cô độc theo dấu Pokemon. Các bạn sẵn sàng dừng xe giữa đường, leo lên các tòa nhà, vào bất cứ nơi đâu (kể cả những nơi tôn nghiêm như nhà thờ, chùa …) chỉ để bắt Pokemon mà không hề bận tâm đến hệ quả của việc mình làm. Gần như các bạn đang điều khiển hành động của mình theo yêu cầu của game.

Liệu rằng sẽ đến một ngày nào đó, xuất hiện những game hấp dẫn hơn, yêu cầu bạn phải đến một nơi nào đó, thực hiện những hành vi nào đó mà trong vô thức bạn không nhận ra rằng mình đang có hành động phá hoại (ví dụ yêu cầu bạn phải cạy một viên đá lát vỉa hè để “đào kim cương" ở dưới chẳng hạn).

Chơi game nhưng cần cảnh giác trước các tác động tiêu cực của game - mong sao các bạn trẻ luôn nhớ mỗi khi bắt đầu tham gia vào một game thực tế - ảo nào đó.

>>Xem thêm:  Phố Hà Nội vẫn ầm ĩ dù đã một giờ đêm vì những người đi bắt Pokemon

Thạc sĩ giáo dụcPhạm Phúc Thịnh

Nguồn tin: vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây