Cậu bé nghèo sợ cảnh mùa mưa về
- Thứ hai - 03/10/2016 17:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xóm nhỏ thuộc xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre là nơi sinh ra và lớn lên của cậu học trò nghèo tên Liêu Thế Hùng. Như bao đứa trẻ lớn lên ở nơi này, tuổi thơ của Hùng là những chuỗi ngày nửa buổi đi học, nửa buổi phụ giúp gia đình. Cuộc sống túng thiếu nơi mái lá dột liêu xiêu ở nhờ bà ngoại đã khiến cậu học trò nhỏ này sớm đương đầu với bài toán áo cơm.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình mình, Hùng thỏ thẻ: "Mấy năm trở lại đây, mỗi lần mùa mưa về là em sợ lắm. Nhiều khi giông gió lớn tưởng như căn nhà lá này không thể trụ được. Nếu thật như vậy thì cả nhà em cũng không biết sẽ như thế nào...".
Cha em Hùng - anh Đoàn Văn Sơn - vốn là trụ cột chính trong gia đình, nhưng kể từ ngày mắc chứng bệnh đau khớp, hễ làm việc nặng thì cơn đau lại thêm trầm trọng. Những khi trái gió trở trời anh phải nghỉ nhiều ngày mới có thể làm lại. Vậy là cả nhà bốn người sống nhờ vào đồng lương ít ỏi từ công việc gọt hột điều của chị Ngô Thị Út - mẹ em Hùng.
Công việc mùa vụ bữa có bữa không, nhưng chị vẫn cố gắng đắp đổi qua ngày. Chị Út chia sẻ: "Nhiều lúc cũng nản vì hoàn cảnh thiếu trước hụt sau nên tôi cũng tính cho thằng nhỏ nghỉ học. Mà nghĩ lại, nó nghỉ học rồi thì sau này cũng đi làm thuê làm mướn như cha mẹ nó, có khá hơn được gì đâu". Nghĩ vậy, nên chị cũng ráng bấm bụng lo cho con ăn học tới nơi tới chốn. Chị làm quần quật cả ngày nhưng khi nhìn con học hành đàng hoàng, giỏi giang khiến chị cũng thấy mát lòng mát dạ.
Những tưởng sinh ra trong nghèo khó thì đa phần con người ta sẽ bị nhấn chìm trong cái khó cái nghèo. Ấy vậy mà cậu học trò này đã có được ý chí vượt khó đáng trân trọng. Dường như người dân ở đây đã quá quen thuộc với dáng người nhỏ nhắn của Hùng, ngày ngày từ nhà đến trường nghe giảng, rồi tan học lại từ trường về nhà phụ mẹ gọt hột điều để trang trải cho gia đình.
"Mỗi lần năm học mới, thấy bạn bè có áo và cặp sách mới là em thèm lắm. Nhưng nhìn lại cha mẹ em cơ cực, kiếm từng đồng nuôi em ăn học nên cũng không dám nghĩ tới chuyện đó nữa", Hùng chia sẻ.
Hùng luôn tự nhủ phải ráng học thật giỏi để sau này có được việc làm tốt. Em nghĩ nếu nhà khá hơn một chút thì cha mẹ cũng không cần phải chịu nhiều vất vả. Trò chuyện cùng em, đôi lần tôi thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gò má đen nhẻm vì tất bật mưu sinh. Cũng chừng ấy lần tôi cảm nhận được đằng sau giọt nước mắt, giọng nói yếu ớt, rụt rè ấy là cả một nghị lực sắt đá vượt qua nghịch cảnh để thoát nghèo. Những tờ giấy khen bày biện một cách tỉ mỉ và trang trọng trên vách lá cũ kỹ chính là minh chứng rõ ràng cho bao nỗ lực không ngừng của em, là hiện hữu của niềm tin và động lực giữa gian nhà sập xệ như không ánh sáng và ngày mai.
Năm học mới bắt đầu cũng là lúc gia đình của Hùng phải đối mặt với nhiều gánh nặng về tài chính. Tiền học phí, sách vở, dụng cụ học tập cho Hùng, tiền thuốc thang chạy bệnh cho anh Sơn, rồi tiền chi tiêu sinh hoạt hàng ngày cho cả gia đình... Thực sự tôi không biết người phụ nữ như chị Út sẽ gồng gánh thế nào hay gia đình nhỏ này cứ lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn vay - trả rồi trả - vay không thoát ra được.
Hơn bao giờ hết, Thế Hùng rất cần sự giúp đỡ để mỗi bước em đến trường không còn lắm chông gai, để mỗi nụ cười trên môi không còn vương hơi thở của khổ đau khó nhọc. Rồi mai đây, mỗi ngày trôi qua với em là những trân trọng và đầy yêu thương!
Huỳnh Thị Thùy Linh
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây .