Bỡ ngỡ ra thành phố lớn, tân sinh viên “hớ” khi sắm đồ
- Thứ hai - 19/09/2016 14:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Bi hài” mua sắm đầu năm học
Xuất thân từ vùng nông thôn, lần đầu tiên vào Sài Gòn nhập học, Ngọc (trường ĐH Sài Gòn) bỡ ngỡ khi sắm đồ đạc để bắt đầu cuộc sống tự lập xa nhà. Bố Ngọc đưa con đi mua đồ nhưng không am hiểu giá cả nên chủ hàng nói giá thế nào, cũng rút ví ra trả y như thế.
Ngọc cho biết: “Mình “chân ướt, chân ráo” tới phòng trọ, chưa kịp trò chuyện hỏi han ai về việc sắm đồ nên hai bố con tự dắt nhau đi chợ. Đến lúc về phòng, mọi người trong xóm trọ cho biết giá cả thực mới ngã ngửa vì mình bị “hớ”. Lúc này tiếc thì cũng không thể vãn hồi vì không thể đổi trả”.
Chưa kể, vì sợ xóm trọ đóng cửa sớm, bố con Ngọc mua đồ một cách chóng vánh, không soi xét kĩ các mặt hàng. “Mình về đến nhà, dưới ánh sáng của bóng đèn mới thấy kĩ các vết lỗi sản phẩm. Cái này mình không trách được họ do mình không cẩn thận mà thôi”, Ngọc ngậm ngùi kể lại.
Nhiều bạn tặc lưỡi đua đồ sinh hoạt về phòng trọ với giá chênh đáng kể.
Vì tham rẻ, lại thích phong cách đa dạng, trẻ trung, Hoa (trường CĐ Công nghệ) mua quần áo giảm giá tại các gian hàng ở chợ sinh viên hoặc vỉa hè vào ban đêm. Tuy nhiên, vì hàng giảm giá và bày ở vỉa hè, khi mang về nhà, Hoa mới tá hỏa vì quần áo kém chất lượng, không chỉ may lỗi, vải còn phai màu và bị xù.
“Ngoài ra, có hai cái áo mình không thể mặc nổi vì quá chật. Nghĩ ra, mình tiếc lắm và đành lấy đó làm bài học sau này”, Hoa nói.
Ngoài ra, có không ít bạn khi đi chợ ở Hà Nội đã phải chịu ấm ức đến mức khóc lóc. Đó là trường hợp Tâm (trường ĐH Lao động và Xã hội) gặp phải, vì xuất hiện quá sớm nên bà chủ nhất định không cho cô bạn rời đi nếu không mua “mở hàng”.
“Cô ấy bảo mình không mua hàng sẽ ảnh hưởng đến "vía" bán hàng trong cả ngày nên không mua, không được. Mình đã nói rất thành tâm nhưng bị cô ấy mắng chửi với lời lẽ tục tĩu, nặng nề. Mấy người chủ hàng bên cạnh cũng đồng tình với cô ấy nên mình sợ quá, trả tiền để đi cho nhanh, dù biết đem về chưa chắc đã mặc”, Tâm thổ lộ.
Hay hoàn cảnh của Tú (trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội) gặp phải cũng hết sức đen đủi. Trong một lần chờ ở bến xe buýt, có một chú tiến lại chỗ Tú mời mua chiếc điện thoại cảm ứng với giá rất rẻ: 400 nghìn đồng. Nghĩ rằng mình “gặp may” vì có cơ hội mua được điện thoại giá rẻ, Hòa thử máy chưa kỹ đã vội vàng đồng ý.
“Tuy nhiên, khi mang về dùng được 1 buổi, điện thoại đã hỏng. Mình đem ra quán sửa, mới được biết rằng điện thoại đã bị thay hết đồ tốt nên chất lượng kém. Mình đành phải bán lại cho chủ cửa hàng với giá 30 nghìn đồng”, Tú cho biết.
Kinh nghiệm “bỏ túi” khi mua hàng
Nhiều bạn đã có thời gian sống lâu ở các thành phố lớn và làm quen với việc mua sắm, nên “giắt” cho mình nhiều kinh nghiệm để không bị “chặt chém”. Linh (năm thứ ba, trường ĐH Tài nguyên và Môi trường) cho rằng các bạn tân sinh viên đừng ngại ngùng mặc cả, nhất là ở chợ, vì người bán hàng thường thách giá khá cao.
Mua quần áo, giày dép buổi tối, các bạn cần hết sức lưu ý để tránh hàng kém chất lượng.
Với các sản phẩm gia dụng, chúng ta hoàn toàn có thể hạ giá thấp hơn khoảng 10 – 30 nghìn đồng. “Còn với quần áo, chuyện bị “hét” giá cao gấp rưỡi, gấp đôi là thường tình. Các bạn hãy đi một vòng để ngắm nghía, tham khảo về mẫu mã, giá cả rồi mới nên quyết định mua. Nếu có thể, các bạn tân sinh viên hãy nhờ anh chị khóa trên hoặc cùng xóm trọ đi cùng để tư vấn và trả giá giúp.
Tuy nhiên, các bạn đừng nên đi quá sớm, đặc biệt đầu tháng, vì tâm lý “mở hàng” rất nặng nề ở các khu chợ. Giờ thích hợp để đi chợ là tầm gần trưa, cuối chiều và buổi tối”.
Với đồ gia dụng, Ánh thường tham khảo các đợt giảm giá đầu năm học tại siêu thị, thấy giá cả cũng không chênh lệch quá nhiều so với ở chợ. Do đó, các bạn tân sinh viên nên tìm hiểu trước trên mạng để mua được hàng chất lượng, giá thành hợp lý.
Kim Phương (SN 1991, cựu SV trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) khuyên các bạn trẻ không nên ham đồ giảm giá hoặc quá rẻ ở vỉa hè vì “tiền nào, của nấy”. Giống Ánh, Phương cũng gợi ý tân sinh viên theo dõi các đợt hàng giảm giá khuyến mãi tại một số cửa hàng uy tín.
“Tuy nhiên, đồ giảm giá ở các shop nhiều khi cũng không cho thử, nên bạn sẽ dễ dàng mua phải bộ đồ không vừa người hoặc không ưng ý. Do đó, bạn cần chọn lựa thật kỹ về đường kim mũi chỉ, về chất liệu vải và kích cỡ bộ đồ, tránh tiếc nuối về sau”. Phương chia sẻ.
Ngoài ra, Phương hy vọng các bạn trẻ hãy bỏ qua những lời gợi ý mua hàng rẻ (điện thoại, máy ảnh, đồng hồ, kính…) ở các bến xe buýt, cổng trường đại học. Đa phần các món hàng là ăn cắp, nhặt được…nên bán rẻ. “Bạn nên từ chối ngay từ đầu, vì đồ có thể đã hỏng. Thậm chí, nếu tò mò đụng vào, dù bạn không mua cũng bị đổ tội làm hư và ép phải mua cho bằng được”.
Đặc biệt, ở các cổng trường đại học, khu chợ hoặc bến xe… tân sinh viên còn thường xuyên bắt gặp người bán tăm mang danh từ thiện. Đối tượng có thể là trẻ em, người trẻ hoặc người già. Họ rất nhanh tay dúi vào tay bạn một gói tăm và hỏi tên ghi vào quyển sổ. Sau khi ghi xong, họ đưa quyển sổ ký tên và nói rằng tăm do người mù làm nên xin tiền ủng hộ.
Phương cho biết: “Trong trường hợp này bạn hãy nói rằng mình không có tiền. Vì nếu bạn đưa vài nghìn đồng, họ sẽ đưa quyển sổ ghi danh sách những người đã ủng hộ trước đó với số tiền lớn hơn (10 – 20 nghìn đồng) để bạn phải đưa thêm. Đây chính là trường hợp lừa đảo, lợi dụng lòng tốt tân sinh viên để trục lợi nên các bạn cần phải cẩn trọng tránh xa”.
Hoài Thư