Tạm rời thủ đô, ông bố về quê làm nhà gỗ tìm bình yên ở nơi cách Hà Nội 37km
- Thứ hai - 12/04/2021 09:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Là một người yêu thiên nhiên, đề cao cuộc sống thuận theo tự nhiên, khi quyết định mua mảnh đất 1.500m2 có sẵn một ngôi nhà cũ 100m2 ở Xóm Cời, Lương Sơn, Hòa Bình (cách ngã tư sở Hà Nội 37km) nhà thiết kế Nguyễn Long đã thận trọng tu sửa căn nhà gỗ sao cho việc cơi nới, cải tạo, xây thêm không ảnh hưởng đến hệ sinh thái bên trong, đặc biệt hạn chế việc chuyển, chặt phá cây.
Hiện trạng của căn nhà 100m2.
Hình ảnh sau khi được cải tạo.
Cứ mỗi cuối tuần khi sắp xếp xong xuôi công việc ở thành phố, anh Long lại chạy xe về với ngôi nhà vườn mà gia đình mua từ năm 2019. Anh kể, bản thân mua mảnh đất này để để thỏa mơ ước nhà vườn nhưng mãi tận năm 2020 tranh thủ lúc nghỉ dịch anh mới có thời gian bắt tay vào sửa sang lại ngôi nhà.
Vốn đề cao cuộc sống thuận theo tự nhiên nên toàn bộ phần cơi nới, cải tạo, xây thêm được lựa theo cây trồng có sẵn để làm, hạn chế việc chuyển, chặt phá cây. Mọi công năng trong căn nhà được anh bố trí lại toàn bộ và mở tối đa cửa sổ ở tất cả các vị trí.
Đặc biệt, những khu vực như nhà vệ sinh, bếp, phòng ngủ anh làm theo nhu cầu sinh hoạt của gia đình mỗi khi ở Hà Nội về đây nghỉ ngơi. Trong quá trình cải tạo, anh tự lên ý tưởng và sắp xếp đồ đạc trong nhà. Phần hoàn thiện chủ yếu do anh tự làm, những hạng mục nặng, cần sự hỗ trợ anh lại nhờ thêm thợ giúp sức.
Trước khi cải tạo, ngôi nhà khá đơn giản, hầu như không có dấu ấn gì đặc biệt.
Để làm mới không gian sống, bên cạnh việc giữ nguyên kết cấu cũ của ngôi nhà, anh cũng sơn lại tường, làm lại nền và làm mới lại các ô cửa để thay đổi cách đi lại bên trong. Nền nhà được lát bằng loại đá tự nhiên bị lỗi nên có chi phí khá rẻ.Yêu cây xanh, thích trồng trọt, anh Long còn trồng khắp vườn nhiều loại hoa, cỏ có hương thơm như mộc, nguyệt quế, dẻ, ngâu, sói, bạch thiên hương, hàm tiếu... để hương thơm từ các loại cỏ cây này sẽ theo hướng gió len vào các ngóc ngách ngôi nhà, nhất là những nơi anh ngồi thiền.
Không gian bếp là nơi anh Long dành nhiều tâm huyết và chăm chút từng ngày.
Ngoài công trình là không gian chính của căn nhà thì không gian bếp 35m2 được anh Long dày công chăm chút. Anh cho biết: “Bếp luôn là trái tim của ngôi nhà, bếp ấm hay lạnh thì luôn có tác động nhất định tới mỗi thành viên trong gia đình. Bản thân mình cũng thích nấu ăn, đặc biệt thích trổ tài nấu nhiều món ăn đặc sắc mỗi khi bạn bè ghé chơi. Tổng chi cho bếp của anh Long khoảng 100 triệu đồng, chưa tính công sức và thời gian bỏ ra. Dù vất vả, gia chủ hài lòng với căn bếp ấm cúng, ngồi đó ăn gì cũng thấy ngon”.
Phía bên ngoài vườn được anh trồng khá nhiều loại cây cỏ có hương thơm.
Chừng đó thôi có lẽ sẽ chưa đủ đặc biệt đối với căn nhà vườn của nhà thiết kế Nguyễn Long. Điểm khiến mỗi người biết tới đều phải ấn tượng và nhớ mãi không quên chính là phần lớn đồ dùng bằng gỗ trong nhà là đồ tái chế từ những thứ cũ, hỏng.
Chẳng hạn như toàn bộ cửa gỗ là cửa cũ anh mua được từ đợt giải tỏa đường Trường Chinh – Hà Nội, bàn ăn mua được tấm phản bị mọt và mối xông của người dân, chân thì cắt từ những cột nhà cũ bỏ đi, vài cây gỗ trên trần là cọc tiêu đã hết hạn sử dụng, bàn đảo giá kệ từ gỗ tàu thuyền. “Tận dụng đồ tái chế là góp một phần nhỏ bé cho công cuộc bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Hơn nữa, chúng rẻ mà chứa đựng màu thời gian và tạo cảm xúc rất mạnh cho người sử dụng” – anh nói.
Rất nhiều tiểu cảnh được gia chủ khéo léo sắp đặt.
Ngoài những món đồ “lượm lặt” kể trên, những món đồ được trang trí trong căn nhà cũng hầu hết đều được anh tự tay tìm về từ những vật dụng người khác bỏ đi hoặc một số khác như bức tranh treo trên tường do chính tay anh vẽ nên và cả những thứ bạn bè tặng.
Theo chủ nhân căn nhà, thời gian sửa sang lại công trình này mất khoảng 11 tháng, trong quá trình ở anh vẫn tiếp tục chăm chút để không gian trở nên hoàn thiện nhất có thể.
Từ công trình cải tạo nhà ở của mình, anh Long cho rằng nếu bạn thực sự yêu thiên nhiên, thích trồng cây, nuôi động vật và có một công việc chủ động được thời gian thì có thể tính đến chuyện xây một ngôi nhà ở quê để không chỉ được gần gũi với thiên nhiên mà còn là lơi để lui về sau những ngày bộn bề lo toan công việc ở thành phố.
Sau cải tạo, anh Long có cho mình một không gian thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/tam-roi-thu-do-ong-bo-ve-que-lam-nha-go-tim-binh-yen-...