Nghệ nhân Phạm Nhật Hùng và tình yêu bất diệt với lan phi điệp
- Thứ bảy - 23/01/2021 02:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hoa Lan phi điệp có tên khoa học là Dendrobium Anosmum, mọc tự nhiên ở các khu rừng nhiệt đới chủ yếu phân bố ở những quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Phi điệp thuộc dòng lan thân thòng vì chúng không mọc hướng lên mà hướng ngọn xuống đất. Độ dài thân cây thường nằm trong khoảng từ 30 – 100cm.
Thân cây to khỏe cỡ ngón út, ngón trỏ. Nhưng cũng có loài thân dài đến 1,8m và thân to bằng ngón cái. Đây là loại hoa có vẻ đẹp hài hòa và tinh tế. Có nhiều loại lan phi điệp đột biến gen quý hiếm như: 5 cánh trắng Bảo Duy, 5 cánh trắng Bạch Tuyết, 5 cánh trắng Hòa Bình, 5 cánh trắng bướm đại ngàn…
Theo nghệ nhân Phạm Nhật Hùng thì việc trồng, nhân giống, chăm sóc và thưởng thức các loại hoa phong lan được coi là một thú vui tao nhã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Phong lan là loài hoa có vẻ đẹp đầy tinh tế, bí ẩn đem lại cho người chơi cảm giác nhẹ nhàng, thư giãn. Hoa lan chính là loài hoa vương giả. Nếu như một số loài hoa tượng trưng cho tình bạn, cho tình yêu, cho sự trong trắng tinh khiết, ngọt ngào thì phong lan lại tương trưng cho phẩm giá và hoàng gia, được coi là vua của các loài hoa.
Sau nhiều năm sưu tầm và nhân giống, hiện vườn lan của nghệ nhân Phạm Nhật Hùng rộng hàng trăm mét vuông cùng hàng trăm chậu hoa với nhiều chủng loại khác nhau. Anh cũng đang phấn đấu dần dần để lai tạo và sưu tầm nhiều loài hoa quý hiếm, nâng cao về kỹ năng.
Để có được một chậu lan phi điệp đột biến đẹp và có giá trị thì việc trồng và chăm sóc lan phải cực kỳ cẩn thận bởi hoa lan đột biến rất dễ bị sâu bệnh, đặc biệt là ốc sên và ruồi vàng có thể gây bệnh cho cây bất kỳ lúc nào. Với kinh nghiệm trồng và nhân giống các dòng lan đột biến nhiều năm. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi trồng hoa lan, anh Hùng cho biết phong lan cũng không nằm ngoài quy luật "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" khi chăm sóc.
Đầu tiên là việc tưới nước: khi mùa hè đến là dịp hoa lan phát triển manh cho nên cần tưới 2 đến 4 lần/tuần. Vào mùa thu thì cây phát triển chậm nên cần tưới ít nước lại khoảng 1 lần/1 tuần để cây không bị thiếu nước và teo lại. Mùa đông là thời gian lan chuẩn bị để ra hoa, lúc này bạn nên ngừng hẳn việc tưới nước. Nếu độ ẩm quá thấp nên phun sương mỗi tháng 1-2 lần.
Về ánh sáng, anh Hùng chia sẻ rằng: “Lan phi điệp cần nhiều ánh sáng gần như có thể để ở ngoài trời, nhưng cần phải có lưới che phòng khi lá non bị cháy nắng. Khi thấy cây quặt quẹo, đó là dấu hiệu thiếu nắng. Hãy đưa cây ra chỗ có nhiều nắng hơn. Nhất là vào mùa đông, nếu thiếu nắng cây khó lòng ra hoa”.
Lan phi điệp sẽ phát triển nhanh nếu độ ẩm cần phải từ 60-70%. Nếu quá thấp, cây non sẽ không lớn được và bị teo đi. Cây cũng khó phát triển được nếu không thoáng gió và có thể nụ sẽ ra ít hơn vì vậy cần giữ khí hậu của vườn ở mức cân bằng và gần giống với khí hậu vùng xuất xứ của lan.
Ngoài ra bạn không nên bón phân có chứa nhiều chất Nitrogen. Vì lan đột biến rất dễ nhiễm bệnh nên anh Hùng thường phun phòng vườn lan của mình bằng nước vôi trong 2 lần/tháng, theo như anh tìm hiểu việc phun nước vôi trong làm cho cây cứng cáp và không bị thối vì vôi có canxi. Đồng thời, vôi có khả năng diệt khuẩn nên phòng rất tốt, ridolmild gold thì phòng nấm chống thối nhũn, starner thì chuyên diệt khuẩn, starner không hại cho thân thòng.
Khi bạn nhận thấy lan phi điệp có dấu hiệu bệnh thì bạn cần mua ngay thuốc chữa bệnh cho lan ở các nơi bán uy tín. Sau đó, phun thuốc cho phong lan kịp thời.
Đặc biệt bạn nên lưu ý chọn những cây lan khỏe mạnh, mập mạp, thân không bị sâu bệnh và nên lựa chọn những nhà vườn uy tín, có đầy đủ giấy tờ để tránh “tiền mất, tật mang”.
Anh Hùng hy vọng với những chia sẻ về kinh nghiệm trồng lan phi điệp của mình sẽ giúp những người mới chơi lan hiểu rõ hơn về loài lan phi điệp từ cách trồng và chăm sóc để cho ra những chậu lan khỏe mạnh góp phần duy trì và bảo tồn sự quý hiếm của loài hoa này.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/nghe-nhan-pham-nhat-hung-va-tinh-yeu-bat-diet-voi-lan...