Nghệ nhân Đoàn Văn Thái chia sẻ kỹ thuật thuần hóa hoa lan từ môi trường sống tự nhiên
- Thứ tư - 24/03/2021 07:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hãy cùng nghe nghệ nhân Đoàn Văn Thái chia sẻ về khó khăn và bí quyết giúp anh thành công với nghề trồng lan này nhé.
Gặp gỡ nghệ nhân Đoàn Văn Thái tại vườn lan của mình, người đàn ông đậm người đang tỉ mỉ từng chút một chăm sóc cho những cây lan một cách nhẹ nhàng như thể sợ chúng sẽ đau vậy. Hình ảnh này bất kỳ ai nhìn thấy cũng đều sẽ cảm nhận được tình yêu với những cây lan của anh Thái.
Anh Thái bắt đầu trồng lan từ năm 2017, anh chia sẻ từ hồi còn đi học, đã biết đến chơi lan, cũng có tìm hiểu về cách trồng và chăm sóc.
Anh Đoàn Văn Thái (bên phải) cùng bạn yêu lan
Khó khăn của nghề trồng lan cho những người mới vào nghề rất nhiều, từ vốn đầu tư, địa điểm trồng lan, phương thức trồng và chăm sóc từng loại lan... nhưng để nhắc đến khó khăn mà nghệ nhân Đoàn Văn Thái gặp phải nhiều nhất đó là tìm ra kỹ thuật làm thế nào để thuần hóa những cây lan từ môi trường sống tự nhiên đưa về vườn nhà mà vẫn phát triển mạnh mẽ. Theo anh Thái thì đây không chỉ là khó khăn của người mới mà cả những nghệ nhân trồng lan lâu năm cũng không dám tự tin đều có thể thành thục những kỹ thuật này.
Anh Đoàn Văn Thái với niềm đam mê nghề cùng sự nỗ lực học hỏi, tìm tòi, chủ động nghiên cứu, thử nghiệm nhiều kỹ thuật thì cũng đưa ra được một vài những yếu tố quan trọng cần lưu ý nhằm khắc phục được khó khăn mà nhiều những người trồng lan gặp phải.
Với hoa lan là loài hoa sống cộng sinh trên các thân cây lớn, vách đá trong những khu rừng lớn. Hoa lan sinh trưởng với nguồn dinh dưỡng lấy từ những phần cộng sinh của mình, là loài cây không ưa nước, khó thích nghi nhiều loại khí hậu vậy nên việc trồng lan không dễ, kéo theo việc hoa lan thích nghi được với môi trường mới phải cần rất nhiều kỹ thuật.
Đầu tiên khi hoa lan mới mang từ rừng về, cần xác định được vùng mang về để hiểu khí hậu nơi đó, tạo môi trường mới tương tự để cây dễ thích nghi. Hoa lan nên được trồng ở nơi thoáng khí, có diện tích rộng và cần có mái che lưới để giảm bớt ánh sáng trực tiếp. Tuỳ vào môi trường sống trước đó của lan để lựa chọn giá thể trồng lan phù hợp, thường là gỗ hoặc dớn. Gỗ thích hợp cho hầu hết khí hậu, dớn sợi phù hợp nơi có nhiệt độ nóng ẩm, dớn vụn thích hợp cho những vùng nhiệt độ lạnh, độ ẩm cao.
Lan ngay khi đưa về vườn nhà theo anh Thái cần kiểm tra tình trạng sức khoẻ của cây. Bằng mắt thường quan sát bộ rễ của cây lan xem tình trạng như nào để quyết định phương án xử lý rễ lan. Nếu trong rễ cây có các mầm non và rễ phát triển bình thường thì nên giữ nguyên để chăm sóc. Trường hợp rễ bị sâu, hỏng hoặc dập nặng thì nên cắt rễ sát gốc cách khoảng 1-2cm và bắt đầu chăm lại để ra rễ mới.
Kỹ thuật chiết tách cây cũng cần được lựa chọn đúng thời điểm sao cho khi chiết tách xong cây vẫn có thể phát triển tốt. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và chu kỳ phát triển của lan trong năm. Vậy nên thời gian thích hợp để chiết tách hoa lan tốt nhất trong năm là vào mùa xuân mát mẻ, thời tiết dịu nhẹ. Không nên thực hiện việc chiết tách vào khoảng tháng 7 và tháng 11 trong năm vì đây là thời gian chậm phát triển rễ nhất của cây.
Trong quá trình chăm sóc những cây lan mới về vườn, cần cẩn thận quan sát mức độ hút nước của cây, thích nghi với nơi trồng, phân bón, ánh sáng...điều chỉnh dần dần để cây thích nghi dần sẽ phát triển khoẻ mạnh.
Anh Đoàn Văn Thái khẳng định, tuy kiến thức kỹ thuật là vậy, nhưng để có thể làm tốt nhất kỹ thuật chăm sóc này giúp cây hoa lan thích nghi được với môi trường sống mới, cần đòi hỏi người trồng lan luôn có một niềm đam mê, yêu thích với lan, mới có thể tỉ mỉ, tận tâm với nghề và thành công.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/nghe-nhan-doan-van-thai-chia-se-ky-thuat-thuan-hoa-ho...