Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Mẹ Hải Phòng làm ròng rọc tời đất lên sân thượng trồng cà chua, quả kết từng chùm trĩu giàn

Mẹ Hải Phòng làm ròng rọc tời đất lên sân thượng trồng cà chua, quả kết từng chùm trĩu giàn
Dù bận rộn với công việc kinh doanh nộm sứa cũng như chăm sóc gia đình, chị Hoàn vẫn vui thích với niềm đam mê trồng hoa và rau quả sạch trên sân thượng.

Do ảnh hưởng của COVID-19 nên công việc kinh doanh hải sản của chị Tô Thuý Hoàn (50 tuổi) ở Đồ Sơn, Hải Phòng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo lời chị, bản thân trước đây đã từng nghĩ đến việc làm vườn rau thuỷ canh nhưng chưa có thời gian thực hiện, nhân dịp giãn cách xã hội do dịch bệnh chị đã quyết định tận dụng khoảng sân thượng để trồng cây, các loại rau sạch, vừa có thêm thực phẩm cho gia đình do chính mình làm ra vừa thỏa mãn mong ước đã ấp ủ lâu nay.

Khu vườn sân thượng với hoa trái sai lúc lỉu của gia đình chị Hoàn.

Chị Hoàn cho hay, sân thượng nằm ở tầng 2 của gia đình có diện tích khoảng 50m2, tuy nhiên, chị xếp một khu để chứa đồ dùng gia đình, phần còn lại tầm 40m2 được chị tận dụng khéo léo trồng rau, củ, quả phục vụ sinh hoạt.

Hàng ngày, chị Hoàn mải miết với công việc kinh doanh chị luôn biết cách phân bổ thời gian để dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc rau trên sân thượng. Theo lời chị, toàn bộ ý tưởng thiết kế khu vườn đều do chị tự nghĩ ra sao cho phù hợp với không gian sân thượng cũng như nhu cầu của gia đình. 

Với phương châm đơn giản, hiệu quả, hợp lý, dễ sử dụng, không tốn nhiều công sức. Vốn là người con vùng biển nên chị Hoàn hiểu rất rõ địa lý cũng như khí hậu nơi đây. Chị cho rằng, việc trồng rau ở sân thượng thuận lợi hơn rất nhiều so với trồng dưới mặt đất nhờ không gian thoáng, nhiều ánh sáng tự nhiên.

Đu đủ và rất nhiều loại rau xanh.

Dâu Tây.

Bí xanh và đỗ cũng được trồng trên khu vườn sân thượng.

Chủ nhân khu vườn cho biết: Mỗi loại cây trái ưa độ sáng, đất, nước khác nhau. Chị đều lựa để đặt vị trí trồng và chăm sóc phù hợp. Dụng cụ dùng để trồng cũng được chị thiết kế phù hợp với từng loại cây, loại rau. Chị tận dụng từ thùng hàng đựng hải sản, thùng không đục đáy, mà đục cạnh, cách đáy khoảng 20cm, sau đó chị đục lỗ can nhựa, đặt can xuống đáy thùng. Miệng can hướng về phía cạnh thùng đã đục, làm lối thoát cho nước, giúp rễ thông thoáng, đỡ tốn đất. Những cây có rễ sâu chị dung thùng sơn để trồng, những loại rau vụ ngắn ngày chị dùng thùng xốp vừa để dễ chăm sóc, trồng được nhiều…

Về đất, chị Hoàn đi xin của hàng xóm và xách lên tầng hai, tuy nhiên, khi trồng với quy mô lớn hơn chị thiết kế ròng rọc sau đó tời từ dưới lên trên vừa không tốn sức lại vừa sạch sẽ. Theo chị, nhờ nhà xây kiên cố nên chị không lo gặp phải vấn đề thấm trần. Mặt khác việc sử dụng thùng sơn và thùng xốp cũng hạn chế được việc nước và đất bị vung vãi ra sân. Mỗi sáng sớm chị dùng nước mưa được gia đình chứa trong bể để tưới sạch sương muối cho cây.

Cà chua bạch tuộc là loại cây được chị tâm niệm và tự hào nhất.

Trong khu vườn nhiều màu sắc, loại cây trái khiến chị tự hào và chia sẻ nhiều nhất là 6 cây cà chua bạch tuộc trồng trong những thùng xốp. Yêu thích giống cây này từ rất lâu song hai năm trở lại đây chị mới chính thức trồng. Khi những cây cà chua bạch tuộc phát triển cao, chị Hoàn dùng dây cáp điện thoại để chằng buộc làm giàn để giữ được thế vững chãi. Lúc đầu chị nuôi một thân chính, đến khi gần tới giàn thì nuôi thêm hai nhánh phụ to nhất. Hàng ngày, chị không quên ngắt bớt lá già, lá che khuất để tập trung dinh dưỡng vào trái.

Chị nói: “Cà chua ưa phân trùn quế và rác thải nhà bếp ủ phân vi sinh. Mình còn tưới nước vôi trong, thêm ít phân NPK khi ra hoa và quả nhỏ". Theo chị Hoàn, để sai quả, ngoài phân bón, rễ phải ẩm, tỉa lá thường xuyên và ánh sáng tốt. Lần đầu thử nghiệm, những cây cà chua đã sai lúc lỉu. Vài ngày, chị lại thu hoạch một lứa, mỗi lần khoảng 3 kg, số cà chua đó được chị dùng để chế biến cùng các món nộm hải sản do gia đình kinh doanh.

Theo chị Hoàn, từ ngày trồng được cà chua, chị tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong việc kinh doanh. Mặt khác, vì cà chua tự trồng vừa sạch lại ngon nên được khách rất ưa chuộng và tin tưởng.

Ngoài hoa và các loại rau, chị trồng hơn chục chậu dâu tây, đu đủ, dưa chuột, dưa lê... Trong quá trình chăm sóc, chị Hoàn không sử dụng phân bón hóa học mà tận dụng rác thải từ các mặt hàng hải sản do gia đình bán cùng phân chuồng để cung cấp dinh dưỡng cho khu vườn. Đối với sâu bệnh, chị sử dụng các phương pháp tự nhiên để hạn chế nấm bệnh. Ví dụ cắt lá vàng, bắt sâu, chăm cây tươi khỏe sẽ tự chống được bệnh.

Mỗi ngày, chị đều tranh thủ buổi sáng và buổi chiều để lên chăm sóc khu vườn sân thượng. Dù bận rộn nhưng chị vẫn luôn tự tay làm mọi việc. Theo chị, chỉ cần sắp xếp khoa học sẽ đỡ rất nhiều sức người.

Chị Hoàn có dự định, sau này khi công việc kinh doanh đỡ bận rộn hơn chị sẽ thiết kế lại khu vườn, phân lại các khu vực rõ ràng hơn. Chị sẽ trồng hoa và rau xung quanh còn ở giữa khu vườn chị sẽ làm nơi để bản thân tập yoga và thư giãn, hóng mát của mỗi thành viên trong gia đình.

Vừa trồng cây vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, chị Hoàn tìm kiếm, đúc rút được thêm những kiến thức hữu ích giúp khu vườn trên sân thượng luôn xanh tươi, đảm bảo đủ nguồn thực phẩm sạch cho gia đình hàng ngày.

Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/me-hai-phong-toi-dat-len-san-thuong-trong-ca-chua-qua...Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/me-hai-phong-toi-dat-len-san-thuong-trong-ca-chua-qua-ket-tung-chum-triu-gian-d269849.html

Mẹ Hưng Yên cẩu đất lên sân thượng trồng cà chua, vài tháng sau được cả vườn sai lúc lỉu
Không còn phơi khô đất như trước, chị Oanh đem ủ đất, vôi cùng các phân hữu cơ để phục vụ cho công tác trồng rau sạch.
Bấm xem >>
Theo Bình An (Ảnh: NVCC) (thoidaiplus.giadinh.net.vn)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây