Kiến nghị không áp thuế nhà ở thứ 2 là nhà thương mại có giá dưới 1 tỷ đồng
- Thứ tư - 02/11/2016 04:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo lý giải của ông Lê Hoàng Châu, việc quy định đánh thế nhà ở thứ 2 dưới 1 tỷ hoặc nhà ở cấp 4 trở xuống nhằm khu biệt đối tượng chịu thuế, tách biệt người không có tiền và người có tiền. Người đầu cơ và người mua nhà để ở tốt hơn (cho gia đình, để dành cho con cái, cho bố mẹ hoặc mục đích dưỡng già....).
Theo ông Châu, hiện nhà dưới 1 tỷ đồng có mức thanh khoản rất cao nên không sợ hiện tượng đầu cơ, nợ xấu. Nếu "ôm" nhà dưới 1 tỷ đồng, dân lướt sóng sẽ không có lãi cao hoặc không tác động lớn đến giá thị trường.
Về chủ trương đánh thuế đối với cá nhân sở hữu nhà ở thứ 2 trở lên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) hoàn toàn tán thành với Bộ Tài chính.
Ông Châu phân tích: Nếu đưa vào áp dụng, sắc thuế này sẽ góp phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, chống đầu cơ, tăng nguồn cung và cơ hội cho người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở, đặc biệt tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, sắc thuế này còn hướng các nhà đầu tư thứ cấp đi vào lựa chọn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thay vì kinh doanh cá thể như hiện nay.
Ngoài việc tránh đánh thuế nhà ở thương mại dưới 1 tỷ đồng, HoREA còn đề xuất trong giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân. Đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất tài sản phụ trội tùy theo số lượng và giá trị tài sản.
Theo ông Châu, chính sách đánh thuế bất động sản đã được nhiều nước phát triển áp dụng và đây là một nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững. Tại Mỹ, bang California, thuế suất là hơn 1,2%/giá trị bất động sản/năm, còn tại bang Texas, thuế suất là hơn 4%. Tại Singapore, đánh thuế bất động sản thứ 2 rất cao, thuế tài sản phụ trội áp dụng từ năm 2013 trên bất động sản thứ 2 lên đến 7% trên giá mua nhà; 10% đối với bất động sản thứ 3. Tại Nhật, mức thuế bất động sản từ 1,4% - 2,1% trên giá trị cả nhà và đất tính theo giá thị trường và được điều chỉnh 03 năm một lần.
Mặc dù chưa có lộ trình áp dụng cụ thể, song chính sách đánh thuế nhà ở thứ 2 đang được sự đồng tình về chủ trương của nhiều chuyên gia BĐS. Tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương, cần có cách làm phù hợp, tránh đánh nhầm đối tượng, cào bằng hoặc làm méo mó thị trường.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, đánh thuế nhà ở thứ 2 là ý tưởng mới và rất hay bởi nó hướng đến ngăn chặn nạn đầu cơ đã và đang diễn ra rất nhiều tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, để đưa chính sách này vào cuộc sống, cần tính toán tác động và cách thức thực hiện: đó là phải sàng lọc đối tượng mua nhà ở thứ 2 đầu cơ khác với mua nhà ở thứ 2 nhằm mục đích chuyển chỗ ở chật hẹp, thiếu không gian. Họ có tiền, họ được mua mà vẫn giữ nhà cũ.
Mặc dù, mục đích việc tránh đánh thuế nhà ở thương mại dưới 1 tỷ đồng là tốt. Tuy nhiên, rất có thể đây sẽ là cơ hội, kẽ hở để giới đầu cơ vin vào để đầu cơ nhà ở, khiến cho hiệu quả chính sách không được thực thi.
Ông Võ nhấn mạnh: Một người có nhà ở, nhưng diện tích nhà quá chật hẹp, họ muốn mua thêm căn nhà khác để ở nhưng không bán nhà cũ. Vậy đó có phải nhà ở thứ hai cần phải đánh thuế hay không? Nếu đánh thuế, thì đối tượng này rất nhiều. Đối với người mua nhà đứng tên để cho con cái họ sau này, chuyển nhượng cho người thân, thì đây có thể được coi là nhà ở thứ 2 hay không? Nếu đánh nhà ở dạng này hoặc mục đích vay này, có gây nên khó khăn cho người dân. Còn nếu không đánh thuế, thì người mua nhà vin vào "cớ" này thì rất khó quản lý.
Nguyễn Tuyền