Hoa Trà: Hình ảnh, ý nghĩa, cách trồng và chăm sóc giúp hoa nở đẹp
- Thứ bảy - 20/02/2021 07:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dân gian xưa đã từng có câu: “Vua chơi lan, quan chơi trà”, ám chỉ loài hoa Trà trước kia rất được vua chúa và các quan lại ưa chuộng để trồng, thưởng lãm. Loài hoa Trà mang trong mình một nét đẹp thanh nhã, cao quý và vô cùng duyên dáng.
Đặc điểm của cây hoa Trà
Hoa Trà có tên khoa học là Camellia japonica, vốn có nguồn gốc từ các nước khu vực Đông Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Việt Nam. Loài hoa này ưa sống ở những nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, độ ẩm không khí cao cho nên phù hợp với miền Bắc của nước ta.
Hình ảnh cây hoa Trà
Cây hoa Trà là cây thân gỗ, thường mọc thành từng bụi lớn. Cây có chiều cao trung bình từ 2-3m, lá cây Trà trông khá giống lá chè xanh, lá mọc đơn, mép lá có răng cưa. Hoa Trà thường nở ở đầu ngọn, hoa khi nở có kích thước khá lớn, mùa hoa Trà thường rơi vào đầu mùa Xuân, tức tháng 1, hoa nở sát vào dịp Tết nên được nhiều người ưa chuộng mang về trồng trang trí trong nhà.
Hình ảnh và các loại hoa Trà hiện nay
Ở Việt Nam hiện nay theo như nhiều thống kê cho thấy có đến 26 loại hoa Trà đang được trồng và sinh trưởng tốt, phổ biến chủ yếu ở miền Bắc nước ta. Dưới đây là một số loại hoa Trà phổ biến nhất hiện nay:
1. Hoa Trà lựu
Là loài hoa Trà có màu đỏ rực như máu vô cùng đẹp mắt và cuốn hút. Chúng rất hiếm có cho nên cực kỳ được ưa thích để trồng vào dịp Tết cổ truyền dân tộc.
Hình ảnh hoa Trà lựu
2. Hoa bạch Trà
Là loài hoa Trà có một màu trắng buốt đến tinh khiết, nói không sai thì đây có lẽ là giống hoa Trà đẹp nhất từ trước đến giờ.
Hình ảnh hoa Bạch Trà
3. Hoa Trà thâm
Hay còn được gọi là hoa Trà bát diện, bởi hoa của chúng thuộc loại cánh kép, xếp đan xen nhau 8 lớp trông vô cùng độc đáo và bắt mắt.
Hình ảnh hoa Trà bát diện
4. Hoa Trà vàng
Là loài hoa Trà có màu vàng ươm, còn có tên gọi khác là Kim Trà. Đây cũng là giống hoa khá quý hiếm và khó trồng, chỉ xuất hiện trong những dịp thật đặc biệt.
Hình ảnh hoa Kim Trà
5. Hoa Trà Cung đình
Hay còn được gọi là hoa Trà hồng hoặc Hồng Trà, là giống hoa Trà phổ biến nhất hiện nay, trước đây thường xuất hiện trong cung đình và chỉ có vua chúa hoặc quan lại mới được trồng.
Hình ảnh hoa Hồng Trà (hoa Trà My hồng)
Ý nghĩa hoa Trà
Với mỗi màu sắc khác nhau, hoa Trà lại mang trong mình một ý nghĩa sâu sắc và giá trị ít người biết đến:
- Ý nghĩa hoa Trà hồng: Tượng trưng cho sự ngưỡng mộ và khâm phục một ai đó, ngoài ra nó còn là biểu tượng của tình yêu hạnh phúc.
- Ý nghĩa hoa Trà vàng: Tượng trưng cho sự cao quý và sang trọng giống như màu vàng của hoa.
- Ý nghĩa hoa Trà đỏ: Tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng.
- Ý nghĩa hoa Trà trắng: Tượng trưng cho sự trong sáng, tinh khiết của người con gái đang trong giai đoạn trưởng thành, khao khát được yêu và hạnh phúc. Ở một số quốc gia, hoa Trà trắng mang ý nghĩa chia sẻ nỗi đau, mất mát cho nên thường được dùng trong tang lễ.
Cách trồng và chăm sóc hoa Trà nở đẹp vào dịp Tết
1. Chọn đất trồng
Hoa Trà là loài thực vật cực kỳ ưa đất chua, cho nên đất trồng tốt nhất cho cây nên là đất mùn có độ tơi xốp tốt và có độ pH lý tưởng từ 4-5. Ngoài ra nếu bạn không có sẵn đất chua thì có thể tăng thêm hàm lượng khoáng chất như sắt, sulfur để cải thiện độ chua tốt hơn.
2. Ánh sáng
Hoa Trà không chịu được cường độ ánh sáng quá mạnh từ mặt trời, do vậy bạn nên đặt cây ở những nơi ẩm thấp và râm mát sẽ thích hợp cho sự phát triển của hoa.
Hoa Trà ưa thích những nơi râm mát và ẩm ướt
3. Độ ẩm
Hoa Trà là loài ưa ẩm, ghét khí hậu nóng, vậy nên độ ẩm càng cao và mát mẻ thì hoa càng dễ sinh trưởng và nở đẹp. Do đó nếu như bạn không sống ở khu vực miền Bắc thì phải thường xuyên tăng cường độ ẩm cho cây thông qua việc tưới nước và đặt cây trong bóng râm.
4. Bón phân
Nên sử dụng phân bón hữu cơ pha loãng với nước để tưới cho cây, đặc biệt là vào giai đoạn cây chuẩn bị ra hoa và nở rộ. Nếu không muốn pha loãng, bạn có thể rắc phân xung quanh rễ và cách gốc tầm vài cm.
5. Phòng sâu bệnh
Nếu như được chăm sóc tốt, cây hoa Trà rất hiếm khi gặp sâu bệnh. Tuy nhiên bạn vẫn cần đề phòng một số loại côn trùng có thể ăn lá và tấn công hoa. Khi đó hãy có biện pháp phòng ngừa phù hợp như tỉa cành lá hoặc phun thuốc trừ sâu.
6. Thay chậu
Hoa Trà là loài thực vật có bộ rễ chùm khá phát triển, sau khoảng một vài năm là phải thay mới chậu cây để không làm cản trở sự sinh trưởng của rễ. Khi thay sang chậu mới to hơn, bạn hãy cẩn thận nghiêng lắc và tách nhẹ nhàng bầu đất nguyên rễ của cây từ chậu cũ và đặt vào trong chậu mới. Tuyệt đối không làm mạnh tay, gây hỏng hoặc dập rễ, bởi điều đó có thể gây ảnh hưởng đến cây.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/hoa-tra-hinh-anh-y-nghia-cach-trong-va-cham-soc-giup-...