Hành trình theo đuổi đam mê và chinh phục hoa lan của nghệ nhân Nguyễn Tấn Mỹ
- Thứ ba - 13/04/2021 09:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Mỹ sinh ra và lớn lên tại Bình Dương, anh là một trong những nghệ nhân sưu tầm lan có tiếng ở nơi đây, với kinh nghiệm lâu năm trong nghề anh Mỹ đã giúp đỡ nhiều người chơi lan tại Bình Dương cũng như phát triển nghề trồng lan ở nơi đây.
Chân dung nghệ nhân Nguyễn Tấn Mỹ
Để có được vườn lan như hiện tại, anh đã trải qua không ít khó khăn thử thách. Nói về cơ duyên đến với hoa lan, anh Mỹ chia sẻ rằng anh vốn đã yêu thích nét đẹp nhẹ nhàng, sang trọng, thanh tao của loài hoa này từ khi còn nhỏ nhưng lúc đó chưa có đủ điều kiện kinh tế để theo đuổi đam mê một cách nghiêm túc. Trong một lần đi giao lưu với một số người bạn yêu lan, được mời tham gia buổi chia sẻ giữa các nhà vườn trên toàn quốc. Lắng nghe những chia sẻ, sự đam mê, yêu thích và nỗ lực chinh phục những giống hoa lan quý hiếm, một lần nữa đam mê trong anh lại bùng cháy và anh quyết định theo đuổi đến cùng.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Mỹ luôn tỉ mỉ chăm sóc từng gốc lan tại vườn của mình
Tuy nhiên nghề nào cũng có những khó khăn riêng, để đạt được thành công đó cả là một chặng đường dài, đầy chông gai đòi hỏi sự kiên trì, cố gắng của người trồng lan. Anh Nguyễn Tấn Mỹ chia sẻ rằng: “Với mình trong bất cứ ngành nghề nào đều cần đến sự tận tâm uy tín và chất lượng, nhất là nghề trồng lan, mình luôn dành trọn thời gian để chăm sóc, theo dõi quá trình phát triển, nếu không tận tâm thì khó mà theo đuổi đam mê”.
Xuất phát từ dân kinh doanh, chưa từng có cơ hội trồng hay chăm sóc hoa cây cảnh do đó thời gian đầu anh Mỹ đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc.
Anh cho biết: "Giai đoạn đầu khi mới bắt tay vào trồng lan, tôi chưa hề biết cách chăm sóc, nhân giống dù trước kia tôi đã đọc qua nhiều sách báo, tìm hiểu trên cả internet, những hội trồng lan… nhưng khi áp dụng vào thực tế thì nó khó khăn hơn tôi tưởng tượng. Để có một chậu lan đẹp đòi hỏi người chơi cần nắm vững những kiến thức căn bản từ cách chọn giống, tạo môi trường sống phù hợp với từng giống lan, cách bón phân tưới nước ra sao…tôi đều phải học hỏi và tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân mình. Có những ngày tôi dành gần như toàn bộ thời gian để nghiên cứu, chăm sóc chúng tuy nhiên vì làm sai quy trình nên chỉ sau 2 tháng các chậu lan tôi trồng bắt đầu nhiễm bệnh và chết rất nhiều. Điều đó làm tôi rất buồn và nhụt trí nhưng vì đam mê nên tôi càng mong muốn chinh phục loài hoa này đến cùng”.
Một góc vườn lan của nghệ nhân Nguyễn Tấn Mỹ
Suốt thời gian đó dường như cuộc sống của anh gắn liền với vườn lan 24/7, anh Mỹ cũng tìm hiểu nguyên nhân sao cây lại chết, học hỏi và trao đổi với người có kinh nghiệm đi trước dần dần anh đã biết cách chăm chúng sao cho có hiệu quả. Anh cũng thường xuyên đến tham quan, giao lưu với các nhà vườn uy tín để học hỏi, lắng nghe lời khuyên từ họ.
Và cuối cùng mọi sự kiên trì, nỗ lực của anh đã được đền đáp. Hiện tại vườn lan của anh rộng hơn 150 m2 được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, máy tưới phun, điều chỉnh nhiệt độ tự động để giúp cây được phát triển một cách toàn diện nhất. Ngoài các giống lan rừng, phong lan, anh còn sưu tập được khá nhiều những chậu lan phi điệp quý hiếm bao gồm 5ct bảo duy, 5ct bạch tuyết, hồng minh châu, hồng yên thuỷ, hồng mỹ nhân, hồng phấn, gấu trúc, hồng á hậu, 5ct nha trang, 5ct phù mỹ, phan trí, xanh huế…
Anh Mỹ chia sẻ: "Nhiều người cho rằng nghề trồng lan là giết thời gian nhưng mình lại cảm thấy đó là niềm vui, những giỏ lan của mình lớn lên mỗi ngày, nảy mầm, hay ra bông lại càng làm động lực giúp mình mở rộng diện tích hơn nữa và sưu tầm nhiều thành viên mới".
Mỗi khi có khách đến tham quan anh luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình đến với những người có chung sở thích và đam mê. Anh Nguyễn Tấn Mỹ hy vọng rằng trong tương lai có thể mở rộng thêm một vườn lan nữa cũng như tiếp tục công cuộc bảo tồn và nhân giống các giống lan quý hiếm tại Việt Nam.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/hanh-trinh-theo-duoi-dam-me-va-chinh-phuc-hoa-lan-cua...