Xe ôm thời công nghệ và nước mắt cử nhân nhọc nhằn cùng cơm áo
- Thứ năm - 23/11/2017 12:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nghe “quảng cáo” là vậy nhưng có đi sâu tìm hiểu mới thấy, xét cho cùng những thứ đó chỉ là bề nổi. Với những tài xế thời công nghệ, đặc biệt là sinh viên, cử nhân… ở công việc tay trái này giúp họ đúc rút ra những kỹ năng “lạ” để... nhìn khách.
Đồng tiền mặn đắng
Một ngày làm việc của Nguyễn Văn Dũng (26 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm) thường bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào lúc nửa đêm. Địa bàn hoạt động của Dũng thường là khu vực Bệnh viện Bạch Mai hoặc bến xe Giáp Bát. Nghe kể, Dũng tốt nghiệp một trường đại học có tiếng tại Hà Nội, thế nhưng suốt hơn 2 năm sau khi ra trường cậu vẫn chưa xin được việc làm đúng với chuyên ngành.
Để “lấy ngắn nuôi dài”, Dũng đăng ký và trở thành tài xế GrabBike. “Công việc dù hơi vất vả nhưng thu nhập từ chạy xe cũng ổn định. Trừ chi phí xăng xe, điện thoại và tiền phí, một ngày chăm chỉ cũng có thể kiếm được 200 - 300 nghìn đồng” - Dũng cho biết. Dũng chỉ là một trong số hàng trăm tài xế GrabBike đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội hiện nay.
Theo lời Dũng, điều kiện để “nhập khẩu”, trở thành một tài xế của GrabBike hay Uber Moto khá đơn giản. Chỉ cần có xe máy và một chiếc smartphone cùng một số loại giấy tờ cần thiết để làm hồ sơ như giấy đăng ký xe, bằng lái, sơ yếu lý lịch, sổ hộ khẩu... Sau khi làm xong thủ tục, người đăng ký sẽ được công ty hỗ trợ mũ bảo hiểm, áo mưa, khẩu trang.
Nhắc đến chuyện nghề, đôi mắt Dũng thoáng buồn, cậu chia sẻ, mặc dù nghề đem lại nguồn thu nhập ổn định trước mắt nhưng các tài xế GrabBike thường phải đối mặt với nhiều rủi ro. Vấn đề khó khăn nhất hiện tại chính là sự xung đột với xe ôm truyền thống.
“Mình còn nhớ, thời điểm chạy GrabBike được hơn 3 tháng khu bến xe Giáp Bát thì bị dằn mặt. Khi đó mình đứng khoảng 5 phút thì có hai người tiến tới chửi bới, dọa đánh. Lý do chủ yếu là vì họ nghĩ chúng mình đang tranh giành khách, cố tình đẩy cước xe xuống thấp để “cướp” đi miếng ăn của họ. Từ đó mình rút kinh nghiệm không bao giờ tìm khách ở khu vực bến xe để tránh sự va chạm” – Dũng thật thà kể.
Cũng giống như Dũng, bạn Ngô Văn T. sinh viên Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Quốc gia) cũng tham gia chạy GrabBike để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. T quyết định chạy xe ôm vì thời gian không gò bó, có thể dễ dàng sắp xếp lịch học. Theo lời T., việc chạy xe dù khá chủ động công việc nhưng do thường xuyên ngoài đường, hít nhiều khí bụi nên khiến T. gặp nhiều ảnh hưởng sức khỏe. T. kể, dù mang tiếng là “xe ôm công nghệ” nhưng đặc thù vẫn là chạy trên đường nên cũng không khác xe ôm truyền thống là bao. Có lần T. “nổ cuốc”, khách hàng đặt ở khu vực Hoàn Kiếm. Đi được nửa đường thì xe trục trặc, hơn nữa cậu phải đi lòng vòng để tìm địa chỉ.
Vậy là, tiền cuốc xe cũng không đủ bù cho tiền xăng và tiền sửa xe. Cuốc xe ấy T. mất gần một giờ đồng hồ mà lại bị khách cho “sao thấp” (đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng trên hệ thống – PV) và chỉ được 16.000 đồng. Nhìn những đồng tiền lẻ mà lòng T. không khỏi ngậm ngùi. “Thật sự kiếm được đồng tiền không dễ dàng chút nào. Nhưng biết sao được, cũng đành phải cố thôi anh ạ” – T than thở.
Những “kỹ năng” chẳng giống ai
Theo tìm hiểu riêng của người viết, đa phần tài xế GrabBikie không phải là xe ôm chuyên nghiệp, vì thế không phải ai cũng có kinh nghiệm xử lý tình huống với khách hàng. Trần Văn Q., cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - một tài xế GrabBike có kinh nghiệm 2 năm chạy xe cười buồn mỗi khi nhắc đến những bài học xương máu để có “kỹ năng” xử lý tình huống như hiện tại.
Theo lời Q., chạy GrabBike không khác biệt nhiều so với chạy xe ôm truyền thống. “Bài học” đầu tiên mà Q. rút ra được từ nghề là “nhìn khách”. Nói cách khác, cũng như xe ôm truyền thống, xế GrabBike phải tự nhận biết khách nào có thể đi được, khách nào không.
Để có được kinh nghiệm, không dưới 2 lần Q. đã bị đối tượng khách nghiện ngập trấn lột. “Nếu nhìn qua mà thấy khách bộ dạng hung tợn hoặc dặt dẹo thì nên từ chối vì nhiều khả năng là dân giang hồ hoặc nghiện hút, đặc biệt vào ban đêm. Nếu chở phải con nghiện thì đừng cuống cuồng hay sợ hãi, nên tỏ thái độ giang hồ với chúng, bởi nếu không, người thiệt chính là mình” – Q chia sẻ.
Bên lề câu chuyện đời, chuyện nghề của những “xế ôm công nghệ”, họ đều coi viêc chạy GrabBike là giải pháp tạm thời giúp duy trì cuộc sống trước khi nghĩ đến những điều cao xa hơn. “Trước khi hiện thực hóa được những kế hoạch của cuộc đời mình, giúp đỡ được gia đình và tự trang trải mình cần một chút vốn. Mình đã nộp hồ sơ vào một công ty tư nhân chuyên về kỹ thuật để làm thêm, nếu trúng tuyển mình sẽ làm được đúng chuyên ngành đã học, cũng không phải tối ngày phơi mặt trên đường như hiện tại nữa” – Phước chia sẻ về dự định tương lai.
Theo các chuyên gia, ngay trong năm 2017 này, cả nước sẽ có thêm khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp. Đây có thể được xem là một con số đáng báo động khi tỉ lệ cử nhân quá nhiều, dẫn đến dư thừa về lao động. Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng mừng đó là, theo các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Giáo dục, việc sinh viên, cử nhân đi chạy Uber, Grab không phải là một vấn nạn ồ ạt mà chỉ ở phạm vi hẹp.
Theo baophapluat.vn