Thủ tướng: Cần quan tâm tới Cách mạng 4.0 và lao động công đoàn
- Thứ tư - 17/01/2018 15:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tai Hội nghị (Ảnh: MD)
Nhiều lĩnh vực hoàn thành vượt chỉ tiêu
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành tích của ngành LĐ-TB&XH trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Quốc hội, Chính phủ giao cũng như các công tác an sinh xã hội của ngành năm 2017.
“Chúng ta đã tổ chức trọng thể, có ý nghĩa hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ, sự kiện đã lay động tới tấm lòng của mọi người dân, trước hết là gia đình thương binh liệt sĩ. Chưa bao giờ người dân lại quan tâm tới chính sách người có công như hiện nay” - Thủ tướng nhận định.
Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH cũng ban hành nhiều chính sách lớn về người có công theo hướng quyết liệt. Đồng thời, Bộ đã quyết liệt đấu tranh chống tiêu cực trong lĩnh vực người có công.
Bên cạnh đó, Bộ đã tập trung xây dựng thể chế, chính sách pháp luật của ngành. Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ LĐ-TB&XH thực hiện tốt 100 % các đề án được giao, 28 văn bản có liên quan và 32 thông tư đã được ban hành mới nhằm hỗ trợ người dân trong điều kiện lĩnh vực vẫn còn bất cập.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: MD)
Không chỉ quan tâm tới giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động tham mưu và triển khai nhiều chính sách tới người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế và ở trong vùng thiên tai. Thủ tướng đánh giá cao việc giảm tỉ lệ nghèo ở mức 1,51 % so với chỉ tiêu do Quốc hội giao là 1,35 %. Đặc biệt, số huyện nghèo trong cả nước đã giảm từ 62 huyện nghèo xuống 56 huyện nghèo.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Năm 2017, ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt là được chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, như: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,18%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 56%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 22,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1,35% (trong đó, các huyện nghèo giảm khoảng 5%).
“Năm 2017, cả nước phải gánh chịu 16 cơn bão lớn, nhiều vùng chịu thiệt hại lớn, chúng ta xuất hơn 130.000 tấn gạo để cứu trợ để người dân không gặp cảnh màn trời chiếu đất và đói cơm đứt bữa. Các lĩnh vực khác như An toàn lao động, tuyên truyền báo chí, công tác trẻ em, bảo trợ xã hội, quan hệ quốc tế đều có thành tích lớn” - Thủ tướng nhận định.
Thẳng thắn đối diện với bất cập
Bên cạnh việc biểu dương thành tích, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý ngành LĐ-TB&XH cần tập trung giải quyết một số bất cập.
“Năng suất lao động và thu nhập bình quân của người lao động còn thấp, việc làm chưa ổn định. Thất nghiệp còn cao, đặc biệt là sinh viên ra trường chưa có việc làm ở nhiều nơi. Giáo dục nghề nghiệp chưa chuyển biến mạnh mẽ, mới ở bước đầu và chưa gắn kết nhiều với doanh nghiệp, thị trường lao động” - Thủ tướng chỉ rõ.
Ngoài ra, thị trường lao động phát triển chưa ổn định, việc quản lý người lao động nước ngoài còn nhiều bất cập. Tình trạng một số lao động VN đi làm việc theo hợp đồng bỏ trốn ở lại Hàn Quốc và Nhật Bản ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người lao động Việt Nam.
Thủ tướng lưu ý, tỉ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội chỉ gần 26 %, khả năng khó đạt mức 50 % vào năm 2020. Trong khi đó, bảo hiểm xã hội là quyền lợi hợp pháp của người lao động. Chưa kể tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội còn cao. Tệ nạn ma tuý còn diễn biến phức tạp, tình trạng bạo hành trẻ em và đuối nước còn nhiều. Công việc này đòi hỏi sự giám sát thực hiện tốt.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Bộ LĐ-TB&XH là Bộ hiện thân cho lòng nhân văn của một Quốc hội, một Chính phủ phục vụ nhân dân, từ người lao động tới người có công, những người dễ bị tổn thương. Vậy những hồ sơ người có công tồn đọng chờ xác minh, các dịch vụ công phục vụ người yếu thế cần được cung cấp như thế nào để thể hiện hiệu quả? Đây là câu hỏi đặt ra để thể hiện lòng nhân văn của một chính phủ. Vậy tinh thần phục vụ của Bộ là gì? Đó là nói và làm ngay, làm bằng được với tinh thần phục vụ, giải quyết càng sớm càng tốt các vấn đề liên quan tới chế độ của người dân”.
“Những tồn tại trên không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành LĐ-TB&XH, mà còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống, chính phủ cần phải xử lý đồng bộ. Nhưng trước hết, Bộ LĐ-TB&XH cần nghiêm túc đánh giá tìm ra nguyên nhân, chủ động tìm các biện pháp phối hợp cùng các ngành liên quan thực hiện tốt hơn trong năm 2018” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2018 là năm “bản lề” quan trọng để chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, năm thực hiện kế hoạch 5 năm với nhiều thuận lợi và thách thức. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết với 9 nhóm và hơn 220 nhiệm vụ cho các ngành. Với 11 nhiệm vụ cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH cần có kế hoạch cụ thể để triển khai ngay từ đầu năm 2018.
Về quan điểm chính phủ kiến tạo, Thủ tướng lưu ý Bộ LĐ-TB&XH cần thẳng thắn xác định rõ: “cái gì cần làm và cái gì để thị trường làm, nhất là lĩnh vực lao động việc làm”.
Thủ tướng lưu ý ngành LĐ-TB&XH quan tâm tới 2 vấn đề "nóng"
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cuộc Cách mạng 4.0 đang diễn ra rất nhanh và cơ bản dựa trên thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin với đặc trưng là kết nối thiết bị - thiết bị, thiết bị - người, người - người, doanh nghiệp - doanh nghiệp…Bộ LĐ-TB&XH với tư cách quản lý nhà nước về lao động cần chủ động vào cuộc, nhằm tránh những hệ luỵ xấu có thể xảy ra với các ngành nghề, đặc biệt các ngành có nhiều người lao động.
Vấn đề lao động và công đoàn, VN đã và sẽ tham gia các Hiệp định quốc tế, trong đó có điều khoản quy định về lao động công đoàn và việc thực hiện nghiêm túc quy định của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Thủ tướng lưu ý Bộ LĐ-TB&XH cần có chính sách quan tâm tới người lao động, nhất là các hiệp định quốc tế mà chúng ta đã ký, nhằm hạn chế những hậu quả xấu tới người lao động.
“VN đã đồng ý tham gia Hiệp định thương mại tự do gồm 11 nước, không có Hoa Kỳ. Trong đó có nói đến mô hình đại diện người lao động không thuộc Tổng LĐLĐ VN sau 5-7 năm tới. Vậy điều gì sẽ xảy ra trong quan hệ lao động của VN? Điều này đòi hỏi Bộ LĐ-TB&XH phải chủ động và phối hợp với các bộ, ngành liên quan vào cuộc” - Thủ tướng nêu vấn đề.
Hoàng Mạnh