Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Thanh Hóa: Trung tâm dạy nghề 30 tỷ đồng vắng như “chùa bà đanh”

Thanh Hóa: Trung tâm dạy nghề 30 tỷ đồng vắng như “chùa bà đanh”
Một cơ ngơi được đầu tư lên đến 30 tỷ đồng từ chương trình 30a của Chính phủ nằm giữa một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Tuy nhiên, hoạt động của trung tâm thì èo uột, có năm chỉ mở được 2 lớp với con số học viên đêm được trên đầu ngón tay…

Trung tâm dạy nghề 30 tỷ vắng như “chùa bà đanh”

Trung tâm 30 tỷ đồng giữa huyện nghèo

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, Trung tâm dạy nghề huyện Thường Xuân (Trung tâm), đóng trên địa bàn xã Xuân Cẩm, huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Trung tâm ra đời từ chủ trương nâng cao nhận thức của cán bộ và lao động nông thôn về vai trò đào tạo nghề, hướng đến tăng thu nhập và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực nông thôn theo Đề án: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ.

Kho chứa nguyên liệu phục vụ dạy nghề mộc

Trung tâm này cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt danh mục dự án đầu tư xây dựng các Trung tâm dạy nghề năm 2010 thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị Quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ đối với 7 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, Trung tâm được tách ra từ Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Thường Xuân từ năm 2009. Tổng vốn đầu tư cho việc xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị của Trung tâm dạy nghề là hơn 30 tỷ đồng. Trong đó bao gồm cả xây dựng cơ bản 26 tỷ và mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề hơn 4 tỷ đồng. Trung tâm chính thức được đưa vào sử dụng từ năm 2011.

Trung tâm ra đời nhằm phục vụ nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với ngành nghề cần học và cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền và công chức chuyên môn xã; cán bộ nguồn bổ sung thay thế nằm trong quy hoạch cán bộ đến năm 2015 và đến năm 2020.

Phòng chứa máy móc phục vụ dạy nghề cửa đóng then cài

Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác.

Nhìn vào cơ ngơi khang trang với những dãy nhà cao tầng nằm trong khuôn viên sạch đẹp, nhưng hiệu quả hoạt động của Trung tâm không như mong đợi. Số lượng học viên đăng ký tham gia giảm dần theo từng năm, năm 2015 chỉ mở được 2 lớp với khoảng 75 học viên. Ngoài ra, Trung tâm liên kết với trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải tổ chức học, thi và cấp giấy phép các lớp lái xe hạng A1, B1, B2, C, tổ chức thi và cấp giấy phép lái xe máy.

Theo kế hoạch năm 2016, Trung tâm sẽ mở 5 lớp tại các xã: Xuân Cao, Vạn Xuân, Tân Thành, Xuân Thắng và Luận Khê với tổng số 175 học viên. Đến thời điểm này, Trung tâm mới chỉ tiến hành khai giảng được một lớp duy nhất tại xã Xuân Thắng, 4 lớp còn lại vẫn chưa có học viên tham gia.

Theo báo cáo của Trung tâm về giải quyết việc làm, thì có 90% lao động trở lên, sau khi được đào tạo nghề có việc làm ổn định, được các doanh nghiệp tuyển dụng.

Đây là tình trạng chung?

Theo quan sát của phóng viên Dân trí, Trung tâm được xây dựng với 3 dãy nhà hai tầng khang trang với đầy đủ phòng ban chức năng. Tuy nhiên, tại thời điểm phóng viên có mặt, Trung tâm chỉ có một số cán bộ, nhân viên, ngoài ra không có bất kỳ một học viên nào.

Nhìn các phòng chức năng của Trung tâm khóa trái cửa, nhiều thiết bị phục vụ đào tạo các nghề như mộc, điện dân dụng, sửa xe máy…dường như lâu ngày không hoạt động. Do khó khăn trong việc tuyển sinh nên hiện tại, Trung tâm có hướng mở các lớp ngay tại các xã

Trang thiết bị phục vụ dạy nghề bám đầy bụi bẩn

Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Thường Xuân cho biết, việc mở lớp phụ thuộc vào kế hoạch của UBND huyện và nhu cầu học của người dân. Một số nghề như hàn, điện tử, điện lạnh hiện nay không có học viên nào theo học. Hiện nay, ngay tại Trung tâm không có bất kỳ lớp nào học.

Trung tâm dạy nghề có 16 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 8 biên chế, còn lại là hợp đồng. Năm 2016, kinh phí Trung tâm được phân bổ 500 triệu đồng cho 5 lớp. Trước đó, năm 2015 mở được 2 lớp với số kinh phí được phân bổ là hơn 130 triệu đồng.

Theo đánh giá của ông Tuấn thì chủ trương thành lập Trung tâm là chính sách đúng đắn, phù hợp với điều kiện tình hình của địa phương nhưng hiệu quả thức tế chưa được như mong đợi, đây là khó khăn chung chứ không riêng gì huyện Thường Xuân.

Máy móc, thiết bị dường như đã lâu không được dùng tới

Trong khi đó, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên cũng không khá hơn khi năm học 2016-2017 chỉ có 92 học sinh, với 3 lớp học. Còn cơ sở vật chất Trung tâm có 8 phòng học, 4 phòng chức năng và nhà hiệu bộ đầy đủ. Được biết, địa phương này đang có kế hoạch sáp nhập trở lại với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện sau nhiều năm chia tách.

Ông Cầm Bá Đứng - Phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết, giai đoạn đầu Trung tâm dạy nghề hoạt động khá tốt, do còn mới và nhu cầu của bà con hào hứng, nhưng sau đó thì chìm xuống.

Theo ông Cầm Bá Đứng, nguyên nhân là do nhu cầu học của con em hạn chế, huyện có yêu cầu lập kế hoạch năm 2016 là 5 lớp. Từ thực tế tuyển sinh khó khăn nên huyện có phương án đồng ý cho Trung tâm mở lớp tại các địa phương dạy lý thuyết tại các trung tâm học tập cộng đồng của các xã, còn phần thực hành bắt buộc học viên phải về Trung tâm học.

Cơ ngơi được đầu tư hơn 30 tỷ vắng người học

Được biết, theo kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho khoảng 36.000 người. Trong đó ghề nông nghiệp 16.000 người, nghề phi nông nghiệp 20.000 người và khoảng 2.125 người khuyết tật. Phấn đấu tỷ lệ có việc làm sau học nghề tối thiểu đạt 80%...Dự toán ban đầu về kinh phí đào tạo là gần 150 tỷ đồng.

Duy Tuyên

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây