Tăng tuổi hưu: Phải cân nhắc
- Thứ năm - 08/09/2016 10:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Tôi làm công nhân may, 45 tuổi mắt đã mờ, tay đã run, làm không bằng thợ trẻ. Tôi chỉ còn làm nổi chừng 5 năm nữa là... hết xí quách nên 55 tuổi nghỉ hưu đã là quá sức, nói gì kéo dài thêm nữa”. Chị Lê Thị Nga, công nhân (CN) Công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), nói như vậy khi nghe thông tin về việc sắp tới “có thể” sẽ tăng tuổi nghỉ hưu.
Tranh cãi chưa có hồi kết
Thông tin về việc tăng tuổi hưu được Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm nhắc lại trong một hội nghị tổ chức hồi đầu tuần này tại Hà Nội. Việc này không mới bởi từ năm 2014, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã đưa vào quy định này. Tuy nhiên, sau đó đã xảy ra tranh cãi gay gắt, đa số ý kiến không đồng tình.
Do vậy, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật BHXH vẫn giữ nguyên quy định về tuổi hưu như cũ: Nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi (trừ một số trường hợp đặc biệt được rút ngắn tuổi hưu). Luật BHXH sửa đổi chỉ mới có hiệu lực từ đầu năm 2016.
Với ý kiến ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu, lý do được đưa ra là tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng, thời gian hưởng lương hưu kéo dài dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ BHXH vào năm 2034. Về phía ý kiến phản đối, trong đó có nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng thì phân tích rõ: Trước quan ngại về việc vỡ Quỹ BHXH, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã khuyến cáo 2 vấn đề: Nâng tuổi nghỉ hưu để tăng thời gian đóng BHXH và đóng BHXH phải dựa trên lương thực hưởng chứ không phải trên lương tối thiểu .
“Tại sao chỉ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu mà không nghĩ đến việc rất quan trọng để tăng tiền Quỹ BHXH là mức đóng trên lương?” - ông Đặng Ngọc Tùng đặt câu hỏi.
Theo kinh nghiệm quốc tế, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là quan trọng, đa số các nước đều điều chỉnh dần dần. Tuy nhiên không có quốc gia nào điều chỉnh tuổi hưu khi đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng và tỉ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ cao như Việt Nam bây giờ.
Ông Lê Anh Vũ, giảng viên Trường Đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), nói: “Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ngoài việc căn cứ trên dữ liệu về dân số còn phải tính toán thêm nhiều vấn đề có liên quan như cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phúc lợi xã hội, hội nhập quốc tế, giới tính, ngành nghề… Đặc biệt đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cần có những nghiên cứu, thăm dò ý kiến từ chính người lao động (NLĐ) trong từng ngành nghề cụ thể, tránh áp đặt chủ quan”.
Nên cho NLĐ chọn lựa
Việc tăng tuổi nghỉ hưu để tận dụng lực lượng lao động lớn tuổi là điều có thể thực hiện nhưng không thể áp dụng cho tất cả ngành nghề. Điều dễ nhận thấy là hầu hết giới chủ chỉ thích sử dụng lao động trẻ và dùng nhiều biện pháp để sàng lọc lao động lớn tuổi ngay cả khi họ chưa tới tuổi nghỉ hưu.
“Theo tôi, việc tăng tuổi hưu phải đi đôi với các biện pháp bảo đảm việc làm cho NLĐ để họ đủ điều kiện hưởng lương hưu. Do đó, không nên tăng mức sàn độ tuổi nghỉ hưu mà chỉ nên áp dụng ở một số ngành nghề đặc thù để bảo đảm tính công bằng” - ông Lê Hồng Phong, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Top-one (quận Gò Vấp, TP HCM), kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm này, chị Phạm Thị Ngọc Lan, nhân viên Công ty Bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam (quận 1, TP HCM), cho rằng nên điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo từng ngành nghề, đặc thù công việc. Những NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có năng lực, kinh nghiệm... có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Còn đối với những NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn và nên cho phép họ lựa chọn có nghỉ hưu trước và trước bao nhiêu năm?
Ông Đoàn Mạnh Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sài Gòn Precision (KCX Linh Trung 1, TP HCM), thì quan tâm đến vấn đề sức khỏe của công nhân. Với mức lương chưa bảo đảm cuộc sống như hiện tại, công nhân trực tiếp sản xuất ở hầu hết ngành nghề đều phải làm việc quá sức do tăng ca để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
“Mặt khác, việc doanh nghiệp có nhận lao động lớn tuổi hay không là vấn đề nan giải và khó dự đoán. Do vậy nếu muốn tăng tuổi hưu thì cần phải khảo sát và nghiên cứu kỹ nên tăng ở ngành nghề nào và tăng bao nhiêu cho phù hợp chứ không nên áp đặt” - ông Hà đề xuất.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Tăng tuổi hưu làm tăng sức ép về việc làm
Khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cần phải xem xét hai yếu tố: Thứ nhất là yếu tố sức khỏe, thể chất, điều kiện môi trường làm việc của NLĐ, nhất là lao động nữ. Đối với khu vực doanh nghiệp sản xuất như dệt may, da giày, cao su, xây dựng..., NLĐ khó có thể làm việc cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu như đề xuất. Thứ hai, nếu tăng tuổi hưu sẽ làm tăng sức ép về việc làm, giảm cơ hội phát triển đối với lao động trẻ. Quan điểm của tổ chức Công đoàn là kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ kéo theo những tác động khó có thể lường hết tới kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TICO: Phải tính toán cho phù hợp
Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được tính toán sao cho phù hợp với từng ngành nghề cụ thể. Những ngành như nghiên cứu, công nghiệp nhẹ, quản lý… có thể tăng tuổi hưu vì làm công việc này, 60 tuổi vẫn làm tốt. Tuy nhiên, những ngành như hóa chất, cơ khí hay các ngành nặng nhọc độc hại thì không nên vì những ngành này tiêu tốn sức lực của NLĐ rất nhiều.
Theo Báo Người lao động