Tăng lương cơ sở 7%: Phải kèm nhiều điều kiện khác
- Thứ ba - 18/10/2016 21:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống của cán bộ, công chức gặp khó khăn thì đề xuất tăng mức lương cơ sở 7%, đạt mức 1,3 đồng/tháng là hợp lý. Đồng thời đề nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc và cũng phải cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh lương và tính khả thi khi yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tự sắp xếp, tiết kiệm trong dự toán được giao để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương.
Câu chuyện “Tiền đâu” để tăng lương lại một lần nữa được đặt lên bàn nghị sự. Chính phủ có thể cân đối nguồn để tăng lương nhưng đi kèm với nó là một điều kiện mà chúng ta thực hiện dai dẳng lâu nay vẫn chưa hiệu quả - tinh giản biên chế.
Biên chế bao nhiêu là đủ khi mà bộ máy hành chính luôn bị kêu ca là cồng kềnh, kém hiệu quả. Vì lực lượng công chức viên chức quá đông, quá hùng hậu nên mỗi lần tăng lương là cả một cuộc “cân não” của Chính phủ. Nói tăng lương không phải chỉ đơn giản là một lần mà còn phải cân đối nguồn cho hàng loạt năm tiếp theo, cho hàng loạt chính sách “ăn theo” lương. Tăng năm nay rồi sang năm sẽ như thế nào?
Bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả nhưng lại vô cùng khó tinh giản. Lý do là để vào được cơ quan Nhà nước thường do các mối quan hệ ràng buộc, là con cháu, họ hàng của anh A, chị B, chú X… Nhiều người trong số này không làm được việc, chuyên môn yếu kém. Vì các mối quan hệ ràng buộc, chằng chéo, nếu đưa những người làm việc kém hiệu quả ra khỏi guồng máy thì khác nào “tự cắt vào tay mình”?
Theo Bộ Nội vụ, đến nay 22 Bộ và 63 tỉnh thành phố đã xác định vị trí việc làm. Nhưng cái khó là vẫn chưa có báo cáo thống kê về con số 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. 30% này là lực cản vô cùng lớn trong hệ thống, nếu không gọi được đích danh những người “ngồi mát ăn bát vàng” thì muôn đời không xóa được tình trạng cào bằng trong cách tính lương. Chứ như lâu nay, chúng ta ở mãi trong vòng luẩn quẩn, không giải quyết vấn đề được "đến đầu đến đũa"
Các chuyên gia về tiền lương đã nghĩ ra những phương án khoa học để trả lương xứng đáng cho người cống hiến thật sự. Nhưng hầu như các phương án này sau đó đều phải “cắt gọt” cho phù hợp với tình hình thực tế. Để giải quyết tốt chính sách tiền lương thì phải giải quyết các vấn đề vượt tầm của hệ thống tiền lương, thậm chí nằm ngoài hệ thống tiền lương nhưng lại có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cải cách hệ thống tiền lương, trong đó tinh giản biên chế là yêu cầu số 1.
Hy vọng, sau khi đã xác định rõ vị trí việc làm, cộng với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chính phủ điện tử… thì bộ máy sẽ bớt cồng kềnh, hiệu quả công việc sẽ tăng lên. Và đặc biệt, những người làm việc thực sự sẽ được trả lương xứng đáng với công sức, trí tuệ họ đã bỏ ra.Việc triển khai quyết liệt, rốt ráo, minh bạch Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế sẽ không có chỗ cho người lười biếng./.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN