Sẽ giải thể trường nghề hoạt động không hiệu quả
- Thứ tư - 05/10/2016 17:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tăng trách nhiệm cho các trường
Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH quản lý giáo dục nghề nghiệp. Vậy, Bộ có giải pháp nào trong đào tạo nghề để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, thưa ông?
- Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Chính phủ việc xây dựng nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp để kịp triển khai trong năm 2016. Chúng tôi hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc. Trên cơ sở đó sẽ thống nhất sắp xếp, tổ chức lại; tiếp theo là ban hành các văn bản hướng dẫn tuyển sinh, đăng ký hoạt động, tổ chức đào tạo theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.
TS Nguyễn Hồng Minh -Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH)
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên học nghề. Và để nâng cao chất lượng cũng như tăng cường phát triển giáo dục nghề nghiệp, cần nâng cao điều kiện đạt chất lượng bằng việc đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn 3 tiêu chí về trình độ đào tạo, nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề. Chúng tôi chọn giáo viên một số ngành nghề trọng tâm trọng điểm để tập trung đào tạo theo chuẩn của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bộ LĐ-TB&XH quản lý giáo dục nghề nghiệp với nhiều loại trường của các bộ, ngành khác nhau, làm sao để kiểm soát được chất lượng đào tạo?
- Trước đây, Bộ xây dựng chương trình khung, còn các bộ, ngành hướng dẫn trường trực thuộc thiết kế nội dung đào tạo từng nghề. Bây giờ, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi không quản lý chương trình khung mà tăng cường trách nhiệm cho các trường trên cơ sở quy định chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng tối thiểu mà người học phải đạt được cho từng nghề, từng trình độ.
Sau đó, chuyển cho các trường xây dựng chương trình gắn với nhu cầu thị trường, khu vực, địa bàn. Đối với chương trình, chúng tôi cũng phân loại, trong đó lựa chọn những ngành trọng điểm và các nghề có nhu cầu cao, hội nhập được trong nước và quốc tế để chuyển giao nội dung chương trình của nước ngoài. Đồng thời, tập trung đầu tư cho những bộ chương trình đó về cơ sở vật chất và thiết bị đạt chuẩn.
Sẽ có bao nhiêu nghề trọng điểm được chú trọng, thưa ông?
- Chúng tôi lựa chọn 34 nghề trọng điểm để đào tạo đạt chuẩn hội nhập quốc tế và 130 nghề đạt chuẩn quốc gia. Ví dụ như điện, công nghiệp, công nghệ ô tô, cơ khí, điện lạnh, dịch vụ nhà hàng, công nghệ thông tin là những nghề mang tính chất trọng tâm, trọng điểm đạt chuẩn quốc tế.
Chỉ có một loại trường
Hiện đang tồn tại trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề. Loại trường chuyên nghiệp dạy lý thuyết nhiều, nhưng trường nghề dạy thực hành ít. Tới đây, 2 loại trường này sẽ được sắp xếp thế nào?
- Chúng ta sẽ quy hoạch thành mạng lưới. Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ có trường trung cấp, trường cao đẳng. Các trường nào tên chưa chuẩn thì đổi, sẽ không có sự sáp nhập 2 loại trường, nếu vẫn hoạt động hiệu quả và đảm bảo cung cấp nhân lực cho thị trường, ngành, địa phương. Trừ những trường làm việc không hiệu quả thì tính đến chuyện giải thể.
Vừa rồi, nhiều trường trung cấp và cao đẳng y, dược kiến nghị được về Bộ GD&ĐT vì cho rằng Bộ LĐ-TB&XH không có chuyên môn?
- Bộ LĐ-TB&XH hay Bộ GD&ĐT không chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn. Chúng tôi chỉ quản lý Nhà nước trong việc ban hành chính sách, chế độ, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát. Còn bộ chủ quản, bộ chuyên ngành sẽ có trách nhiệm về chuyên môn của lĩnh vực trường đào tạo.
Theo quy định của Bộ Y tế, đến năm 2017 sẽ dừng đào tạo nhân lực y, dược trình độ trung cấp. Liệu các trường trung cấp có được đổi tên thành cao đẳng?
- Không thể đổi tên từ trung cấp lên cao đẳng, mà phải xác định điều kiện thành lập trường cao đẳng gồm những gì, có đạt được không. Trường trung cấp nào muốn nâng cấp thành cao đẳng phải chuẩn bị đủ điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình, giáo viên mới được thẩm định thông qua.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thủy Trúc/Báo Kinh tế đô thị