Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Quảng Ngãi: Độc đáo nghề cạo nhựa dầu rái

Quảng Ngãi: Độc đáo nghề cạo nhựa dầu rái
Để lấy nhựa dầu rái phải chặt vào thân cây, sau đó dùng lửa đốt kích thích cây tiết ra dòng nhựa trắng đục. Cứ ngỡ làm thế cây sẽ chết nhưng độc đáo là cách làm này lại giúp cây phát triển xanh tốt. Vì thế, những cây dầu rái dù mất gần 1/3 thân vẫn cao đến 30 - 40 m tỏa bóng rợp cả một vùng

Độc đáo nghề cạo nhựa dầu rái

Núi Lớn (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) là nơi duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi có rừng dầu rái hơn 40 năm tuổi.

Theo người dân địa phương, đây là loài cây được người Pháp mang đến trồng tại núi Lớn mấy mươi năm về trước. Nhựa cây được ngư dân dùng quét vào tàu thuyền, thúng đánh cá để chống thấm nước. Hiện nay dù có nhiều loại keo nhân tạo nhưng ngư dân vẫn tin dùng nhựa dầu rái vì độ bền của loại nhựa này trong môi trường nước biển.

Anh Trần Hữu Ái là một trong những người còn theo nghề lấy dầu rái tại núi Lớn để mưu sinh. Theo chân anh Ái trong một chuyến băng rừng lấy dầu rái mới thấy hết được cái thú vị của nghề.

Dùng rìu chặt vào thân cây và dùng lửa đốt để kích thích cây tiết ra nhựa

Anh Ái cho biết, cây dầu rái mọc tập trung ở lưng chừng núi Lớn trở lên đến đỉnh. Khi cây khoảng 10 năm tuổi là bắt đầu lấy nhựa. Lần đầu tiên, người lấy nhựa dầu rái dùng rìu chặt vào phần gốc cây khoảng 5 cm để "tạo ổ" cho nhựa cây chảy ra và đọng lại ở đó.

Sau khi chặt vào thân cây khoảng 2 ngày sẽ lấy được dòng nhựa đầu tiên. Tiếp đó, cứ mỗi tháng người lấy dầu dùng lửa hơ vào vị trí đã chặt trên thân cây, rồi dùng một dụng cụ gọi là bay cạo liên tục.

"Hơ lửa để kích thích cây cho nhựa. Trong quá trình hơ phải dùng bay cạo để loại bỏ lớp nhựa cháy bám vào thân cây thì nhựa mới ra nhiều. Hơ vào thân cây xong thì đợi 3 ngày sau đến tiếp tục lấy nhựa", anh Ái chia sẻ.

Mỗi cây dầu rái chỉ được lấy nhựa mỗi tháng 1 lần

Mỗi cây dầu rái sẽ được lấy nhựa bằng cách dùng lửa kích thích mỗi tháng một lần. Đúng 1 năm sau, người lấy dầu dùng rìu chặt tiếp vào vị trí cũ một nhát mỏng để cây tiếp tục cho nhựa. Nhát chặt này phải thật mỏng nhằm bảo vệ cây, vì vậy nhiều cây dầu rái được lấy nhựa 30 - 40 năm qua vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.

"Cây này rất đặc biệt là phải lấy nhựa, không lấy nhựa thì cây phát triển không tốt. Nhiều cây mất gần 1/3 thân nhưng vẫn đứng vững, xanh tốt và cao trên 40 m mà không gãy dù có gió bão", anh Ái cho biết thêm.

Rừng dầu rái tại núi Lớn có hàng ngàn cây được chia theo từng khu vực cho người dân bảo vệ, khai thác. Tuy nhiên, qua thời gian cái nghề độc đáo này dần mai một vì công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập chẳng là bao.

Nhiều cây dầu rái 30 - 40 năm tuổi bị chặt gần 1/3 thân vẫn phát triển xanh tốt

Anh Cao Văn Hà là một trong số rất ít người còn bám trụ với nghề lấy dầu rái tại núi Lớn. Trung bình anh mất 3 ngày lặn lội trên rừng để đốt, cạo dầu mới có thu nhập khoảng 450 ngàn đồng.

"Phải mất 3 ngày mới lấy được một thùng dầu 20 lít. Mỗi thùng như thế được ngư dân mua với giá 450 ngàn đồng. Tuy nhiên nghề này chỉ làm được lúc nắng ráo, còn trời mưa cây dầu không tiết nhựa nên đành chịu", anh Hà nói.

Loại nhựa màu trắng đục của cây dầu rái được ngư dân mua với giá 450 ngàn đồng mỗi thùng 20 lít

Cũng chính vì lý do đó nên hiện chỉ còn 9 hộ dân theo nghề cạo dầu rái mưu sinh. Tuy ít người còn làm nghề lấy dầu nhưng rừng dầu rái tại núi Lớn vẫn được người dân xã Hành Tín Đông chung tay bảo vệ.

"Tuy nhiều người không còn gắn bó với nghề nhưng mọi người vẫn tâm niệm bảo vệ rừng dầu rái là bảo vệ cái nghề độc đáo cha truyền con nối mà ít nơi đâu có được như ở vùng núi Lớn", anh Hà chia sẻ.

Quốc Triều

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây