Nghị lực phi thường của “tỷ phú một tay”
- Thứ năm - 15/09/2016 18:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tỷ phú chân đất
Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc do vợ chồng chị Nhung làm chủ nằm ngay cạnh đường 32. Dù sở hữu cơ ngơi nhiều tỷ đồng, nhưng cách ăn mặc giản dị, mộc mạc của chị chẳng khác nào một người dân quê. Trong tiếng máy móc ầm ầm, hàng trăm công nhân hối hả làm việc. Còn chị Nhung cần mẫn hướng dẫn những thao tác khó. Nhìn chị Nhung mồ hôi nhễ nhại, tôi bảo: “Trông chị vất vả thế này, chẳng ai dám mơ làm doanh nhân”. Chị cười hiền lành khẳng định, mình vẫn là 1 nông dân chính hiệu.
Có một điều lạ là càng gặp khó khăn tôi lại càng quyết tâm vượt khó đến cùng. Đến bây giờ khi bắt tay sang lĩnh vực nông nghiệp, tôi cũng gặp nhiều bỡ ngỡ và trở ngại lắm nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ bỏ cuộc” - Chị Mai Thị Nhung
Để có 1 đội ngũ công nhân hùng mạnh, chị Nhung cũng từng là thợ lành nghề. Dù còn 1 tay nhưng chị vẫn cùng chồng tham gia sản xuất. Chị vẫn đứng máy tiện, máy bào…
Đến bây giờ chỉ cần nhìn qua bất kỳ sản phẩm cơ khí nào, chị Nhung đều biết cái gì còn thiếu, cái gì thừa, cái nào chưa làm đúng chuẩn. Hiện công ty của chị đang sản xuất các thiết bị máy móc chế biến gỗ, máy phục vụ nông nghiệp và ngành xây dựng. Với phương châm “Lấy chữ tín làm đầu, đi vào chất lượng cao, mẫu mã đẹp”, các sản phẩm cơ khí của công ty ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng.
Vốn rất tâm huyết với nghiệp nhà nông, nhiều năm trước đây vợ chồng chị Nhung đã nuôi ý tưởng sẽ gây dựng cho mình mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2014, thấy nông dân bỏ hoang ruộng nhiều, chị Nhung bèn bàn với chồng thuê lại 120 mẫu đất của gần 2.000 hộ dân ở 2 xã Xuân Bắc và Xuân Vinh. Ngay sau khi thuê xong, vợ chồng chị áp dụng mô hình cơ giới hóa vào sản xuất. Đến nay chị Nhung đã đầu tư trạm điện, trạm bơm, 2 máy cày, 1 máy cấy, máy gặt và 2 máy múc, rồi đắp đường bê tông thuận tiện cho máy móc vào ra, vận chuyển.
Chị Nhung thổ lộ: “Một trong những yếu điểm lớn nhất của nông dân hiện nay là tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Khi Đảng, Nhà nước thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vợ chồng tôi rất tâm đắc, nhất là việc xây dựng cánh đồng lớn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Với số ruộng thuê, tôi dành ra hơn 100 mẫu cấy lúa, 3 mẫu trồng cây dược liệu và 2 mẫu đào ao thả cá, nuôi vịt”.
Gian nan vẫn không nản
Trở lại câu chuyện khởi nghiệp của chị Nhung, nhiều người không khỏi khâm phục trước nghị lực phi thường của người phụ nữ nhỏ bé này. Lấy chồng năm 18 tuổi thì đúng 4 tháng sau ngày cưới, chị Nhung gặp tai nạn lao động khi làm máy xát thóc. Ngay sau khi tỉnh dậy, chị Nhung sốc nặng khi thấy mình bị cắt mất già nửa cánh tay trái. “Người xưa bảo, giàu 2 con mắt, khó 2 bàn tay, nhưng mình không thể chôn chân phó mặc số phận”- chị Nhung tâm sự.
Vốn sinh ra ở làng nghề cơ khí, năm 1990 chị bàn với chồng chuyển sang buôn bán và sản xuất đồ cơ khí. Khởi đầu vô cùng gian nan, nhưng anh chị vẫn bền bỉ từng bước vượt qua. Đến năm 2005, từ xưởng sản xuất nhỏ, anh chị tiến lên thành lập công ty. Khi chị thuê ruộng hoang, ai cũng nói “dở hơi”. Tính đến nay, chị Nhung đã đầu tư cả chục tỷ đồng vào nông nghiệp.
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lớn trải dài màu xanh thăm thẳm, chị Nhung thổ lộ: “Đất ruộng ở đây trũng nếu chỉ cấy lúa sẽ không hiệu quả, tới đây tôi sẽ cho đào thêm ao, trên bờ sẽ trồng cây ăn quả và mở rộng quy mô nuôi vịt cùng một số vật nuôi đặc sản khác. Cây đinh lăng chưa cho thu hoạch củ nhưng tới đây tôi sẽ cho thu hái lá, đem sao cùng với một số lá dược liệu khác để làm thực phẩm chức năng. Tôi cũng đang ấp ủ sẽ mở một trại lợn quy mô khép kín hiện đại...”.
Theo Danviet.vn