Nghề giỡn chơi với tử thần
- Thứ năm - 13/10/2016 13:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bọc đường dây, thiết bị bằng lớp cách điện là công đoạn tiên quyết cho cả quá trình khắc phục sự cố mà không cần cắt điện. Ảnh: Thanh Trần
Công nhân điện lực nói về việc sửa chữa điện trực tiếp trên đường dây đang tải điện.
Nghề sửa điện vốn nhọc nhằn và nguy hiểm, khi những công nhân phải đu mình trên những cây cột chót vót, đối mặt với rủi ro có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Nhưng ngần ấy chưa là gì so với việc khắc phục sự cố trực tiếp trên đường dây đang tải điện. Ở Đà Nẵng, có một đội ngũ chuyên sửa chữa điện trong hoàn cảnh như vậy.
Tử thần trong gang tấc
Những công nhân này nói rằng mọi người gọi họ là đội sửa chữa nóng, hay đội sửa chữa “hotline” hoàn toàn không sai, bởi bất kỳ nơi đâu có sự cố họ đều có mặt kịp thời và tiến hành khắc phục sự cố.
Công nhân Phạm Thanh Sơn (Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng), cho biết: “Trước đây, khi nhận tin báo có sự cố, chúng tôi phải đến kiểm tra, làm thủ tục, chờ cho phép cắt điện mới được tiến hành sửa chữa. Sửa xong lại phải thông báo để đóng điện, thành thử mất quá nhiều công đoạn, tốn quá nhiều thời gian. Bây giờ cứ hỏng đâu là trực tiếp sửa đó, thao tác nhanh và kịp thời”.
“Đội sửa chữa nóng có nhiệm vụ vệ sinh rửa sứ bằng nước cách điện áp lực cao, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý sự cố trên đường dây đang tải điện. Việc sửa điện trực tiếp trên đường dây mang điện ngăn ngừa và loại trừ nhanh chóng các nguy cơ sự cố trên lưới điện. Ngoài ra còn giảm thời gian cắt điện khi bảo trì, bảo dưỡng, xây dựng mới lưới điện, từ đó không làm gián đoạn quá trình sử dụng điện của doanh nghiệp, người dân, nhất là trong mùa hè” - ông Võ Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng.
Một ngày trời đổ lửa, đội nhận nhiệm vụ phải thay sứ trên đường dây trung thế 22KV tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), anh em khẩn trương lên đường.
Sau khi nắm rõ sự cố, mọi người giúp nhau trang bị bảo hộ lao động được làm từ vật liệu cách điện. Chiếc xe gàu bên dưới đưa hai công nhân đầu tiên lên khu sứ bị hỏng, họ mang theo những tấm cách điện, lần lượt bọc vào đường dây và khu vực sửa chữa. Công đoạn này diễn ra tuần tự, kỹ càng.
“Đây là công đoạn đầu tiên, cũng là điều kiện đảm bảo an toàn cho cả quá trình. Nếu không bọc lớp cách điện thì không thể nào tiến hành các thao tác tiếp theo. Chúng tôi bọc từ dây ngoài cùng, đến dây giữa rồi tới các thiết bị xung quanh khu vực cần thay thế”, một công nhân cho hay.
Dưới ánh nắng chói chang, xe gàu tiếp tục đưa hai công nhân khác lên đỉnh cột cao chót vót. Đứng ở vị trí ấy, họ chỉ tập trung vào những thiết bị đang hư hỏng, tỉ mẩn sửa chữa và không hề bận tâm tới xung quanh.
Công nhân Ngô Gia Hội, giải thích: “Lên đấy rồi nhất cử nhất động của mình phải nằm trong tầm kiểm soát, không được có động tác thừa hay thích là với bên này, nhoài bên kia đâu. Sửa đường dây nóng phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc giữ khoảng cách tối thiểu 0,7m giữa người, thiết bị mang trên người với đường dây mang điện. Chỉ cần nhoài ra khỏi “vùng an toàn” là mất mạng như chơi. Mặc dù đã bọc lớp cách điện, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự tập trung và kỹ năng làm việc của mỗi người”.
Công nhân trang bị bảo hộ lao động cho nhau trước khi sửa điện trên đường dây đang mang điện. Ảnh: Thanh Trần
Sau hai tiếng đồng hồ, các công nhân hoàn thành việc thay sứ, bước ra khỏi gàu xe. Anh công nhân quệt mồ hôi chảy thành dòng trên khuôn mặt, chậm rãi giãi bày: “So với những hư hỏng trên đường dây bắt buộc chúng tôi phải “phẫu thuật” trực tiếp, thì việc thay sứ trên chưa là gì cả. Con người mình bằng da bằng thịt, chạm vào dòng điện cũng “ớn” lắm chớ, khác gì chạm trán tử thần, nhưng đặc thù ngành điện như thế thì phải làm thôi. Nếu không đủ dũng cảm thì cuộc chạm trán nào mình cũng giành phần thua hết”.
“Lạnh sống lưng”, vẫn yêu nghề
Đội sửa chữa nóng trên gồm 12 người, là những công nhân ưu tú nhất của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đuợc cử đi đào tạo, huấn luyện về công tác sửa chữa nóng lưới điện tại Công ty lưới điện cao thế TPHCM. Từ tháng 7 năm nay, đội chính thức sử dụng phương pháp này để khắc phục các sự cố về điện trên địa bàn.
Mỗi đợt xuất quân, bất kỳ sự cố lớn nhỏ gì đội cũng đi ít nhất sáu người để luân phiên thay thế cho nhau. Trong đó hai người thực hiện, hai người giám sát và hai người hỗ trợ. Mỗi công nhân chỉ ở trên thùng xe gàu chừng một tiếng là phải xuống đất thay người khác lên, tuyệt đối không ráng sức dù công việc có nhiều tới đâu nhằm đảm bảo các thao tác thực hiện luôn chính xác, đúng quy trình.
Các anh cho hay, trước mỗi lần lên cột, anh em đều hỏi nhau “khỏe không?”, nếu thấy mệt mỏi trong người là phải báo để thế người khác. “Trước khi bước chân vào đội hotline này, tụi tui đã qua mấy vòng kiểm định sức khỏe gắt gao của công ty và cơ sở đào tạo. Sau đó thì từ từ rời chiếu nhậu và tránh thức đêm. Anh em ai cũng năng chơi thể thao, làm việc có giờ giấc để đảm bảo luôn luôn “tỉnh” chứ lỡ có sự cố đột xuất mà người còn ngà ngà, gật gù thì chỉ có nước đứng nhìn thôi”, anh Hội nói.
“Sửa chữa điện mà không cần cắt điện sẽ không làm gián đoạn việc sử dụng điện của người dân”, ông Võ Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Trần
Sau khi đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày đội sửa chữa nóng nhận một công tác, từ thay thế, vệ sinh cho đến “phẫu thuật” trực tiếp trên đường dây. Thành thử mối nguy hiểm mà công nhân trong đội đương đầu càng nhiều hơn. Các anh chia sẻ rằng, việc đứt, cháy đường dây là sự cố khiến mọi người “rùng mình” nhất. Rất nhiều lần cả đội toát mồ hôi hột vì dây điện bị đứt toác ra, gần rớt xuống, có lúc lại lạnh sống lưng khi dây phóng điện khét lẹt.
“Dù biết mình chắc tay nghề nhưng đã gọi là rủi ro thì không tài nào né được. Làm sao dám chắc mình sẽ không “xui” dính nguy khi ngày nào cũng đối mặt với tử thần?”, một công nhân lo lắng. Có anh còn kể thêm trước khi bước chân vào đội sửa chữa nóng này, anh xem trên báo đài một số trường hợp bị thương tích, tử vong khi thao tác trên đường dây mang điện. Và những hình ảnh ấy luôn ám ảnh anh mỗi lần khoác bộ đồ “lính áo cam” lên mình.
Khi đối mặt với những hỏng hóc không thể khắc phục trực tiếp được, đội sẽ đề xuất cắt điện để đảm bảo an toàn. Riêng tình huống do…ông trời thì cả đội chào thua. Anh Sơn tếu táo: “Mỗi lần leo lên xe gàu tụi tui đều lầm bầm khấn trời đừng mưa. Đang bị điện “vây” mà trời ào xuống một trận là “ớn” thôi rồi! Trở tay không kịp mất mạng như chơi! Vậy nên cứ thấy trời âm u là anh em gọi nhau thu dọn đồ nghề đi về liền, không ai dám liều mạng sửa tiếp cả”.
Các anh còn tâm sự, làm việc trong môi trường có điện trường cao, chắc chắn về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng rồi cũng chính các anh, lại tự biện hộ cho cái nghề giằng co với thần chết: “Có nghề gì không tiềm tàng nguy hiểm đâu, đã chọn nghề thì phải yêu lấy nghề. Mỗi lần khắc phục sự cố mà bà con vẫn dùng điện như thường, tụi tui tự hào lắm chớ”.
Ông Võ Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho hay từ khi đi vào hoạt động tới nay, đội sửa chữa nóng đã khắc phục hàng trăm trường hợp hỏng hóc trực tiếp trên đường dây mà không cần cắt điện. Phương pháp này tiến hành nhanh gọn, kịp thời, tiết kiệm thời gian hơn sửa chữa thông thường.
Ông nói: “Công việc tiềm tàng nguy hiểm, tuy nhiên đến nay rất mừng vì chưa có bất cứ sự cố nào xảy ra, dù là nhỏ nhất. Chúng tôi luôn dặn dò anh em làm công việc này phải lấy mạng sống mình ra đảm bảo, không được phép xảy ra sơ suất”.
Ông Hòa cho biết thêm, hiện tại các thành viên của đội sửa chữa nóng vẫn hưởng lương, chế độ làm việc trong môi trường độc hại theo đúng quy định. Điện lực Đà Nẵng cũng sẽ cân nhắc thành lập thêm nhiều đội sửa chữa nóng để phục vụ tốt hơn cho việc khắc phục sự cố về điện.
Được thưởng nóng
“Từ ngày bước chân vô đội sửa chữa nóng tới nay, tui nhớ nhất lần cả đội đang sửa chữa điện ở gần công viên biển Đông thì lãnh đạo Tổng công ty điện lực miền Trung tới kiểm tra. Thấy tụi tui làm việc chăm chỉ, ngon ơ nên lãnh đạo khen quá trời, sau đó thưởng nóng ngay tại chỗ luôn. Đó là niềm tự hào, nguồn động viên vô cùng lớn đối với những người thợ điện”, công nhân Phạm Thanh Sơn kể.
Theo Báo Tiền phong