Không thể vì thu nhập mà yêu sách dạy thêm
- Chủ nhật - 28/08/2016 21:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiệu trưởng bật khóc khi nói về việc giáo viên bị cấm dạy thêm “Hiệu trưởng cũng phải cho con học thêm mới đảm bảo kiến thức“
Rất nhiều người tỏ ra lúng túng trong việc trả lời câu hỏi của vị giáo viên trên khi so sánh nghề y và nghề giáo. Tuy nhiên, đó không phải là một phép so sánh công bằng; càng không nên là một phép so sánh được chấp nhận khi mổ xẻ kỹ lưỡng về tình lẫn lý.
Nghề giáo không phải để làm giàu
Cá nhân tôi tin tưởng rằng nghề giáo viên cách đây mấy chục năm đã được xác định là một nghề không phải để kiếm tiền theo kiểu làm giàu. Thế hệ 6x của mẹ tôi, bà không chọn làm cô giáo cũng vì biết cái nghề nó chỉ đủ sống, không có dư để lo cho ba mẹ, cho gia đình nhiều tiền như kỳ vọng. Vậy nên ông bà xưa có câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
Không phải để quở trách cái nghề cao quý này, mà để nhấn mạnh đến việc kiếm ra đồng tiền rất khó. Muốn kiếm tiền làm giàu, xin thưa phải buôn bán, phải kinh doanh hay làm thương mại. Thế nên người xưa cũng có câu “phi thương bất phú” là vì lẽ đó.
Ngay cả những giáo viên giàu có mà tôi biết hoặc là họ có nghề tay trái liên quan đến chuyên môn giảng dạy của họ (tư vấn luật, mở công ty riêng kinh doanh, mở trung tâm dạy ngoại ngữ hay trung tâm luyện thi, hay phải “chạy sô” dạy nhiều trường,...).
Nhiều người Việt vẫn bảo làm nghề giáo ở nước ngoài “giàu có” lắm. Xin thưa, một người thầy từng dạy ở trường ĐH ở nước ngoài của tôi đã thẳng thắn nói rằng nghề giáo là nghề đủ sống, có chăng sung túc một chút nếu ngành dạy có thể làm thêm một vài công việc khác. Ông bảo đã chọn đi dạy, tức là chọn sách vở, chọn học trò, chọn việc chia sẻ giá trị tri thức.
Điều ấy đòi hỏi sự cho đi nhiều hơn nhận lại, nhất là trong bối cảnh chính sách giáo dục đang hướng tới việc xóa bỏ học phí, giảm thiểu các khoản thu giáo dục để đa phần người dân ai cũng được tiếp cận chuyện học hành. Các trường tư thục mở ra dành cho đối tượng có tiền, tất nhiên giáo viên sẽ có thu nhập khá hơn. Nhưng đó không thể là mẫu số chung cho cả hệ thống giáo dục được.
Nhiều thầy cô của tôi tâm sự rằng họ làm thầy giáo, cô giáo có những thứ mà nghề khác không bao giờ có. Họ có được tình cảm của nhiều thế hệ con người. Họ được gọi tiếng “thầy”, tiếng “cô”, rất thiêng liêng và ý nghĩa. Chả là vì thế nên cả xã hội này, không riêng một ai, đều tôn vinh những người làm nghề giáo. Họ được tiếp xúc với người trẻ, làm tâm hồn họ trở nên trong sáng hơn, thanh thản hơn, lạc quan hơn giữa cuộc sống mang nặng chuyện áo cơm, chuyện lợi danh.
Chưa kể làm giáo viên còn có ba tháng hè, làm được nhiều việc với gia đình, người thân và cho cá nhân họ. Trong khi làm bác sĩ như bạn tôi thì tối tăm mặt mũi quanh năm suốt tháng, có hôm trực thâu đêm; hay như ông anh làm dầu khí, một năm mất hết sáu tháng lênh đênh trên biển. Làm nghề giáo mang về những giá trị riêng mà nhiều nghề khác không bao giờ có.
Thế nên thầy dạy tôi năm ba ĐH - một CEO của công ty Singapore lớn - nói rằng thù lao giáo viên còn thấp hơn thời gian ông dành ra để ngủ nhưng nó mang lại niềm vui về tinh thần mà ông không thể mua bằng tiền.
Không đổ gánh nặng lên vai học sinh, phụ huynh vì thu nhập thấp
Tôi cứ cho là chính sách lương ngành của Việt Nam còn nhiều vấn đề phải bàn. Có người đặt vấn đề “nhà nuôi hai đứa con, tháng chỉ có 4 triệu đồng thì làm sao sống?”. Tôi nghĩ nếu đồng lương không đáp ứng nhu cầu tối thiểu của đời sống thì cần phải có sự điều chỉnh từ nhà quản lý giáo dục. Cá nhân tôi cũng là giáo viên, cũng từng nghe nhiều đồng nghiệp góp ý với trường về lương bổng.
Tôi cho rằng đó là hình thức đấu tranh hợp lý, chuẩn mực để giáo viên có thể có đủ tiền để sống với gia đình một cách sung túc cơ bản. Nếu có đấu tranh về thu nhập, phải đấu tranh với lãnh đạo ngành giáo dục bằng những lập luận, lý lẽ, bằng chứng thuyết phục. Tuyệt nhiên không vì vấn đề lương bổng mà dẫn đến chuyện dạy thêm, đặt gánh nặng lên học sinh và phụ huynh. Điều đó không công bằng, thiếu đạo đức nghề nghiệp nếu không muốn nói là vô lý.
Tôi nghi ngờ việc tất cả giáo viên kêu ca “làm nghề giáo không đủ sống”. Tôi lớn lên ở một huyện miền núi, đời sống đa phần nghèo khó. Việc học thêm là rất hạn chế, chỉ có vài môn tự nhiên và ngoại ngữ có khả năng dạy thêm. Nhưng thầy cô của tôi đều khá giả hay đủ sống.
Tất nhiên như tôi nói ở trên, nhiều giáo viên hiện nay thu nhập đủ sống (như đặc tính của cái nghề) nhưng nói họ nghèo khổ thì không đúng. Vài trường hợp cá biệt khi giáo viên bệnh hiểm nghèo thì có công đoàn, có anh em đồng nghiệp, cần hơn thì có mạnh thường quân hỗ trợ chữa trị. Con cái họ cũng được ưu tiên học bổng nếu học tốt.
Còn đối với những trường hợp làm giáo viên mà đòi có nhà cao tầng, xe sang trọng, chi tiêu thoải mái,... thì đó là những đòi hỏi nằm ngoài khả năng cơ bản của nghề giáo. Tiếc là xã hội vẫn còn nhiều thầy cô áp đặt những nhu cầu cá nhân, từ chiếc điện thoại sang trọng, chiếc xe đắt tiền đến những mức chi tiêu xa xỉ hằng ngày lên vai phụ huynh và học sinh qua cái mà họ gọi là “dạy thêm”. Nói như vậy để thấy hiện nay nhiều giáo viên chưa nhận thức đúng về nghề giáo nên cố tình “tát nước theo mưa” để bao biện cho việc dạy thêm.
Phải nói thêm là những người thầy, người cô tôi nể trọng từ tiểu học đến ĐH, dù dạy môn nào thì họ cũng sung túc. Điểm chung của họ là họ giỏi chuyên môn, yêu nghề, yêu học trò, yêu công việc truyền đạt chữ nghĩa; họ làm việc tận tụy và hết mình. Nếu có những yêu cầu này thì nghề giáo, dẫu không phải là nghề để làm giàu nhưng tuyệt nhiên không khiến người ta khổ sở vì đồng thu nhập.
Nếu thấy là nghề giáo thu nhập thấp và không đấu tranh được để tăng lương thì hãy đừng “lâm trận”. Còn đã chọn nghề giáo thì dù thế nào cũng không thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh và phụ huynh. Nói như vậy là cũng để ngành giáo dục xem xét lại chính sách thu nhập đối với những người đứng trên bục giảng.
Theo Bình Sơn/PLO.VN