Câu chuyện với thợ lò có thu nhập "khủng" nhất TKV
- Chủ nhật - 04/02/2018 06:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổ trưởng sản xuất, tay nghề 6/6, là thợ giỏi xuất sắc cấp Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và nhiều năm đứng đầu đội ngũ công nhân lao động của Tập đoàn về mức thu nhập, đạt nhiều danh hiệu chiến sỹ thi đua. Năm 2017, mới tính đến giữa tháng 12, mức thu nhập của anh đã đạt gần 430 triệu đồng, bình quân 36 tiệu đồng/ tháng, chưa kể tiền thưởng cuối năm và tiền Tết. Nếu xét mặt bằng chung của mỗi thợ lò vào khảng 10 đến 20 triệu/tháng, thì đây quả là một kỷ lục “khủng” mà nhiều người mơ ước.
Người thợ lò ấy là Phạm Hữu Thiện, tổ trưởng tổ sản xuất, công trường Kiến thiết Cơ bản, Công ty cổ phần Than Hà Lầm, người nhiều năm có thu nhập cao nhất Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam
Quê Mỹ Đức, Hà Nội, năm 2003, chàng thanh niên sinh năm 1983 Phạm Hữu Thiện “dạt” đất Quảng Ninh kiếm kế sinh nhai. “Rồi qua người quen, với tầm bằng đã có tại trường đào tạo nghề mỏ Hồng Cẩm – Quảng Ninh, tôi may mắn được nhận vào Công ty CP Than Hà Lầm làm nơi “định” nghiệp với công việc ban đầu là phụ vận chuyển vật liệu cho thợ đào lò”, Thiện chia sẻ.
Với việc trả lương bằng chấm công số ngày và năng suất trong ngày công, thì mỗi người thợ lò luôn nỗ lực lao động để đạt được hiệu quả chung cũng như thu nhập cho bản thân. Tuy nhiên, ngày công của Thiện thường cao nhất, năng suất trong một ngày công cũng xếp tốp đầu.
Hỏi vì sao? Anh nói: Phải ăn, ngủ, nghỉ đầy đủ, đúng giờ để đủ sức khỏe làm việc, phải đến sớm, vào ca đúng giờ, không la cà, thời gian giải lao cũng hạn chế tối đa, phương tiện, dụng cụ luôn chuẩn bị sẵn để không mất thời gian tìm kiếm, làm việc thì tập trung, tập trung và tập trung. Đặc biệt, phải quan sát các tình huống để xử lý, phải chú ý các thao tác sao cho gọn, nhẹ, hiệu quả, Thiện nhấn mạnh.
Với lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm và thành tích sản xuất, anh được tín nhiệm đề bạt làm tổ trưởng tổ đào lò, phục vụ công trường khai thác. Công việc của người tổ trưởng, phụ trách 36 người thợ đào lò, trách nhiệm về tiến độ, về sự an toàn cho cả đội, về tính hợp lý trong phân công để tăng năng suất đương nhiên là rất nặng nề. Đặc biệt là tổ của Thiện là tổ đào lò đá, đòi hỏi cao hơn về yếu tố an toàn và kỹ thuật.
Và Thiện, như phó quản đốc Đinh La Phương nhận xét: Đã thật sự là chỗ dựa cho anh em trong tổ bởi tay nghề vững chắc, giàu kinh nghiệm và khả năng xử lý tình huống. Thiện cũng là người có nhiều ý kiến đóng góp với chuyên môn về hợp lý hóa sản xuất như việc dùng gỗ chống lầy với máy xúc bánh xích khi đào chỗ nước lầy.
Hỏi Thiện, công việc đào lò, sợ nhất tình huống nào? Thiện chia sẻ, sợ nhất là khi gặp địa hình phay, phá (địa hình bất thường, có các rãnh trượt, thậm chí là có nước ngầm, đất đá và than có thể bị vò nhàu. Đây là những địa hình có kết cẩu lỏng lẻo, thường xảy ra các biến cố trong khi đào nếu không có kinh nghiệm). Thời kỳ mới nhận tổ trưởng, tổ của anh đã phải vật lộn hơn tháng trời với loại địa hình này tại vỉa 300.
Những năm tiếp theo, thỉnh thoảng vẫn gặp tình huống tương tự. Nhưng Thiện và anh em trong tổ đã kết hợp kinh nghiệm, khả năng phán đoán và sự khéo léo để đưa những mét lò vượt qua chặng phay phá một cách an toàn. Là người thợ có tay nghề cao, bậc 6/6, Thiện luôn thắp lửa cho tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” trong ý chí của anh em đồng nghiệp. “Bên nhau trong từng ca sản xuất ở dưới hầm lò, nếu không đoàn kết sẽ không thể có hiệu quả và an toàn lao động được” ,Thiện chia sẻ.
Cũng nhờ vậy, nhiều năm qua Tổ đào lò của anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tổ đào lò xuất sắc của đơn vị. Và tổ của Thiện cũng đã góp phần làm nên một Than Hà Lầm hiệu quả hàng đầu Tập đoàn. Riêng năm 2017, Than nguyên khai đạt 2,718,000 tấn đạt 100,7% kế hoạch năm, trong đó than lộ thiên là 315, 000 tấn đạt 105% kế hoạch năm, Than hầm lò là 2, 403, 000 tấn/ đạt 100,1%, là một trong những đơn vị dẫn đầu Tập đoàn.
Khi tôi hỏi về ý định gắn bó lâu dài với công việc này không? Thiện cười: Chỉ mong sức khỏe luôn tốt để gắn bó mãi với công ty. Minh chứng của quyết tâm gắn bó ấy là Thiện đã đưa vợ con ở quê ra đất mỏ, xây nhà, dựng cửa để an cư lạc nghiệp. Khoản tiền thu nhập trên 800 triệu, chỉ tính 2 năm 2016, 2017 đã giúp anh có mái ấm khá khang trang. Với anh, gia đình, công ty và đồng đội trong tổ luôn là động lực để anh luôn sẵn sàng với công việc vất vả, độc hại và không ít những khó khăn này.
Thiện cũng nhấn mạnh với tôi, cùng với nỗ lực của bản thân, là sự quan tâm, chăm lo của Ban lãnh đạo công ty, đặc biệt là việc đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới về khai thác hầm lò, điều này đã giúp tôi và anh em thợ lò đạt được năng suất cao như vây. Tôi sẽ quyết tâm tiếp tục đạt được con số thu nhập nửa tỷ đồng trong năm tới, Thiện quyết tâm.
Gần nửa tỷ đồng cho một năm lao động, với một cái nghề không hề được coi là “Hot”. Câu chuyện của Phạm Hữu Thiện có thể là gợi ý cho những bạn trẻ đang lập nghiệp: Hãy yêu công việc, hãy thổi vào đó tình yêu lao động và tinh thần trách nhiệm, hãy chấp nhận khó khăn, thử thách như một phần tất yếu để kiên định vượt qua, bạn sẽ gặt được trái ngọt, dù bạn đang ở đâu và làm công việc gì.
"Năm 2017, Công ty Than CP Than Hà Lầm có 197 thợ lò thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên, 49 thợ lò thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, đặc biệt có 02 thợ lò thu nhập trên 400 triệu đồng. Trong số 16 công nhân có thu nhấp trên 300 triệu đồng năm 2016 thì 14 công nhân tiếp tục duy trì được trong năm 2017. Đây là những con số xếp tốp đầu trong Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam" - Lê Cường
Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp