58 người lao động nhận sổ BHXH mới khi sổ cũ…vẫn còn nguyên
- Thứ năm - 25/08/2016 01:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Buổi cấp sổ BHXH mới cho 58 lao động tại Hải Phòng hôm 23/8.
Bà Nguyễn Thị Lộc - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hải Phòng, trao đổi với báo giới tại buổi cấp mới sổ BHXH cho 58 lao động thuộc Công ty cổ phần công nghệ phẩm Hải Phòng và Công ty cổ phần cung ứng tàu biển Hải Phòng hôm 23/8 tại Hải Phòng.
Niềm vui sau nhiều năm không có lương hưu
Nhỏ nhắn và kiệm lời, ông Nguyễn Đức Thạnh (nguyên cán bộ Công ty cổ phần cung ứng tàu biển Hải Phòng) ngồi dự buổi trao sổ BHXH mới với niềm vui chờ đợi bấy lâu. Nghỉ hưu từ năm 2012, nhưng các chế độ hưu trí của ông Nguyễn Đức Thạnh tới nay chưa được thực hiện.
“Năm 2012 tôi đủ 60 tuổi để nghỉ hưu. Theo quy định, người nghỉ hưu phải có quyết định của Tổng giám đốc và sổ BHXH. Tuy nhiên, 2 điều kiện kia đều không có. Chính bởi vậy, hơn 4 năm qua tôi vẫn trong tình trạng đi làm nhưng không có đồng lương chính cũng như lương hưu nào cả” - ông Nguyễn Đức Thạnh nói.
Cùng cảnh với ông Nguyễn Đức Thạnh, ông Trần Ngọc Sơn sinh năm 1954, nguyên cán bộ Công ty cổ phần công nghệ phẩm Hải Phòng cũng có hơn 2 năm không có lương hưu vì sổ BHXH bị một cá nhân chiếm giữ.
“Tôi đủ tuổi hưu vào năm 2014. Nếu chiếu theo quy định, tôi phải được hưởng chế độ từ 2 năm nay. Vì chưa được làm thủ tục nên tôi không có lương hưu và chế độ khám chữa bệnh theo BHYT. Các chi phí đều phải nhờ vào các con” - ông Trần Ngọc Sơn nói.
Với bà Đỗ Thị Đạt, nguyên cán bộ Công ty cổ phần công nghệ phẩm Hải Phòng, việc nhận lại sổ mới cũng chấm dứt chuỗi ngày đi đòi quyền lợi ở nhiều cơ quan chức năng. “Hơn 4 năm đủ tuổi hưu, nhưng tôi không có một đồng lương hưu vì không làm được thủ tục nghỉ hưu do thiếu sổ BHXH. Tôi không có lương hưu nên phải tự túc sống, Thực sự là gian nan. Tại sao sự việc để tới 4 năm mới có thể chấm dứt?” - bà Đỗ Thị Đạt nói.
Những ý kiến trên cũng là tâm sự chung của nhiều lao động thuộc 2 doanh nghiệp Công ty cổ phần công nghệ phẩm Hải Phòng và Công ty cổ phần cung ứng tàu biển Hải Phòng.
Nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ việc tranh chấp nội bộ của 2 doanh nghiệp nhiều năm nay. Sự việc tranh chấp được nhiều cấp thẩm quyền xử lý nhưng chưa có kết quả. Sổ BHXH của nhiều người lao động bị một cá nhân giữ nhiều năm (Công ty cổ phần công nghệ phẩm Hải Phòng) hoặc bị niêm phong trong văn phòng công ty (công ty cổ phần cung ứng tàu biển Hải Phòng).
Công đoàn công ty và người lao động đã gửi đơn kêu cứu tới cơ quan chức năng. Nhiều lao động của công ty đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa được giải quyết hưởng chế độ do không có sổ BHXH, khi ốm đau không có thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh. Một số lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động không có sổ BHXH để giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Sự việc chỉ thực sự được gỡ nút thắt sau khi có công văn số 2919/LĐTBXH – BHXH của Bộ LĐ-TB&XH trong tháng 8 về việc đồng ý với đề xuất của BHXH VN về việc cấp lại sổ BHXH và trả trực tiếp cho người lao động tại Công ty CP công nghệ phẩm Hải Phòng và Công ty CP cung ứng tàu biển Hải Phòng.
Cần tránh là tiền lệ xấu
Theo Nguyễn Thị Lộc, Phó Giám đốc BHXH Hải Phòng, sự việc cấp lại sổ BHXH mới khi sổ BHXH còn nguyên chỉ có tính chất hi hữu và BHXH Hải Phòng không hề mong muốn có thêm những trường hợp tương tự.
“Bởi lẽ, theo quy định của luật BHXH năm 2014, sổ BHXH chỉ được cấp mới trong trường hợp sổ cũ bị mất hoặc rách, hỏng không sử dụng được. Tuy nhiên, trường hợp ở 2 doanh nghiệp trên sổ BHXH lại bị cá nhân chiếm giữ hoặc niêm phong trong văn phòng. Vì quyền lợi của người lao động, ngành BHXH đã xin ý kiến các cơ quan chức năng để cấp sổ mới cho người lao động. Đồng thời thông bảo hủy số sổ BHXH cũ…” - bà Nguyễn Thị Lộc nói.
Nhằm hạn chế tình trạng tương tự, bà Nguyễn Thị Lộc cho rằng cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố hơn nữa. Đồng thời, quy trình thực hiện cấp sổ BHXH điện tử cần được đẩy nhanh để có thể hạn chế tình trạng chiếm giữ sổ BHXH của người lao động.
“Sổ BHXH của người lao động có thể coi là tài sản, là “sổ tiết kiệm” ghi nhận quá trình đóng BHXH, liên quan đến quyền lợi hợp pháp của họ. Do đó, nếu sổ BHXH bị một cá nhân khác chiếm giữ trái phép thì các cơ quan chức năng địa phương, công an cần vào cuộc để đòi lại cho người lao động” - ông Trần Đình Liệu nói.
“Có một vài nơi, người sử dụng lao động muốn giữ sổ BHXH để ràng buộc hoặc gây áp lực với người lao động. Đây là một thực tế để các nhà làm luật nên nghiên cứu để bảo vệ quyền lợi người lao động. Đồng thời, việc cấp sổ BHXH điện tử nên được đẩy nhanh hơn. Khi đó, người lao động nếu bị mất sổ có thể trực tiếp yêu cầu BHXH cấp lại và không cần qua người sử dụng lao động”.
Trao đổi về sự việc này với PV Dân trí, ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BXHH VN, cho biết: “Dù sự việc đã được tháo gỡ bằng công văn của Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận với đề xuất của BHXH VN về việc cấp sổ BHXH mới cho người lao động. Tuy nhiên, chúng tôi rất cần có sự vào cuộc sát sao hơn của các cơ quan chức năng địa phương để bảo vệ quyền lợi của người lao động”.
Lý giải của BHXH VN: BHXH Hải Phòng chỉ là cơ quan thực hiện chính sách và chi trả chế độ BHXH cho người lao động. Việc bảo vệ quyền lợi của người lao động khi bị xâm hại, cụ thể ở đây là việc sổ BHXH của người lao động bị chiếm giữ, cần sự vào cuộc kiên quyết của chính quyền cũng như cơ quan chức năng của địa phương.
Vị Phó Tổng giám đốc BHXH VN lo ngại, nếu điều này trở thành một tiền lệ thì sẽ rất nguy hiểm. “Cả nước có gần 12 triệu sổ BHXH và cơ quan BHXH đang chuẩn bị thực hiện theo Luật BHXH năm 2014, trả sổ BHXH của người lao động mà đơn vị sử dụng lao động đang quản lý, cho người lao động trực tiếp quản lý”.
Hoàng Mạnh