Vì sao Huawei Mate RS Porsche Design lại có tới 2 cảm biến vân tay?
- Thứ năm - 17/05/2018 01:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Là phiên bản siêu sang của Huawei P20 Pro, nhà sản xuất Trung Quốc đã cố gắng trang bị những tính năng thời thượng và xa xỉ nhất cho Mate RS Porsche Design. Thậm chí Huawei còn "chơi trội", làm hẳn hai cái khoá cho máy: gồm cảm biến vân tay trong màn hình và cảm biến vân tay truyền thống đặt ở sau lưng.
Mở hộp Huawei Mate RS Porsche Design về Việt Nam: 2 cảm biến vân tay, giá "xách tay" 42 triệu đồng
Huawei Mate RS Porsche Design
Theo các nhà quan sát thị trường, Huawei Mate RS Porsche Design cũng như các mẫu điện thoại siêu sang của Huawei, tiếp tục đảm nhiệm sứ mệnh phá vỡ quan niệm hàng Trung Quốc là giá rẻ, hơn là chạy đua về doanh số. Tuy nhiên, đôi khi việc cố gắng chứng tỏ trình độ công nghệ lại có tác dụng ngược lại, khiến người ta phải nghi ngờ. Điển hình là việc Mate RS Porsche Design được trang bị đến hai cảm biến vân tay để bảo vệ thiết bị.
Người tiêu dùng hẳn là không cần đến hai cảm biến vân tay trên một chiếc điện thoại. Trên thị trường cũng chả có sản phẩm nào làm thế (vừa không cần thiết, vừa tốn kém). Vậy tại sao điều này lại xảy ra đối với Mate RS Porsche Design?
Cảm biến vân tay truyền thống ở mặt lưng của Mate RS Porsche Design
Giả thiết đầu tiên đậm chất kinh doanh là Huawei muốn chiều lòng người dùng và họ đã chọn giải pháp an toàn: Thói quen! Với những người chưa quen cách thao tác của cảm biến vân tay trên màn hình thì tùy chọn thứ hai của Mate RS Porsche Design sẽ trở nên có lý, nhất là đối tượng của sản phẩm này chủ yếu là các doanh nhân và những người dùng dư giả tiền bạc - vốn thường là những người theo trường phái bảo thủ. Bên cạnh đó, việc trang bị thêm cảm biến vân tay sẽ giúp Huawei có thêm lý do để "lấy tiền" người dùng, khi họ có thể liệt kê những điểm độc đáo (và thừa mứa) của sản phẩm.
Giả thuyết còn lại thuyết phục hơn: mức độ ổn định và độ tin cậy của cảm biến vân tay trong màn hình chưa hoàn toàn làm Huawei yên tâm, nhất là khi bản thân các ông lớn công nghệ như Apple và Samsung vẫn đang e dè trong việc tích hợp giải pháp này vào sản phẩm của họ. Chưa kể nhà cung cấp giải pháp này cũng chỉ mới mở rộng giải pháp của họ lên màn hình.
Theo thông tin trên trang chủ của công ty Shenzhen Goodix Technology ở Trung Quốc, cảm biến vân tay trong màn hình của Mate RS Porsche Design do công ty này cung cấp. Không những vậy, chính Goodix cũng là công ty cung cấp cảm biến vân tay mặt lưng cho sản phẩm này và ở mặt trước cho bộ đôi Huawei P20 / P20 Pro. Goodix là nhà cung ứng các giải pháp sinh trắc cho các hãng Samsung, HTC, LG, Nokia, HP, ASUS, Huawei, OPPO, Vivo, Xiaomi, Amazon, Samsung, Dell...; trong đó có cảm biến vân tay.
Giải pháp cảm biến vân tay của Goodix đã từng được giới thiệu lần đầu tại triển lãm MWC 2017 và tới triển lãm MWC 2018 họ giới thiệu thế hệ thứ 2 của giải pháp này, trước khi nó chính thức xuất hiện trên hai mẫu điện thoại của Trung Quốc là Huawei Mate RS Porsche Design và Vivo X21. Mặc dù Goodix khẳng định hiệu quả của cảm biến rất tốt, độ nhạy và chính xác cao nhưng bản thân công nghệ này vẫn đang quá non trẻ nên cũng như Vivo X21, Huawei đã chọn giải pháp cung cấp cả hai loại cảm biến vân tay trên sản phẩm của mình thay vì chuyển hẳn sang cảm biến vân tay trong màn hình.
Trải nghiệm nhanh cảm biến vân tay màn hình trên Huawei Mate RS Porsche Design
Thực tế trải nghiệm nhanh của phóng viên VnReview.vn cho thấy tốc độ phản hồi của cảm biến vân tay trên màn hình của Mate RS Porsche Design đủ dùng, dù chưa nhanh bằng cảm biến vân tay truyền thống bố trí ở mặt lưng. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta vẫn chưa kiểm chứng được độ ổn định của giải pháp cảm biến vân tay của nhà cung ứng Trung Quốc này, nhất là khi xảy ra các sự cố về màn hình như nứt/vỡ.
Điểm lấn cấn nhất của nó có thể thấy là trải nghiệm, do chỉ đặt ở vị trí nhất định (với kích cỡ bằng đầu ngón tay) trên màn hình và không có gờ như cảm biến vân tay truyền thống nên người dùng phải nhìn vào màn hình để tương tác với cảm biến, nếu không dễ đặt nhầm chỗ. Điểm yếu chết người tương tự từng xảy ra trên Samsung Galaxy Note 8 khi cảm biến vân tay được đặt sát bên ống kính camera, khiến người dùng dễ... sờ nhầm vào ống kính, qua đó làm bẩn ống kính và gây tác động xấu cho ảnh chụp nếu không chú ý lau chùi.
Dễ hình dung, sau một thời gian sử dụng, bạn thường dùng cảm biến vân tay truyền thống mà không cần nhìn vào điện thoại do đã quen vị trí đặt cảm biến và nhờ vào cái gờ bao quanh cảm biến, đó cũng là lý do các nhà sản xuất máy tính (và BlackBerry trước đây) thường tạo điểm gờ trên một vài phím nhất định (thường là phím F và phím J) để người dùng định vị... trong vô thức. Điều này không thể có với các cảm biến vân tay trên màn hình, mà trường hợp cảm biến trên màn Mate RS Porsche Design là một ví dụ, vì không thể tạo gờ hay khoét lõm màn hình (gây mất thẩm mỹ và trải nghiệm). Để giải quyết vấn đề này, có lẽ các nhà cung cấp giải pháp sẽ phải mở rộng khu vực "nhận" cảm biến vân tay màn hình rộng ra một phần hoặc trải rộng ra toàn bộ màn hình, đáng tiếc là điều này hiện vẫn chưa khả thi.
Nói chung, việc tích hợp cảm biến vân tay vào màn hình của Vivo X21 và Huawei Mate RS Porsche Design xem ra mới chỉ là một chiêu trò tiếp thị sản phẩm. Độ tin cậy và nhất là trải nghiệm vẫn đang đòi hỏi thời gian để tối ưu và hoàn thiện hơn nữa. Có lẽ đó cũng là lý do mà cả hai mẫu điện thoại này đều (buộc) phải trang bị thêm một cảm biến vân tay truyền thống, bên cạnh cảm biến vân tay trong màn hình từ nhà cung cấp Goodix của Trung Quốc.
TM