Uber và Grab đã quá coi thường luật pháp Việt Nam?
- Chủ nhật - 22/04/2018 00:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiện tại, người dùng vẫn truy cập được vào ứng dụng Uber nhưng khi chọn điểm đến thì ngay lập tức nhận được thông báo không có xe. Trước đó, ngày 6/4, Cục Quản lý Cạnh tranh đã làm việc với Grab và Uber, nhưng Grab vẫn hoàn tất thâu tóm Uber tại Việt Nam bất chấp có đúng luật pháp Việt Nam hay không.
Ứng dụng Uber đã bị tắt với người dùng Việt Nam
Sáng hôm qua, là hạn chót mà Uber gửi thông báo đến người dùng tại Việt Nam về việc chuyển sang Grab – hãng đã mua lại Uber Đông Nam Á. Cũng ngày hôm qua, trang web Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) công bố Thông cáo báo chí về việc Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.
Nội dung thông cáo nêu vắn tắt về sự việc ngày 26/3, Grab thông báo mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á và ngày 27/3, Cục này đã yêu cầu Grab cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến vụ việc.
Ngày 2/4, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết chưa nhận được báo cáo về hợp đồng mua bán Grab – Uber. Nhưng đến ngày 5/4/2018, Cục Cạnh tranh nhận được văn bản trả lời của Grab, trong đó GrabTaxi cho rằng thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam được xác định thấp hơn 30%. Do đó, Grab hiểu rằng các bên tham gia giao dịch không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch tại Việt Nam.
Ngày 6/4/2018, Cục Cạnh tranh đã làm việc trực tiếp với đại diện Grab. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, GrabTaxi chưa đưa ra được các căn cứ cụ thể để chứng minh cho nhận định của mình về thị phần trên thị trường liên quan nêu tại văn bản của GrabTaxi. "Do vậy, Cục CT&BVNTD đã khuyến nghị Công ty cung cấp các căn cứ này, đồng thời đánh giá kỹ thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh trước khi tiến hành giao dịch trên thị trường Việt Nam", trích dẫn Thông cáo báo chí của Cục Cạnh tranh.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.
Một điều đáng lưu ý là mặc dù ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã được báo chí trích dẫn rằng "Không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp tạm thời với Grab, Uber, song mọi phán quyết sẽ được đưa ra sau khi chúng tôi nhận được báo cáo về hợp đồng mua bán này". Vậy mà ngay cả khi Grab chưa đưa ra được chứng cứ thị phần không đạt quá 30% thì Cơ quan quản lý Cạnh tranh vẫn tỏ ra mềm mỏng với Grab: "khuyến nghị"!
Lẽ ra, ngay từ khi có thông tin về việc Grab mua Uber, Cục cạnh tranh đã phải tìm và chuẩn bị các tài liệu và chứng cớ xác định thương vụ giữa hai hãng này có vi phạm Luật cạnh tranh hay không, để sẵn sàng làm việc với Grab, thậm chí ra quyết định cấm hay phạt sớm. Nhưng Cục cạnh tranh rõ ràng tỏ ra lúng túng và phụ thuộc vào báo cáo của Grab. Đến giờ này, khi Uber đã ngừng hoàn toàn hoạt động tại Việt Nam, Cục cạnh tranh vẫn chỉ nhắc nhở để Grab cân nhắc các khả năng nếu như không đưa ra được căn cứ thị phần dưới 30%. Vậy nếu Grab cung cấp các số liệu thiếu chính xác thì sao?
Trong khi đó, tại một số nước Đông Nam Á, thương vụ Grab mua Uber đã phải trì hoãn tắt ứng dụng Uber do yêu cầu của nhà chức trách như Singapore. Philippines hôm thứ Bảy (7/4) yêu cầu Uber và Grab phải duy trì các hoạt động kinh doanh độc lập, gồm cả dịch vụ chia sẻ xe và chuyển phát, khách hàng và cơ sở dữ liệu.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin liên quan trong các bài viết tới.
Hương Hà