Triều Tiên đang bí mật bán công nghệ gián điệp ra nước ngoài?
- Chủ nhật - 20/05/2018 18:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Triều Tiên đang chống lại các lệnh trừng phạt của thế giới bằng cách bán các dịch vụ, sản phẩm công nghệ thông tin trong nước ra bên ngoài. Tất nhiên danh tính của bên bán là Triều Tiên đã bị giấu kín một cách vô cùng khéo léo.
Theo một báo cáo đáng lo ngại của Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, Mỹ chỉ ra, Triều Tiên đang bán các sản phẩm công nghệ gián điệp ra nước ngoài. Kết luận trên có được sau nhiều tháng tổng hợp từ các nguồn tin tình báo.
Trung tâm James Martin tỏ ra khá ngạc nhiên khi Bình Nhưỡng rất giỏi trong việc che giấu danh tính. Họ che giấu bằng cách liên kết với tổ chức và các bên trung gian. Đáng chú ý, nhiều khách hàng trên thế giới không hề hay biết bên bán cho mình chính ra là quốc gia đang bị thế giới trừng phạt vì chương trình hạt nhân.
Tuy bị cô lập về kinh tế nhưng Triều Tiên đã bán thành công rất nhiều dịch vụ, công nghệ như giải pháp phát triển ứng dụng và web, phần mềm quản lý kinh doanh và quản trị, phần mềm bảo mật IT, mã hóa và thậm chí cả phần mềm nhận dạng sinh trắc học.
Danh sách khách hàng của Triều Tiên đang ngày càng tăng. Theo báo cáo, khách hàng của Triều Tiên khá đa dạng từ các công ty lớn của Trung Quốc, cơ quan chính phủ Nigeria, một số công ty nhỏ ở Châu Âu hay một trường tiểu học tại Mỹ, đặc biệt có ít nhất một công ty quốc phòng có uy tín ở quốc gia đồng minh với Mỹ.
Doanh thu từ việc bán công nghệ ra bên ngoài giúp Triều Tiên dễ dàng có trong tay một khoản ngoại tệ dồi dào, bất chấp lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế.
Báo cáo kết luận: "Triều Tiên đang tiếp tục tạo ra một lớp vỏ bọc trau chuốt nhằm đánh lừa các bên đối thoại rằng, bên bán mang quốc tịch khác. Hình thức kiếm doanh thu vô hình bằng việc bán các thuật toán hoặc bất kỳ phần mềm nào của Triều Tiên thật sự rất khó khăn để ngăn chặn".
Nguy hiểm từ việc Triều Tiên bán dịch vụ công nghệ là điều không phải bàn cãi. Nhóm tác giả nghiên cứu chỉ ra, Triều Tiên có thể lợi dụng hình thức bán sản phẩm trá hình này để thậm nhập vào nhiều hệ thống máy tính trên thế giới. Lúc đó, nguy cơ đe dọa an ninh mạng là điều không thể tránh khỏi.
Cấm vận kinh tế về cơ bản không thể giải quyết được vấn đề của Triều Tiên. Bởi tính chất vô hình trong cách xuất khẩu dịch vụ công nghệ nên ngay cả những thực thể an ninh tiên tiến nhất cũng không thể ngăn được Triều Tiên.
Triều Tiên đã trở thành quốc gia hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế kể từ năm 2006. Lệnh trừng phạt đánh chủ yếu vào kinh tế khiến nước này không thể xuất khẩu nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế.
Tiến Thanh