Pin làm từ proton là gì? Ba điều bạn nên biết về viên pin mới của Đại học RMIT Melbourne
- Thứ hai - 12/03/2018 10:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tạm biệt nhé, pin lithium, đã đến lúc bạn phải ra đi rồi
Đại đa số các đồ dùng điện tử của bạn đều chạy bằng pin lithium – thứ mà bạn chẳng bao giờ tìm thấy được trong ngăn tủ mỗi khi điều khiển TV không ấn được ấy? Tuy nhiên, có lẽ pin lithium đã đi tới hồi kết của mình, khi các nhà nghiên cứu tại Đại học RMIT ở Melbourne, Úc đã chế tạo thành công nguyên mẫu của loại pin mới được cấp năng lượng bởi...carbon và nước.
Theo Futurism, đây là viên pin proton có thể sạc đầy lại được đầu tiên trên thế giới, một giải pháp lưu trữ năng lượng sử dụng các nguyên liệu giá rẻ và thân thiện với môi trường. Nhưng tại sao chúng ta lại phải thay đổi cách chúng ta lưu trữ năng lượng? Dưới đây là ba điều bạn nên biết về nguồn năng lượng của tương lai này:
1. Pin proton được làm từ các nguyên liệu có sẵn với nguồn cung rất lớn
Nguồn cung lithium của Trái đất là rất hạn chế, chỉ rải rác ở một vài quốc gia, và những nguyên liệu khác được sử dụng để làm nên viên pin lithium cũng rất hiếm và đắt đỏ. Ngược lại, pin proton có điện cực làm từ carbon, một trong những nguyên liệu sẵn có nhất trên hành tinh, và nó được sạc bằng cách tách các phân tử nước.
Trưởng nhóm nghiên cứu, anh John Andrews chia sẻ: "Lợi thế của viên pin mới là chúng tôi sẽ lưu trữ proton trong các nguyên liệu làm từ carbon, thứ có rất nhiều, và chúng tôi sẽ lấy proton từ nước, thứ có thể khai thác một cách rất dễ dàng".
2. Nó có thể sạc đầy lại được
Viên pin của RMIT có thể được cắm vào bất kì ổ sạc nào giống như các viên pin thông thường. Điều diễn ra tiếp theo khá đơn giản: dòng điện từ nguồn điện sẽ tách các phân tử nước, tạo ra proton và gắn kết với carbon ở điện cực của pin. Các proton sau đó lại được thả ra để đi qua tế bào năng lượng, nơi chúng tương tác với không khí để tạo thành nước và tạo ra năng lượng.
Theo thông cáo báo chí của RMIT, các thử nghiệm cho thấy viên pin có kích thước rất nhỏ - với diện tích bề mặt hoạt động chỉ vào khoảng 5,5 cm2 cũng có thể chứa được lượng năng lượng tương đương với những viên pin lithium ngày nay.
3. Nó không tạo ra bất kỳ khí thải carbon nào
Việc khai thác lithium và các nguyên liệu hiếm khác có thể gây ra tác động rất lớn đến môi trường, bao gồm thải chất hóa học ra hệ sinh thái và xóa bỏ diện tích rừng. Bên cạnh đó, việc xử lý các nguyên liệu đòi hỏi rất nhiều năng lượng, thông thường là nguồn điện đến từ nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi đó, việc sản xuất carbon và nước để dùng cho viên pin mới gần như không gây tác động đến môi trường; lượng khí thải mà viên pin thải ra sẽ trở thành thứ để sạc lại chúng.
Nhóm nghiên cứu dự kiến viên pin proton của họ có thể được thương mại hóa trong vòng 5 đến 10 năm tới. Đây cũng là một tin rất đáng mừng cho môi trường, khi nhu cầu lưu trữ năng lượng đang ngày càng lớn do thế giới đang chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Nếu không có những viên pin tốt để chứa năng lượng vào những ngày nắng đẹp, chúng ta sẽ không thể tận dụng những nguồn năng lượng này khi thời tiết thay đổi. Theo Andrews, khi viên pin của họ sẵn sàng, nó sẽ có thể cạnh tranh một cách "sòng phẳng" với Tesla của Elon Musk.
Văn Hoàn