Doanh nghiệp bất động sản lãi lớn 6 tháng đầu năm
- Thứ sáu - 12/08/2016 17:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dẫn đầu thị trường và có kết quả kinh doanh ấn tượng so với năm trước là Tập đoàn Vingroup (VIC). Sau nửa năm, đơn vị này tạo ra 24.196 tỷ đồng doanh thu, tăng 94%, lợi nhuận sau thuế đạt 2.926 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ là 1.521 tỷ đồng.
Phân khúc bất động sản mà tập đoàn kinh doanh thuộc hạng A trên thị trường, trong đó thương hiệu Vinhomes áp đảo ở phân khúc cao cấp trong toàn quốc. Tính riêng quý II/2016 thì doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản của doanh nghiệp đạt 4.533 tỷ đồng.
Đứng ngay sau là “ông lớn” của ngành bất động sản du lịch – Tập đoàn FLC. Sau 6 tháng, doanh thu của doanh nghiệp này đạt 3.700 tỷ đồng, tăng 84%, lãi ròng đạt 563 tỷ đồng, tăng 37%. Năm 2016, đơn vị này tập trung khai thác các bất động sản ở Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Quy Nhơn.
CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (Sudico) cũng là doanh nghiệp có được doanh thu tăng đột biến lên 486 tỷ đồng nhờ triển khai kinh doanh tại dự án khu đô thị mới Nam An Khánh. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp này lãi 160 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2015.
Tốc độ tăng trưởng chung, ngành xây dựng trong 6 tháng đã tăng 8,8%
|
Ở phân khúc bất động sản khu công nghiệp, TCT PT Đô thị Kinh Bắc có doanh thu 1.113 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân tăng trưởng của đơn vị này là do các hoạt động kinh doanh khu công nghiệp tăng trưởng tốt, tập trung ở KCN Tràng Duệ, KCN Quế Võ, KCN Tân Phú Trung, KCN Quang Châu.
Mặc dù lượng cung tăng lên nhưng lượng căn hộ cũng tiêu thụ mạnh mẽ nên doanh nghiệp kinh doanh ở phân khúc nhà ở trung cấp có lợi nhuận tăng mạnh. Theo Savills thì trong quý 2/2016, lượng căn hộ hấp thụ tăng trưởng mạnh mẽ, với hơn 6.900 giao dịch, tăng 10% theo quý và 34% theo năm. Hạng B dẫn đầu chiếm 49% thị phần lượng giao dịch toàn thị trường.
Điển hình ở phân khúc các bất động sản nhà ở vừa túi tiền là CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) với chuỗi sản phẩm Ehome.Trong 6 tháng, Nam Long ghi nhận 1.067 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 127 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu môi giới sụt giảm kéo theo lợi nhuận của CTCP Đất Xanh (DXG) chỉ đạt 149 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng doanh thu bán căn hộ của DXG vẫn tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt 1.086 tỷ đồng, đóng góp chủ yếu vào doanh thu trên là dự án Sunview Town.
Ông lớn đi tiên phong trong việc phát triển nhà ở xã hội là CTCP Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) được hưởng lợi lớn từ gói 30.000 tỷ đồng khi triển khai tất cả 15 dự án nhà ở xã hội rộng khắp khu vực phía Nam.
Kết thúc 6 tháng, HQC đạt doanh thu 816 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 67 tỷ đồng, tăng 33% so với 6 tháng đầu năm 2015. Theo ông, Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT của HQC thì kết quả này chưa được như kỳ vọng thì việc ngừng giải ngân gói này trong quý II/2016. Tuy nhiên, với việc gói 30.000 tỷ được tiếp tục giải ngân, Chủ tịch HĐQT “HQC” tự tin kế hoạch kinh doanh năm 2016 với lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng sẽ hoàn thành và khả năng đạt 700 tỷ đồng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có được lợi nhuận ròng tăng đáng kể như Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) đạt 140 tỷ đồng, tăng 213%, Nhà Khang Điền (KDH) lãi ròng 203 tỷ đồng, tăng 99% và Tập đoàn Sao Mai (ASM) đạt 83 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 230% so với năm trước.
Nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh tăng trưởng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2016 được các công ty nghiên cứu về thị trường như Savill, CBRE lý giải là do lượng bán căn hộ đều tăng trong cả quý I và quý II/2016 dẫn tới doanh thu tăng, hàng tồn kho giảm.
Theo số liệu được Bộ Xây dựng công bố tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm thì tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 37.489 tỷ đồng, so với tháng 12/2015 giảm 13.400 tỷ đồng, tương đương 26,33%. Tốc độ tăng trưởng chung, ngành xây dựng trong 6 tháng đã tăng 8,8%, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây.