Cổ phiếu "vua" hồi sinh?
- Chủ nhật - 22/04/2018 00:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong tháng 5 vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng - từng được mệnh danh là cổ phiếu “vua” - đã nóng trở lại sau một thời gian im ắng, thậm chí chìm nghỉm. Liệu đây có là cơ hội cho các nhà đầu tư kiếm lợi từ cổ phiếu này?
Nhiều chuyên gia tài chính nhận định hiện cổ phần ngành ngân hàng không phù hợp cho nhà đầu tư “lướt sóng” - Ảnh: Ngọc Thắng |
Chỉ trong vòng hai tuần cuối cùng của tháng 5, các nhà đầu tư phải ngỡ ngàng với việc tăng giá và giao dịch mạnh của nhiều cổ phiếu (CP) ngân hàng (NH). Trong đó, một số CP có mức tăng 10 - 15%, dù chỉ số VN-Index nói chung tăng giảm thất thường và chủ yếu vẫn theo xu hướng giảm nhiều hơn. Còn theo báo cáo của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BSC), nhóm CP ngành NH niêm yết trên sàn TP.HCM quý 1/2015 đã tăng 16,5%, vượt qua mức tăng chỉ 1% của chỉ số VN-Index. Thanh khoản của các CP ngành NH đã có sự cải thiện đáng kể khi có 8 CP lọt vào danh sách CP thanh khoản bình quân trên 1 triệu USD/phiên, so với chỉ có 2 CP đứng trong danh sách này hồi đầu năm.
Tương tự, Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng có cái nhìn lạc quan về ngành NH. SSI nhận định việc lãi suất được duy trì ở mức thấp khiến nhu cầu tiêu dùng tăng, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng. Cho vay tiêu dùng đang là tâm điểm của nhiều NH và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tại khu vực này đang ở mức cao. Bên cạnh đó, doanh thu từ phí dịch vụ tiếp tục tăng nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của các hoạt động xuất nhập khẩu. Mặt khác, các chuyên gia cho rằng tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các NH có thể tiếp tục giảm nhẹ năm 2015, trong bối cảnh lãi suất ở mức thấp và sự gia tăng cạnh tranh gay gắt giữa các NH nhằm thu hút thêm khách hàng.
Không phù hợp với “lướt sóng”
Một chuyên gia tài chính ở TP.HCM nhận định, năm 2015 là thời hạn cuối cho kế hoạch tái cơ cấu ngành NH nên đây chính là cơ hội để các NH sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy quản trị, tình hình tài chính cũng như tăng quy mô, hệ thống khách hàng… theo hướng tốt hơn. Nhà đầu tư sẽ có cái nhìn cụ thể hơn về sức khỏe của từng NH để đưa ra quyết định đầu tư vào đâu, dù là mua CP đang niêm yết trên sàn hay có những giao dịch như gửi tiền tiết kiệm, nhằm gia tăng lợi nhuận.
Theo BSC, hoạt động NH có sự thay đổi theo chu kỳ kinh tế nên không chỉ diễn biến trong vài ngày, vài tháng, mà là sự chuyển biến trong dài hạn với đơn vị tính theo năm, hằng năm. Trong thời gian tới, ngành NH sẽ trở thành trụ đỡ của thị trường chứng khoán và sẽ góp phần đưa VN-Index đóng cửa năm 2015 ở mức khoảng 650 điểm, nếu các chính sách thuận lợi được ban hành. Còn theo phân tích của SSI, trong năm 2014 lợi nhuận chủ yếu của ngành NH đến từ việc kinh doanh trái phiếu, nhưng các chuyên gia cho rằng điều này khó có thể lặp lại trong năm 2015. Hơn nữa, rủi ro lớn nhất của ngành NH vẫn nằm ở hệ thống nợ xấu và ngành này vẫn cần trích lập dự phòng cho năm 2015. Do đó, thu nhập của ngành NH sẽ không tăng đáng kể trong năm 2015. Tuy nhiên, nếu các NH tích cực giải quyết nợ xấu thì thu nhập của họ trong năm 2016 có thể sẽ được cải thiện.
Nhìn ở góc độ một nhà đầu tư cá nhân, tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM phân tích: “CP NH niêm yết với số lượng lớn, cổ đông nhiều, biến động giá trong phạm vi hẹp nên nó không thuộc nhóm CP phù hợp cho chiến lược đầu tư lướt sóng ngắn hạn. Nhóm CP này chỉ phù hợp cho những người xác định nắm giữ dài hạn, có kế hoạch tích lũy, nếu giá giảm về mức thấp thì cũng có nhiều tiềm năng và cơ hội nhận được lợi nhuận cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm trong năm nay”.
Thảo Vy
>> Hai sàn tăng điểm, khối ngoại tiếp tục gom hàng
>> Yếu tố nào giúp ngân hàng “hút” khách?
>> Chứng khoán hút hơn 3.900 tỉ đồng
>> Xử lý dứt điểm các trường hợp sở hữu cổ phần ngân hàng vượt mức quy định
>> VNPT sẽ thoái hết toàn bộ vốn ở 63 doanh nghiệp