Chụp thử camera kép của Xiaomi Mi A1: xoá phông, zoom 2X và chụp thông thường
- Thứ bảy - 09/09/2017 13:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một trong những điểm nhấn của chiếc Xiaomi Mi A1, smartphone đầu tiên chạy hệ điều hành Android gốc của Xiaomi là bộ camera kép 12MP ở mặt lưng, gồm một camera góc chụp thông thường và một camera tele để chụp chân dung xoá phông giống mô hình camera kép của iPhone 7 Plus.
Chiếc Mi A1 vừa được hãng điện thoại Trung Quốc Xiaomi ra mắt cách đây vài ngày ở Ấn Độ. Sản phẩm này dự kiến sẽ được bán chính hãng ở Việt Nam vào cuối tháng 9. Mức giá của máy chưa được công bố song dự kiến sẽ dưới 6 triệu đồng, có thể đắt hơn chút so với giá bán của điện thoại này ở Ấn Độ (khoảng 5,5 triệu đồng).
Mi A1 thực ra là chiếc Mi 5X đã được Xiaomi bán ra ở Trung Quốc vào tháng 8/2017. Điểm khác nhau giữa hai sản phẩm này chính là phần mềm. Mi A1 là smartphone đầu tiên của Xiaomi cài sẵn hệ điều hành Android gốc của Google, chứ không phải phiên bản MIUI tuỳ biến của hãng này. Nói rõ hơn thì đây là sản phẩm Xiaomi và Google hợp tác cùng nhau theo chương trình Android One.
Các smartphone theo chương trình Android One sẽ cài sẵn hệ điều hành Android gốc của Google và được Google cung cấp các bản cập nhật phần mềm trực tiếp, giống như các máy Nexus hay Pixel. Ngoài phần mềm, cả thiết kế và cấu hình của Mi A1 và Mi 5X đều giống nhau: thiết kế kim loại nguyên khối, màn hình 5.5 inch độ phân giải Full-HD, vi xử lý Snapdragon 625, RAM 4GB, bộ nhớ trong 64GB, pin 3.080 mAh (không hỗ trợ sạc nhanh), cảm biến vân tay một chạm, cổng USB Type C và hỗ trợ 2 SIM.
Camera là điểm nhấn của máy với bộ camera kép phía sau cùng có độ phân giải 12MP giống với Xiaomi Mi 6. Camera kép của Mi A1 hoạt động tương tự mô hình camera kép của iPhone 7 Plus gồm một chiếc camera góc chụp thông thường (khẩu f/2.2, kích cỡ điểm ảnh 1.25 micron và có khả năng lấy nét pha) và một chiếc camera tele (khẩu f/2.6 và kích cỡ điểm ảnh 1 micron). So với camera kép của Mi 6 thì cặp camera của Mi A1 thiếu chống rung quang học, kích cỡ cảm biến nhỏ hơn và thấu kính có độ mở hẹp hơn. Tuy vậy, các tính năng của camera kép vẫn tương tự gồm tính năng chụp ảnh xóa phông hoặc zoom quang học 2X.
Biên tập viên của VnReview có cơ hội dùng thử chiếc Mi A1 trong chuyên tham gia sự kiện ra mắt sản phẩm này ở Ấn Độ. Dưới đây mời bạn đọc xem qua một số ảnh chụp thực tế từ bộ camera kép của sản phẩm.
Trước tiên là một vài ảnh chụp xoá phông, tính năng có được nhờ chiếc camera tele thứ hai.
Hai cô gái Ấn Độ này khá nhút nhát nhưng thân thiện, xin chụp là đồng ý luôn.
Thanh niên Ấn Độ đa số đều trông rất "manly"
Cả cậu bé này cũng rất nam tính đó chứ
Bạn này là fan cứng của diễn đàn MIUI Việt Nam được Xiaomi mời tham gia sự kiện ra mắt chiếc Mi A1 ở Ấn Độ.
Ở Ấn Độ, người có tuổi thường để râu ria rất dài và quấn khăn chùm đầu
Cô gái người Indonesia xin chụp "xóa phông" ké
Xin chụp ảnh xong thì phải trả ảnh chứ (thành viên diễn đàn MIUI - áo thun đỏ - bắn ảnh qua Bluetooth cho "mẫu ảnh" gặp ở đền Taj Mahal của Ấn Độ).
Cụ ông bán đồ lưu niệm ở chợ Dilli Haat, khu chợ bán đồ truyền thống khá lớn ở New Delhi của Ấn Độ.
Chụp thử tấm xoá phông trong nhà, nhìn chàng trai Ấn này có chị em nào không mê chứ.
Cậu này là người Indonesia, khá "manly" song còn lâu mới sánh được với các thanh niên Ấn Độ.
Cô lễ tân xinh đẹp ở khách sạn ICT Muhal, thành phố Agra của Ấn Độ. Tấm này chụp ở điều kiện khá tối trong sảnh khách sạn
Đang ngồi uống trà sữa thì thấy cô bé xinh đẹp bàn bên chụp tự sướng trông rất đáng yêu.
Nhìn chung ở điều kiện ánh sáng tốt, đối tượng chụp rõ nét và hậu cảnh phía sau bị xóa khá mịn, không phô và lẹm vào đối tượng chụp. Tuy vậy trong quá trình chụp ở chế độ xoá phông, mình thấy máy lấy nét hơi chậm, cần có chút kiên nhẫn chờ máy lấy nét xong hãy bấm chụp. Như có thể thấy ở các ảnh trên, đôi lúc máy vẫn nhận nhầm giữa chủ thể và phần nền, dẫn đến việc không xóa hết phông hoặc xóa nhầm vào chủ thể. Ngoài ra, môi trường thiếu sáng thì hiệu ứng xoá phông sẽ không rõ, hiệu quả bằng ảnh ở điều kiện sáng tốt. Camera chống rung thiếu tính năng chống rung quang học cũng sẽ khiến ảnh bị nhiễu hơn, dễ rung hơn khi chụp tối.
Tiếp đến là một số ảnh chụp zoom 2X
Tấm này chụp tự động ở chế độ thông thường, tỷ lệ 4:3
Còn đây là zoom 2X
Chụp thông thường vào lúc trời rất đẹp, nắng nhẹ và bầu trời trong xanh
Zoom 2X thấy gần hơn đỉnh tháp rất nhiều
Mặt trước của đền Taj Mahal, biểu tượng văn hoá của Ấn Độ.
Đối tượng chụp càng xa thì càng thấy càng rõ khả năng kéo lại gần của tính năng zoom 2X
Zoom 2X cũng rất tiện khi cần chụp những bông hoa ở trên cao
Với camera tele, ảnh phóng to 2x bằng quang học sẽ có chất lượng tốt hơn so với zoom số trên các điện thoại thông thường. Đây là tính năng hữu ích nếu cần chụp đối tượng ở xa, trên cao hoặc chụp bài giảng...
Ảnh ban ngày đủ sáng, chụp tự động (tắt hoặc bật HDR)
Đền Taj Mahal
Các thắng cảnh trong quần thể danh thắng Taj Mahal
Tấm này chụp thông thường, không bật HDR
Bật HDR cải thiện rõ ràng độ tương phản giữa các vùng tối sáng và độ sáng của tấm ảnh
Thêm tấm ảnh cho thấy hiệu quả của chế độ HDR (ảnh trên là tắt HDR, còn ảnh dưới là bật HDR).
Khách sạn ICT Muhal được xây dựng bằng gạch trông rất cổ kính
Thêm ít ảnh hoa lá cho tươi tắn
Độ nét và chi tiết khi chụp ban ngày đều tốt. Màu sắc trong ảnh tự nhiên, không quá rực. Dải sáng của máy hơi đuối nên những cảnh hơi ngược sáng cũng có thể cho ra ảnh chụp không ưng ý. Tuy vậy, chế độ HDR hoạt động hiệu quả, ảnh nhìn tự nhiên chứ không bị "ảo". Trong quá trình dùng thử Mi A1, đa số ảnh chụp phong cảnh ngoài trời mình đều bật chế độ HDR.
Ảnh chụp trong nhà và thiếu sáng
Ai đến Ấn Độ có lẽ nên kiếm cuốn sách này về học hỏi
Đồ dùng ở Ấn Độ thường có nhiều màu sắc
Xe hoa quả trong khách sạn
Xe của dân chơi
Ấn Độ không giàu song các thành phố có nhiều xe hơi
Và cũng có nhiều xe điện và xe giống như xe lam của Việt Nam trước đây.
Khi chụp tối thì khả năng thể hiện chi tiết của máy kém hơn, hơi dễ nhòe do không có chống rung quang học. Tốc độ chụp không được nhanh, dù máy cũng đẩy sáng lên cao và nhiễu khá nhiều. Điểm cộng là máy thể hiện màu sắc vẫn trung thực, không bị quá vàng khi chụp trong nhà. Nhìn chung khi chụp buổi tối thì máy ảnh không còn ấn tượng như ban ngày.
Thanh Phong