3 dấu hiệu cho thấy Google đang bước vào "con đường tội lỗi"
- Thứ tư - 23/05/2018 07:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Đừng làm kẻ ác" - từ năm 2000, câu nói này đã là phương châm hoạt động của Google. Nó cũng từng là câu đầu tiên trong Quy tắc Ứng xử của hãng. "Từng" thôi. Bởi dường như vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 vừa qua, Google đã xoá bỏ câu nói này gần như hoàn toàn khỏi Quy tắc Ứng xử nói trên, và hiện chỉ xuất hiện đúng 1 lần duy nhất ở cuối cùng của Quy tắc đó.
Mới nghe qua, điều này chẳng có gì to tát, nhưng chúng ta có thể xem đó là dấu hiệu mới nhất cho thấy Google đang thay đổi những ưu tiên về mặt đạo đức của mình. Và xét việc Google ngày nay không còn là một cỗ máy tìm kiếm chỉ đơn thuần cung cấp những câu trả lời dành cho mọi câu hỏi từ quan trọng đến ngớ ngẩn của chúng ta, sự chuyển đổi đó có thể sẽ gây nên những rắc rối lớn đối với tương lai của nhân loại.
Vậy thì, với sức ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hầu như mọi công dân Internet trên toàn cầu, Google sẽ sử dụng quyền lực của mình để phục vụ những điều tốt đẹp, hay dấn bước vào con đường bóng tối?
Dưới đây là 3 dấu hiệu mà trang Futurism đã chỉ ra cho thấy, ông trùm tìm kiếm đang đi theo hướng chẳng ai mong muốn.
Dự án Maven
Tốt và xấu rốt cuộc cũng chỉ là nhận định chủ quan mà thôi. Hành động mà chúng ta cho là "ác" của người này, có thể lại chấp nhận được với người khác. Thế nhưng, giúp các thiết bị bay không người lái (drone) giết người rõ ràng là hành vi nằm trong phần tối của các chuẩn mực đạo đức, và đó lại là một trong những dự án phụ gần đây của Google.
Vào tháng 3 vừa qua đã xuất hiện nhiều thông tin cho biết Google đang giúp Bộ Quốc phòng Mỹ trong dự án Maven - một chương trình xây dựng trí tuệ nhân tạo cho drone nhằm phục vụ chiến tranh. Hàng ngàn nhân viên Google đã cực lực phản đối quan hệ đối tác này, thậm chí một vài người còn từ chức nhằm gây áp lực lên công ty.
Tuy nhiên, Google vẫn tiếp tục dự án Maven, chưa kể nhiều nhân viên cho biết công ty dường như ngày càng có hứng thú với các hoạt động quân sự và ít quan tâm đến những suy nghĩ của đội ngũ nhân viên.
Dự án Maven do Google phối hợp cùng Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện
Đánh lừa mọi người thông qua AI
Nói dối cũng là một hành vi có thể chấp nhận được trong một số trường hợp, và Google ngày càng lạm dụng điều này nhiều hơn. Một lần nữa, các nhân viên Google tố cáo công ty không còn minh bạch trong mối quan hệ với họ như trước đây, cũng như trong mối quan hệ của chính công ty với công chúng.
Hồi đầu tháng này, Google đã trình diễn tính năng Duplex dành cho Google Assistant - một AI có khả năng thực hiện các cuộc gọi dưới danh nghĩa người dùng. Nhiều thông tin cho rằng đoạn demo này có thể là giả mạo, nhưng dù vậy đi nữa, một vài người vẫn cáo buộc công nghệ này là một sự lừa gạt khi mà bản thân AI kia không hề tự nhận nó không phải là con người trong suốt cuộc gọi thử nghiệm.
"Các thử nghiệm của Google dường như được thiết kế để đánh lừa mọi người" - Thomas King, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Đạo đức Kỹ thuật số, Viện Internet Oxford, cho biết - "Ngay cả nếu họ không cố tình đánh lừa, bạn vẫn có thể thấy rằng họ đã làm ngơ trong việc đảm bảo AI của mình không lừa dối".
Yossi Matias, phó chủ tịch kỹ thuật của Google, cho biết khi phần mềm này chính thức ra mắt, AI sẽ thông báo trước cho người ở đầu dây bên kia biết nó là một AI. Nhưng chúng ta chẳng thể tin được Google cho đến khi chúng ta thực sự thấy được điều đó.
Google trình diễn Duplex tại I/O 2018
The Selfish Ledger
Tuần trước, trang tin TheVerge đã truy xuất được một đoạn video lưu hành trong nội bộ Google vào năm 2016. Với tiêu đề là "The Selfish Ledger", đoạn video miêu tả một tương lai mà Google không chỉ thu thập dữ liệu người dùng, mà còn sử dụng dữ liệu đó nhằm mục đích cuối cùng là điều khiển hành vi của họ.
Khi được hỏi về đoạn video này, một phát ngôn viên của Google không hề phủ nhận sự đáng sợ của tương lai trong The Selfish Ledger, nhưng nói ngay rằng mọi thứ chỉ mang tính lý thuyết suông mà thôi.
"Chúng tôi hiểu thứ này gây khó chịu - bởi nó được thiết kế để như vậy. Đây là một suy nghĩ thử nghiệm bởi nhóm thiết kế từ nhiều năm trước, trong đó sử dụng một kỹ thuật gọi là 'thiết kế ức đoán' để khám phá những ý tưởng và khái niệm không mấy thoải mái nhằm gợi lên những thảo luận và tranh cãi. Nó không liên quan đến bất kỳ sản phẩm hiện tại hay tương lai nào".
Dù vậy, không khó để nhận ra rằng Google, về mặt kỹ thuật, hoàn toàn có thể tạo ra Selfish Ledger. Bên cạnh đó, đoạn video nhấn mạnh rằng mục tiêu của Selfish Ledger là định hướng hành động của mọi người theo "các giá trị của Google", như tính bền vững môi trường chẳng hạn. Nếu giá trị của Google thay đổi, thì định hướng mà Selfish Ledger áp dụng lên người dùng cũng vậy.
The Selfish Ledger
Tất nhiên, Google thực ra đã và đang làm nhiều thứ tốt đẹp: họ quyên góp tiền và tài nguyên cho các dự án bảo vệ môi trường, mang đến cơ hội giáo dục cho trẻ em, và hỗ trợ các cộng đồng khó khăn.
Nhưng, quyền lực của Google quá lớn đến nỗi nếu hãng quyết định "không làm kẻ ác" không còn là một mục tiêu đáng theo đuổi, ai mà biết được họ sẽ gây thiệt hại đến mức nào? Chúng ta chỉ còn cách hi vọng rằng khi công ty càng ngày càng phát triển, lương tâm của Google sẽ không vì thế mà tiêu biến dần đi.
Minh.T.T