Xuất khẩu của ngành gỗ "vượt mặt" dầu thô hơn 3,3 tỷ USD
- Chủ nhật - 23/10/2016 11:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng cục Hải quan vừa công bố danh sách các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm của Việt Nam. Theo danh sách này, trong các mặt hàng xuất khẩu nông lâm, thủy sản, gỗ, thủy sản, rau quả là những mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó thủy sản và gỗ là mặt hàng xuất khẩu đạt ngưỡng 5 tỷ USD.
Gỗ xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua luôn đạt giá trị gia tăng cao
Đáng nói, tính đến hết tháng 9/2016, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đạt khoảng 5 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 1,7 tỷ USD của dầu thô. Xuất khẩu dầu thô giảm 24% về lượng và 43% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong tháng 9/2016 xuất khẩu gỗ đạt hơn 577 triệu USD, xuất khẩu dầu thô chỉ thu về vỏn vẹn gần 200 triệu USD.
So với 9 tháng của năm 2015, mặt hàng xuất khẩu dầu thô chỉ đạt 2,9 tỷ USD, thì giá trị xuất khẩu của gỗ đã đạt trên 4,9 tỷ USD, xuất khẩu gỗ 9 tháng đầu năm tăng hơn 1,4% so với cùng kỳ năm 2015.
So sánh với các năm như 2015, dầu thô xuất khẩu đạt 2,8 tỷ USD, với 6,5 triệu tấn, thì mặt hàng gỗ xuất khẩu đã đạt 6,8 tỷ USD, tăng hơn 10,6% so với cùng kỳ, vượt trên 4 tỷ USD so với dầu thô.
Theo đánh giá sơ bộ của Tổng cục Hải quan, năm 2016 có thể sẽ là năm thứ 2 kim ngạch xuất khẩu gỗ tiếp tục vượt qua dầu thô về giá trị xuất khẩu, đóng góp vào cân bằng cán cân thương mại, giúp tăng tỷ lệ xuất siêu. Đây có thể là năm thứ 2 liên tiếp, mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu vượt sản phẩm dầu thô - mặt hàng xuất khẩu chiến lược nhiều năm.
So sánh với các năm trước, từ năm 2010 - đến 2014, chưa năm nào đồ gỗ xuất khẩu vượt qua dầu thô. Năm 2014, dầu thô xuất khẩu đạt 7,2 tỷ USD, thì gỗ xuất khẩu chỉ đạt 6,2 tỷ USD, 9 tháng của năm năm 2014, dầu thô 5,8 tỷ USD thì đồ gỗ cũng chỉ xuất khẩu 4.4 tỷ USD. Năm cao điểm, thời thịnh hành của dầu mỏ, xuất khẩu dầu đạt 7,2 tỷ USD, trong khi gỗ chỉ đạt 3,9 tỷ USD.
Trên thực tế, trong dự toán thu ngân sách được Quốc hội đưa ra, mặt hàng dầu thô được xem là mặt hàng xuất khẩu chiến lược, đem lại nguồn thu ngân sách cho Nhà nước. Tuy nhiên, bối cảnh giá dầu thô thế giới sụt giảm, dầu thô xuất khẩu không còn được xem là "vựa thu ngân sách".
Trên thực tế, kim ngach xuất khẩu mặt hàng này cũng đã giảm sút mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể năm 2014 trung bình giá dầu thô xuất khẩu (USD/tấn - theo tính toán của Hải quan) luôn giảm hàng trăm USD/tấn. Năm 2014, trung bình giá dầu thô xuất khẩu đạt 774 USD/tấn (tổng xuất khẩu đạt 7,2 tỷ USD/9,3 triệu tấn); 9 tháng đầu năm 2015, giá trung bình còn 417 USD/tấn (tổng giá trị xuất khẩu 2,9 tỷ USD/6,9 triệu tấn), 9 tháng năm 2016, giá dầu thô trung bình chỉ đạt 326 USD/tấn (tổng giá trị xuất khẩu 1,7 tỷ USD/5,2 triệu tấn).
Theo Hiệp hội Gỗ và chế biến Lâm sản Việt Nam, hiện hầu hết gỗ nguyên liệu cho sản xuất trong nước được nhập khẩu, nguồn gỗ trong nước rất ít. Mỗi năm Việt Nam phải nhập gỗ từ 100 quốc gia trên thế giới, thị trường cung cấp nhiều nhất là Hoa Kỳ, Eu và một số nước Đông Nam Á khác. Thị trường xuất khẩu cũng chủ yếu là các nước trên. Theo con số báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2016, cả nước nhập hơn 1,29 tỷ USD gỗ nguyên liệu, thị trường chính là Mỹ, EU, Indonesia và một số nước ASEAN.
Nguyễn Tuyền