Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Xe nhỏ giá rẻ Ấn Độ ồ ạt vào Việt Nam

Xe nhỏ giá rẻ Ấn Độ ồ ạt vào Việt Nam
Không độc chiếm ngôi đầu nhập khẩu xe hơi vào Việt Nam, nhưng xe ô tô du lịch cỡ nhỏ của Ấn Độ giá nhập về tại cảng chỉ trên 154 triệu đồng/chiếc đang chiếm ngôi đầu thị trường ô tô nhập khẩu tháng 7/2016 của Việt Nam, vượt qua các nước nhập khẩu xe lớn như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Malaysia.

Theo Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại trong tháng 7 theo các thị trường chính có sự khác biệt lớn về số lượng cũng như cơ cấu các mặt hàng. Trong tháng 7 về tổng nhập, Thái Lan vẫn là nước xuất khẩu ô tô lớn nhất vào Việt Nam với hơn 3.700 chiếc, tiếp đó là Hàn Quốc với hơn 2.000 chiếc, Ấn Độ với khoảng 1.800 chiếc.

Lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại trong 7 tháng/2016 theo các thị trường chính

Nguồn Tổng cục Hải quan

Nếu tính đến hết tháng 7/2016, Thái Lan vẫn là đối tác xuất khẩu xe hơi lớn nhất vào Việt Nam với hơn 18.800 chiếc, đứng thứ 2 là Hàn Quốc với gần 12.000 chiếc và thứ 3 là Ấn Độ, Trung Quốc cùng với hơn 7.900 chiếc…

Tuy nhiên, xét về cơ cấu dòng xe nhập khẩu, xe ô tô con của Ấn Độ đang chiếm lĩnh ngôi đầu với sản lượng khoảng 7.500 chiếc (chiếm 95% tổng lượng nhập khẩu ô tô - 7.900 chiếc). Đáng nói, giá nhập khẩu bình quân tại cảng là khoảng 7.000 USD/chiếc (trên 154 triệu đồng). Các dòng xe nhỏ của Ấn Độ nhập về Việt Nam nhiều nhất là Huyndai Grand i10, Suzuki Ertiga...

Theo mức giá nhập khẩu về cảng của xe từ Ấn Độ, thì giá xe nước này về Việt Nam đang rẻ nhất thị trường, rẻ hơn nhiều so với giá xe nhập khẩu từ Thái Lan, với giá trung bình khoảng 18.218 USD/chiếc (400 triệu đồng).

Giải thích về điều này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Xe Ấn Độ ồ ạt vào Việt Nam vì hàng hóa của nước này nằm trong diện chịu thuế nhập khẩu thấp so với hàng các nước khác do Việt Nam có tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ. Dù mặt hàng ô tô được xếp vào mặt hàng có độ nhạy cảm cao (HCL) trong biểu thuế, song thuế nhập khẩu đối với ô tô nước này chỉ 68%. Đây cũng là lợi thế cạnh tranh so với các nước khác bởi giá xuất xưởng đã rất rẻ.

Còn đối với Thái Lan, nước này nhập khẩu số lượng lớn xe tải - bán tải vào Việt Nam, do đây là công xưởng sản xuất các dòng xe tải và bán tải của nhiều hãng như Ford, Toyota, Izuzu, Mitsubishi...

Tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2015, lượng xe ô tô nguyên chiếc cả nước nhập về là 60,6 nghìn chiếc, giảm 5,9%, trị giá là 1,42 tỷ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, loại xe 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu là 25,5 nghìn chiếc, tăng 16,6%; xe tải là 26,2 nghìn chiếc, tăng 7%; loại xe trên 9 chỗ ngồi chỉ nhập 650 chiếc, giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tính trung bình, mỗi tháng người Việt chi 147 tỷ đồng nhập khẩu xe ô tô.

Trong tháng 7/2016, lượng nhập khẩu ô tô đạt 10,8 nghìn chiếc, tăng 25,1% về lượng nhưng trị giá chỉ đạt 208 triệu USD, giảm 16% do đơn giá nhập khẩu bình quân ô tô nguyên chiếc các loại giảm mạnh 32,9% so với tháng trước. Việc thay đổi cơ cấu ô tô nhập khẩu, giá trị nhập khẩu được cho là do tác động của điều chỉnh chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) từ ngày 1/7/2016.

"Hiện nay, do thị trường điều chỉnh nên các hãng quay sang nhập khẩu lượng lớn xe nhỏ giá rẻ. Các liên doanh cũng đổ xô sang nhập khẩu xe giá rẻ và giảm lắp ráp những dòng xe nhỏ trong nước. Thời gian qua, các hãng ô tô trong nước có cuộc đua tranh giảm giá nhiều dòng sản phẩm rất quyết liệt từ mức 20 triệu đồng cho đến gần 100 triệu đồng/xe. Điều này cho thấy các hãng ô tô trong nước đang rất bị động trong chính sách thị trường cũng như chiến lược phát triển của mình", ông Nguyễn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thiên An Phúc, doanh nghiệp kinh doanh xe ô tô tại Hà Nội cho biết.

Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây